1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

2007 - 2010: Sẽ “thừa” gần 94.000 lao động

(Dân trí) - Dự kiến giai đoạn 2007 - 2010, sẽ có khoảng gần 94.000 lao động dôi dư trong quá trình tiến hành sắp xếp gần 1.800 doanh nghiệp trên cả nước. Con số này được đưa ra tại buổi lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty Nhà nước, được Tổng Liên đoàn lao động VN tổ chức ngày 27/11.

Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ khống chế tỷ lệ lao động dôi dư trên tổng số lao động của doanh nghiệp tại thời điểm sắp xếp là 20%. Bên cạnh đó, người mất việc làm sẽ không được trợ cấp 1 lần 5 triệu đồng; tiền lương được hưởng trong thời gian tìm việc sẽ giảm xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.

 

Nghị định cũng lược bớt một số đối tượng, chỉ áp dụng cho Công ty Nhà nước thực hiện cổ phần hoá, giao bán, giải thể, phá sản và chuyển thành công ty TNHH; Nông, lâm trường quốc doanh thực hiện sắp xếp lại theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. 

 

Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ tính đến chế độ đối với lao động nghỉ hưu trước tuổi là tiền lương bằng mức bình quân tiền lương đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ việc. Theo ý kiến của các đại biểu, so với việc tính chế độ là tiền lương hiện hưởng tại thời điểm nghỉ việc trong Nghị định 41 là đã giảm đi một khoản đáng kể, vì trong 5 năm vừa qua, lương tối thiểu đã tăng vài lần. 

 

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, cùng với lộ trình tăng lương tối thiểu dự kiến qua các năm lần lượt là 580.000 đồng - 720.000 đồng - 870.000 đồng, thì bình quân một người lao động mất việc làm sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp tương ứng qua các năm là: 34,73 triệu đồng - 39,77 triệu đồng - 45,97 triệu đồng - 51,08 triệu đồng.

 

Trước đó, áp dụng theo NĐ 41/2002/NĐ-CP, từ năm 2002 đến 31/12/2005, đã hỗ trợ cho hơn 3.500 doanh nghiệp, giải quyết chính sách cho gần 18 vạn lao động với tổng số tiền gần 6 tỉ đồng, bình quân mỗi người lao động dôi dư được nhận trợ cấp 33,4 triệu đồng. 

 

Ông Mai Đức Chính, Trưởng ban Chính sách Kinh tế - Xã hội (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, theo dự thảo Nghị định mới này, người lao động sẽ bị thiệt thòi. Nghị định đã “cắt” mất số tiền trợ cấp 1 lần với mức 5 triệu đồng theo Nghị định 41, ngoài ra, còn giảm tiền lương đang hưởng trong thời gian tìm việc mới. Theo mức lương tối thiểu hiện tại, lao động thuộc diện này sẽ mất thêm 3 triệu. Tính riêng hai khoản này, người lao động đã mất 8 triệu đồng.

 

Việc khống chế 20% lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp, theo ông Chính, là một điểm bất hợp lý so với Nghị định 41 (không khống chế mức lao động dôi dư). Có những công ty sử dụng lao động rất tốt, lao động vừa trẻ vừa có tay nghề như một số công ty mới thành lập của ngành ngân hàng, bưu chính viễn thông, quá trình sắp xếp của họ không có hoặc có rất ít dôi dư. Ngược lại, một số công ty lâm vào tình trạng sản xuất, làm ăn thua lỗ, cạnh tranh khó khăn buộc phải nghỉ, khi chuyển đổi, dôi dư của họ rất nhiều. Nếu khống chế 20% thì họ phải giải quyết làm sao? 

 

Thêm một cái “vướng” là qui định “không trừ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi” trong dự thảo Nghị định mới. Nhưng Luật BHXH qui định người về hưu trước tuổi đều bị trừ 1%/năm lương hưu. Về nguyên tắc, luật phải trên Nghị định. Qui định thì có lợi cho người lao động nhưng khi căn vào Luật pháp lại vướng. Muốn thực hiện điều này phải kiến nghị với Uỷ ban thường vụ cho phép đối với những trường hợp này không theo BHXH… Và quan điểm của Tổng LĐLĐ VN là chính sách ra sau phải bằng hoặc cao hơn chính sách trước chứ không nên thu hẹp quyền lợi người lao động.

 

An Hạ