“Viễn vọng”- Cuốn tiểu thuyết Pháp được mong đợi

(Dân trí) - Bạn đọc yêu thích văn học Pháp đã hồi hộp đón chờ sự xuất hiện của nhà văn Pháp nổi tiếng Patrick Deville cùng cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông – “Viễn vọng” được ra mắt tại Việt Nam.

Buổi tọa đàm giao lưu cùng tác giả Patrick Deville và nhà văn Nguyễn Việt Hà đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội tối ngày 12/12.

Patrick Deville, sinh ngày 14 /12/1957 là một nhà văn người Pháp có khá nhiều thành tựu văn học của thế kỷ XX. Sau khi hoàn thành thời gian học tập tại Đại học  Nantes, ông đã có một thời gian rất dài sống tại Trung Đông và các nước Châu Phi.
 
diễn giả Patrick Deville (đầu tiên, bên phải) tại buổi tọa đàm giao lưu tại Trung tâm văn hóa Pháp

diễn giả Patrick Deville (đầu tiên, bên phải) tại buổi tọa đàm giao lưu tại Trung tâm văn hóa Pháp

Ông là tác giả của mười tiểu thuyết, được coi là một trong các nhà văn Pháp hàng đầu hiện nay. Năm 2012, ông nhận giải thưởng Femina, “Giải của Các giải văn học” và “Giải tiểu thuyết” của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac).

Theo giới phê bình nghiên cứu, tác phẩm của Patrick Deville đã góp phần cách tân tiểu thuyết Pháp đương đại.

Viễn vọng (Longue vue) in năm 1988, là cuốn tiểu thuyết thứ 2 của Patrick Deville, và cũng được đánh giá là cuốn tiểu thuyết đã làm nên danh tiếng của tác giả. Tác phẩm đã được dịch ra hơn mười ngoại ngữ, và nay đã đến tay độc giả Việt Nam qua phần chuyển ngữ của dịch giả Đoàn Cầm Thi.

Tại một thành phố biển, nhà điểu học Körberg đi tìm dấu vết mối tình đầu xưa cũ với nữ ca sĩ bạc mệnh Stella. Jyl, đứa con gái nhỏ nàng để lại, giờ đã thành một Lolita xinh đẹp. Nhưng cha thật của Jyl là ai ? Körberg mở cuộc điều tra về cô bé, bên cạnh chàng gia sư Skoltz mê cờ vây, toán học và các trò cá ngựa.   

Có thể viết một cuốn tiểu thuyết trong đó các nhân vật luôn ở sát gần nhau, rình rập nhòm ngó nhau, nhưng không bao giờ gặp nhau và không hề biết là họ tham dự vào cùng một câu chuyện ? Viễn vọng là câu trả lời tài hoa của Patrick Deville.

Vậy Viễn vọng mới ở chỗ nào? Như tên gọi của nó, tiểu thuyết của Patrick Deville xoay quanh chủ đề “nhìn”: Ai nhìn? nhìn gì? nhìn bằng gì? nhìn như thế nào? nhìn để làm gì? ảnh hưởng của kẻ nhìn xuống mục tiêu nhìn?

Ngắm nghía, quan sát, rình mò, là hành động thường xuyên của các nhân vật trong tiểu thuyết. Họ nhìn trời để biết thời tiết, nhìn đồng hồ để biết thời điểm, nhìn ra xa để biết thời thế. Chưa hết, họ nhìn trộm những người xung quanh qua đủ loại dụng cụ quang học: kính lúp, kính viễn vọng, ống nhòm, ống kính máy ảnh, gương xe… Từ đó, tác phẩm của Patrick Deville khảo sát các môn khoa học đã đánh dấu thế kỷ 20 như địa chất học, hóa học, toán học, khí hậu học, động vật học, cơ học lượng tử… để cuối cùng công phá một trong những phạm trù cơ bản nhất của lý thuyết văn chương: điểm nhìn. Viễn vọng buộc chúng ta đặt lại những câu hỏi tưởng như đã cũ: Nhìn để thay đổi thế giới? Nhìn có đem lại ý nghĩa cho thế giới? Dạng thái mới nào cho văn chương để thể hiện tương quan giữa con người và thời đại?

Viễn vọng sẽ đưa độc giả đến với những trải nghiệm mới lạ và thú vị trong văn chương. Theo nhận xét của Vincent Landel (Magazine littéraire, tháng mười 1988): “Ngông cuồng và thung dung, Patrick Deville đưa vật lý lượng tử vào tiểu thuyết Pháp, như Faulkner đã từng đưa bi kịch vào trinh thám Mỹ.”
 
diễn giả Patrick Deville (đầu tiên, bên phải) tại buổi tọa đàm giao lưu tại Trung tâm văn hóa Pháp

Bạn đọc yêu thích văn học Pháp đã hồi hộp đón chờ sự xuất hiện của nhà văn Pháp nổi tiếng Patrick Deville cùng cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông – “Viễn vọng” được ra mắt tại Việt Nam

Trong buổi toạ đàm, độc giả và người quan tâm đã cùng trao đổi với chính tác giả về nội dung của cuốn tiểu thuyết Viễn vọng do dịch giả Đoàn Cầm Thi chuyển ngữ, Nhã Nam phát hành và cuốn tiểu thuyết đạt giải Fémina 2012 của ông: Yersin: dịch hạch và thổ tả do dịch giả Đặng Thế Linh chuyển ngữ, NXB Trẻ phát hành.

Bên cạnh đó, các diễn giả đã có những chia sẻ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn về những câu chuyện văn chương thú vị xung quanh tác giả - tác phẩm. Hội trường không lúc nào ngơi tiếng cười bởi những câu trả lời hóm hỉnh của các diễn giả.

Khi được hỏi nguyên cớ nào đã khiến cho hai nhà văn quyết định theo đuổi và gắn bó với nghiệp văn chương, diễn giả Patrick Deville đã chia sẻ: “Lúc còn là trẻ con tôi đã thấy rằng tôi chỉ có thể làm nhà văn. Đây là quyết định ngay từ khi tôi còn bé đó! Tôi nghiên cứu về văn học, triết học, khoa học…nhưng mục tiêu chính là để phục vụ cho văn học.”

Trái ngược với diễn giả Patrick Deville, nhà văn Nguyễn Việt Hà lại khá bất ngờ khi bây giờ mình lại là một nhà văn, đó chưa bao giờ là mục tiêu của ông: “Đến năm tôi 30 tuổi tôi cũng không nghĩ là tôi sẽ làm nhà văn.Trước đây tôi làm ở ngân hàng. Tôi muốn viết văn là vì tôi đọc tương đối nhiều tiểu thuyết Pháp. Đọc xong mình nghĩ là…mình thích viết văn. Đó có lẽ là duyên cớ!?”  

Buổi ra mắt sách thú vị đã giúp cho độc giả hiểu hơn về văn học Pháp, về nhà văn Patrick Deville cùng các tác phẩm của ông.

Bài và ảnh: Trúc Diệp