Vai trò của nhà lãnh đạo trong việc khắc phục 5 điểm chết trong teamwork

(Dân trí) - 5 điểm chết đáng sợ trong teamwork là một vấn đề “nhức nhối” cần phải khắc phục nếu muốn công ty của bạn phát triển mạnh mẽ, trong đó vai trò của nhà lãnh đạo được coi như “chìa khóa vàng”.

Teamwork từ lâu đã trở thành một kỹ năng phổ biến có tác dụng nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Trên thực tế, teamwork hay kỹ năng làm việc nhóm đã trở thành một phần không thể thiếu của bất kỳ công việc nào và nếu làm chủ được nó thì lợi ích mà con người cùng các công ty thu nhận được sẽ nhiều hơn gấp bội.

Vai trò của nhà lãnh đạo trong việc khắc phục 5 điểm chết trong teamwork - 1

Vậy teamwork thực chất là gì? Hiểu một cách đơn giản thì teamwork chính là hai hay nhiều cá nhân cùng nhau hợp tác, kết hợp những ưu điểm của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ cùng hướng tới vì một mục tiêu chung. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai và không nhiều doanh nghiệp có thể làm chủ được kỹ năng này.

Họ thường mắc phải “5 điểm chết đáng sợ trong teamwork” và vì vậy mà kết quả làm việc không được như mong muốn. Đây cũng là nội dung cốt lõi gửi gắm trong cuốn sách cùng tên của nhà văn người Mỹ Patrick Lencioni (sinh năm 1965), tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất được New York Times bình chọn, đồng thời là chuyên gia tư vấn nổi tiếng về lĩnh vực quản lý.

Tác giả Patrick Lecioni
Tác giả Patrick Lecioni

Mở đầu lời dẫn nhập cuốn sách, Patrick Lecioni đã viết rằng: “Không phải tài chính, không phải chiến lược, cũng chẳng phải công nghệ, mà kỹ năng làm việc nhóm mới chính là lợi thế cạnh tranh hàng đầu. Lý do nằm ở sức mạnh mà kỹ năng này mang lại, cũng như bởi không phải đội ngũ nào cũng có thể thành thạo và vận dụng kỹ năng làm việc nhóm một cách hiệu quả nhất”.

Chuyên gia Patrick thậm chí còn trích dẫn ấn tượng lời nói của một người bạn về kỹ năng làm việc nhóm trong công ty khi nhận định: “Nếu anh có thể làm cho mọi người trong công ty đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung, thì anh có thể thống lĩnh bất kỳ lĩnh vực nào, trong bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào và tại bất kỳ thời điểm nào”.

Một số nhà lãnh đạo khi nghe thấy nhận định này đều lập tức tán thành, nhưng đồng thời xen lẫn tuyệt vọng, và xem việc thực hiện chân lý này giống như một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Kỹ năng làm việc nhóm mặc dù đã được nhiều người biết đến trong suốt những năm qua, tuy nhiên có vẻ như nó vẫn còn là cái gì đó mơ hồ, chưa rõ ràng.

Nhiều doanh nghiệp, nhà lãnh đạo coi việc thành thạo kỹ năng làm việc nhóm là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là ở môi trường có nhiều người với những khả năng mạnh yếu khác nhau, tính cách và tinh thần làm việc cũng không dễ để hòa hợp.

Tuy nhiên, có lẽ các nhà lãnh đạo cùng những đội nhóm trong công ty của mình đã mắc phải 5 điểm chết đáng sợ trong teamwork và chúng vô tình trở thành thứ cản trở thành công của họ.

Bản thân các đội nhóm đều được cấu thành từ những con người không hoàn hảo, với những ưu nhược điểm khác nhau nên việc tồn tại những điểm chết gây rắc rối là điều không tránh khỏi.

Nhưng mấu chốt vấn đề ở đây là khả năng quan sát, nhìn nhận cũng như vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo trong công ty. Mặc dù không quá khó khăn để xây dựng đội nhóm làm việc hiệu quả nhưng đây cũng là một quá trình gian nan.

Để vượt qua trở ngại đó, nhà lãnh đạo cùng với các đội nhóm trong công ty cần phải khắc phục 5 điểm chết thường gặp trong quá trình làm việc nhóm.

Xây dựng mô hình “kim tự tháp” về 5 điểm chết, Patrick Lecioni lần lượt nêu ra những rào cản đáng sợ tồn tại trong các đội nhóm, đó là thiếu sự tin tưởng, sợ xung đột, thiếu cam kết, trốn tránh trách nhiệm và không quan tâm đến kết quả.

Thoạt đầu, không ít người cho rằng 5 điểm chết này là những vấn đề có thể giải quyết riêng biệt. Nhưng thực chất chúng tạo thành một mô hình gắn kết với nhau. Điều này có nghĩa là ngay cả một điểm chết còn tồn tại thì nó cũng có thể gây ra ảnh hưởng tới sự thành công của cả đội. Đây có lẽ là một cái gì đó vẫn còn “mơ hồ” đối với nhiều nhà lãnh đạo và các công ty, tổ chức.

Để khắc phục 5 điểm chết trong teamwork, bên cạnh những yếu tố khách quan thì việc duy trì mức độ kỷ luật cũng như sự kiên trì là một thách thức mà ít có đội nhóm nào đạt được.

Đặc biệt, vai trò của người lãnh đạo trong việc khắc phục những điểm chết trên là rất quan trọng. Mọi thứ đối với người lãnh đạo không đơn giản từ việc khuyến khích xây dựng niềm tin trong đội nhóm, bộc lộ điểm yếu của bản thân, bám sát lịch trình công việc hay can thiệp đúng thời điểm vào những xung đột tích cực nảy sinh trong quá trình làm việc,...

Nhưng trên hết, để thay đổi, những người lãnh đạo và đội nhóm trong công ty cần phải duy trì tình thần kỷ luật cùng với sự kiên trì. Giống như Patrick Lecioni chia sẻ: “Thành công không phải nằm ở việc thông hiểu các lý thuyết phức tạp, mà nằm ở việc thực hiện những điều cơ bản và bình thường với tinh thần kỷ luật và sự kiên trì vượt trội”.

Bắt đầu cuốn sách bằng một câu chuyện rất thực tế trong một công ty hư cấu, tác giả Patrick Lecioni nhận ra đây là cách giúp độc giả có thể học hỏi hiệu quả hơn, khi họ đắm mình vào trong câu chuyện cũng như kết nối với những nhân vật trong đó.

Bên cạnh câu chuyện hấp dẫn, cuốn sách “5 điểm chết trong teamwork” còn truyền tải những lời khuyên, giải pháp để giúp các đội nhóm có thể vượt qua được những chướng ngại đang cản trở thành công của họ.

Bằng lối viết chân thực, cùng với những kinh nghiệm thực tiễn thông qua quá trình làm việc cùng với nhiều huấn luyện viên, giáo viên, nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, cuốn sách “5 điểm chết trong teamwork” của Patrick Lecioni thực sự là một “cẩm nang” thú vị, bổ ích. Hy vọng cuốn sách có thể giúp cho đội nhóm của bạn khắc phục được các điểm chết đang gặp phải và gặt hái được nhiều thành tựu tuyệt vời.

Hằng Nguyễn