“Tư duy nhanh và chậm”

(Dân trí) - Ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm”, Daniel Kahneman đã khẳng định: Trong một thời gian dài, các học giả đã gieo vào đầu chúng ta một quan điểm: chúng ta - những con người đầy lý trí- quyết định mọi việc có tính toán một cách cẩn thận.

Tuy nhiên, bằng hàng nghìn thí nghiệm được tác giả và người cộng sự tiến hành trong hơn chục năm trời, ông đã chỉ ra rằng quan điểm ấy hoàn toàn sai lầm.

Theo Kahneman, con người có hai hệ thống tư duy: Hệ thống 1 hoạt động theo cơ chế tự động và mau lẹ, với rất ít hoặc hầu như không cần sự cố gắng và không tự động kiểm soát (ví dụ khi nhìn thấy hình một em bé mếu máo chúng ta có thể gán cho rất nhiều suy đoán về những gì sắp xảy ra tiếp theo)- được gọi là tư duy nhanh. Hệ thống 2 tập trung sự chú ý đối với những hoạt động tư duy đòi hỏi sự nỗ lực, bao gồm những phép tính phức tạp, thường gắn với kinh nghiệm chủ quan và tập trung của chủ thế (hãy xem xét phản ứng của chúng ta khi nhìn thấy phép nhân 17x24, chúng ta có thể biết ngay đáp án 12,609 hay 123 là không hợp lý, nhưng cũng không dám chắc 568 có phải là đáp án đúng hay không. Và chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn là ngồi lại tính toán phép tính này)- được gọi là tư duy chậm. Và hệ thống tư duy được con người sử dụng thường xuyên nhất là hệ thống tư duy nhanh.



Bìa cuốn sách Tư duy nhanh và chậm

Bìa cuốn sách "Tư duy nhanh và chậm"

Hệ thống tư duy nhanh liên tục diễn dịch chuyện gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta, và quá trình này sẽ sản sinh ra những phán đoán suy nghiệm khá hữu ích, nhưng đôi khi cũng dẫn đến những lỗi sai nghiêm trọng và hệ thống. Với các chuyên gia, những người đã luyện tập hàng nghìn giờ đồng hồ trong lĩnh vực của mình, tư duy nhanh của họ (gọi là tư duy trực giác của các chuyên gia) nhiều khi rất chính xác vì nó được dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trời của họ. Một cao thủ cờ vua chỉ cần liếc mắt vào một bàn cơ trên đường phố mà ông đi qua là có thể tuyên bố “quân trắng, ba nước, chiếu tướng” hay một bác sĩ chỉ cần liếc mắt nhìn bệnh nhân là có thể chưa ra những chuẩn đoán phức tạp của một căn bệnh.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào có thể tư duy như vậy  cũng vậy chứ chưa nói đến người thường.  Đơn cử một giám đốc đầu tư tài chính lớn ở phố Wall cũng đã mắc sai lầm khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của hãng ô tô Ford, chỉ vì ông rất ấn tượng sau khi tham dự buổi trình diễn của hãng này. Ông không hề quan tâm đến một câu hỏi mà đáng lẽ một giám đốc tài chính như ông phải đặt ra: liệu cổ phiếu của hãng Ford hiện thời có bị định giá thấp so với giá trị thực tế của nó không. Câu hỏi mà vị giám đốc này phải đối mặt (liệu tôi có nên đầu tư vào cổ phiếu của Ford) quá khó, nhưng câu trả lời cho một câu hỏi dễ hơn và có liên quan (liệu tôi có thích hãng Ford không) xuất hiện ngay trong đầu, dẫn đến lựa chọn trên của ông. Đây cũng chính là điểm cốt yếu của suy nghiệm trực giác: khi đối mặt với câu hỏi khó, thay vì trả lời trực tiếp, chúng ta lại thường trả lời vào câu hỏi dễ hơn và thường chúng ta không nhận ra sự hoán đổi này.

Một sai lầm khác của hệ thống tư duy nhanh Kahneman gọi là “sai lầm dự kiến”: Chúng ta thường đánh giá quá cao lợi ích mà đánh giá thấp chi phí; và hẳn nhiên là chịu rủi ro một cách ngu ngốc. Chính vì điều này năm 2002, nhiều người  Mỹ thiết kế lại nhà bếp của họ với chi phí ước tính là 18,658 đô la, tuy nhiên số tiền phải trả thực tế lên tới 38,769 đô la.

Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm bàn sâu về sự sai lệch của trực giác, những giới hạn của đầu óc con người  khi sử dụng phương pháp tư duy nhanh, giúp mỗi người nâng cao nhận thức của bản thân khi đưa ra các dự đoán, quyết định, tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình đặc biệt là với các nhà quyết định chính sách, triết học và kinh tế học.

Cuốn sách mới được phát hành tại Việt Nam này kể từ khi xuất bản đã giành được vô số giải thưởng danh giá: Sách hay nhất của Học viện khoa học Quốc gia Hoa Kỳ năm 2011, Sách hay nhất năm 2011 do Tạp chí New York Time bình chọn, Sách được quan tâm nhất năm 2011 do Tạp chí Los Angeles bình chọn.

Tác giả cuốn sách Daniel Kahneman là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton, Mỹ. Ông được xem là một nhà tâm lý học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống. Cùng với người đồng nghiệp thân thiết của mình, Giáo sư Amoss Tversky (Đại học Stanford), ông đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tâm lý và có nhiều phát hiện rất quan trọng về hành vi con người. Năm 202, ông đã được trao giải thưởng Nobel  kinh tế vì những phát kiến về lý thuyết viễn cảnh (Prospect Thoery). Và cuốn sách  Tư duy nhanh và chậm chính là một đúc kết những nghiên cứu đẳng cấp Nobel.

H.T