Văn học tình cảm Pháp hiện đại: Nghệ thuật hay văn chương thị trường?

(Dân trí) - Tại tọa đàm “Tại sao văn học tình cảm Pháp hấn dẫn bạn đọc Việt”, độc giả Đỗ Thu Nga cho rằng, chính những Marc Levy, Guillaume Musso đã làm cầu nối cho giới trẻ tiếp xúc gần hơn với nền văn học chân chính chứ không chỉ mãi sa đà vào ngôn tình Trung Quốc.

Nhiều tác phẩm lãng mạn hiện đại đề cao tình cảm thuần khiết

Văn học lãng mạn tình cảm Pháp đã được dịch và biết đến ở Việt Nam từ rất lâu. Nhằm lí giải sức hấp dẫn, đồng thời tạo cơ hội cho bạn đọc bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình về thể loại văn học này, buổi tọa đàm với chủ đề “Tại sao văn học tình cảm Pháp hấn dẫn bạn đọc Việt” đã được tổ chức vào tối 26/7 tại Trung tâm văn hóa Pháp.

Buổi tọa đàm là số thứ 9 nằm trong chuỗi series về Văn học Pháp do Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức với sự tham gia của Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên - tác giả và dịch giả của nhiều công trình nghiên cứu văn học Pháp, hiện đang công tác tại Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học.

Cùng với đó là sự góp mặt của dịch giả Bằng Nguyên - dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Pháp quen thuộc được đông đảo bạn đọc yêu thích: Mọi điều ta chưa nói, Ngày mai, Cuộc gọi từ thiên thần,...

Nhiều người đọc say mê văn chương ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã không còn xa lạ gì với những tên tuổi như: Marc Levy, Guillaume Musso, Anna Gavalda hay Grégoire Delancourt,... cùng nhiều tác phẩm lãng mạn hiện đại luôn hướng tới đề cao và nuôi dưỡng những tình cảm thuần khiết của mỗi bản thể. Tuy nhiên, dòng văn học này cũng vấp phải nhiều chỉ trích của giới phê bình và tạo ra nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết.

MC của buổi tọa đàm Đặng Hương Giang nói rằng mỗi tác phẩm là cơ hội để người đọc tìm thấy một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
MC của buổi tọa đàm Đặng Hương Giang nói rằng mỗi tác phẩm là cơ hội để người đọc tìm thấy một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

MC của buổi tọa đàm Đặng Hương Giang (sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay, văn học tình cảm Pháp bị quy là dòng văn học bình dân, thương mại. Nhưng cũng có nhiều ý kiến bênh vực, nói rằng mỗi tác phẩm là cơ hội để người đọc tìm thấy một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, tìm được những trải nghiệm tuy bình dị nhưng mang đến sự dễ chịu, thư thái để hiểu hơn về thực tại và về chính con người họ.

Mở đầu buổi tọa đàm, Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên đưa người nghe ngược về lịch sử văn học tình cảm Pháp. Anh nhấn mạnh dòng văn học này ra đời từ rất sớm.

Nhà văn, nhà triết học người Thụy Sĩ Jacques Rousseau với tác phẩm Nàng Heloise mới đã tạo nên bước ngoặt lớn trong việc bộc lộ, bày tỏ cảm xúc sâu kín, riêng tư của con người, nó thay đổi hoàn toàn thị hiếu thẩm mỹ đương thời, đánh dấu bước khởi đầu cho văn học tiền lãng mạn thế kỷ XIX.

Tại buổi tọa đàm, dịch giả Bằng Nguyên lần lượt đưa ra nhận xét về văn phong của hai nhà văn hiện đại Marc Levy và Guillaume Musso, vốn là những tác giả quen thuộc, luôn xuất hiện ở vị trí đầu trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất.

Dịch giả Bình Nguyên bày tỏ quan điểm.
Dịch giả Bình Nguyên bày tỏ quan điểm.

Theo chị, Marc Levy ghi điểm bởi sự đa dạng trong việc sử dụng các yếu tố xây dựng cốt truyện. Từ tác phẩm đầu tay Nếu em không phải một giấc mơ đầy mộng mị, Marc Levy trở về với những hoài niệm tuổi thơ trong Người trộm bóng, rồi đến Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên lại là sự kết hợp của các yếu tố phiêu lưu kì bí. Bên cạnh đó, Guillaume Musso lại được đánh giá là có lối viết “tỉnh táo” hơn bởi nhiều tác phẩm của ông có kết hợp yếu tố trinh thám.

Để trả lời cho nghi vấn: phải chăng, chính vì những tác phẩm thuộc dòng văn học tình cảm gần gũi với bạn đọc, thu hút được nhiều sự quan tâm nên bị gán mác văn học bình dân; dịch giả cho rằng, thực chất, dòng văn học tình cảm Pháp dành được sự đánh giá cao đối với cả giới chuyên môn và đông đảo bạn đọc.

Bằng chứng là nhiều nhà văn Pháp đã dành được giải thưởng Nobel văn chương như Le Clézio vào năm 2008 hay Patrick Modiano vào năm 2014. Và cho dù đã nhiều năm trôi qua nhưng Marc Levy và Guillaume Musso vẫn chiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất.

Buổi tọa đàm thu hút được đông đảo sự chú ý của bạn đọc, nhất là giới trẻ.
Buổi tọa đàm thu hút được đông đảo sự chú ý của bạn đọc, nhất là giới trẻ.

Bạn Nguyên Trang, sinh viên năm 3, khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương cho biết: “Điều hấp dẫn của văn học tình cảm Pháp hiện đại, trước hết nằm ở những yếu tố kì diệu được đan cài khéo léo với thực tế, nó tạo nên niềm tin trong tâm thức người đọc.

Những tác phầm này vừa mang tính chất giải trí, mang đến sự nhẹ nhõm sau ngày lao động, học tập mệt mỏi, vừa có khả năng xây đắp nên một thế giới tinh thần phong phú. Thế giới tình cảm đa dạng, gần gũi mà các tác giả xây dựng nên ở mỗi tác phẩm cũng là một chất keo vô hình khiến mình gắn bó với văn học tình cảm Pháp nhiều năm nay”.

Marc Levy, Guillaume Musso - cứu cánh cho văn hóa đọc của giới trẻ Việt?

Tại buổi tọa đàm “Tại sao văn học tình cảm Pháp hấn dẫn bạn đọc Việt”, các độc giả liên tục gợi ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm bằng những ý kiến trái chiều.

Hiện đang công tác tại Viện văn học, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành dành lời ca ngợi cho các tác phẩm kinh điển, ông trải lòng và đưa đến nhiều câu chuyện thú vị về văn chương và điện ảnh Pháp. Nhưng đánh giá về các tác phẩm hiện đại, nhà nghiên cứu lại cho rằng “nhạt” và không thể sánh được với sự đóng góp của các nhà văn lãng mạn tiền nhiệm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành dành lời ca ngợi cho các tác phẩm kinh điển.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành dành lời ca ngợi cho các tác phẩm kinh điển.

Bênh vực cho dòng văn học này, độc giả lớn tuổi Đỗ Thu Nga ( Hà Nội) cho rằng, mặc dù nhiều người không đánh giá cao, cho rằng giá trị nghệ thuật ở bản thân tác phẩm Pháp hiện đại không đạt đến độ hoàn thiện như những tác phẩm cổ điển, nhưng chính những Marc Levy, chính những Musso đã và đang là cầu nối cho những người yêu văn học, và nhất là giới trẻ tiếp xúc gần hơn với nền văn học chân chính chứ không chỉ mãi sa đà vào thế giới ngôn tình Trung Quốc hay những thú vui tiêu khiển vô bổ ngoài xã hội.

Mong muốn thế hệ đi trước có cái nhìn “vui tính” hơn đối với thế hệ trẻ.
"Mong muốn thế hệ đi trước có cái nhìn “vui tính” hơn đối với thế hệ trẻ".

Một độc giả khác thể hiện quan điểm của mình, mong muốn thế hệ đi trước có cái nhìn “vui tính” hơn đối với thế hệ trẻ. Anh nói: “Giới trẻ bây giờ được tiếp xúc với Internet sớm hơn, nên thế giới nghệ thuật tất nhiên sẽ đa dạng, phong phú hơn. Miễn là những loại hình nghệ thuật ấy toàn diện, hài hòa và tránh được những điều cực đoan đáng tiếc”.

Hoàng Ngọc