Thuận - dấu ấn sắc nét với 7 tiểu thuyết

(Dân trí) - Miệt mài sáng tạo với đủ các thể nghiệm và cung bậc khác nhau, Thuận để lại dấu ấn đặc biệt trong đời sống văn chương đương đại. Chị vừa giới thiệu tới bạn đọc tiểu tiểu thuyết số 7 “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”.

Nữ nhà văn Thuận

Nữ nhà văn Thuận

Tiểu thuyết của Thuận, không phải riêng Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư mà các sáng tác của chị luôn chứa đựng những mảnh đời sống phồn tạp với vô vàn cung bậc và sự biến hóa linh hoạt của nó, thể hiện những trạng thái nhân sinh rã rời của quan hệ con người với con người trong một thế giới luôn bị chia cắt, xáo trộn, hiểm họa, mâu thuẫn và đối kháng văn hóa.

Những con số 4 tràn ngập tháng Tư

Độc giả có thể phát ngán lên với những con số 4 tràn ngập tiểu thuyết mới của Thuận, tác giả muốn thế, nên chị đã sử dụng số 4 với mật độ dày đặc, không chỉ là hành văn Việt ngữ thông thường nữa mà là thay đổi cách tư duy của người đọc. Người khác nói “hắn đã sống như một cái bóng” còn Thuận viết “hắn đã sống như 4 cái bóng”, nghĩ cho cùng, là rất đúng bởi vì chẳng ai lúc nào cũng chỉ là chính mình, là một mình; người khác cần tìm ra một cách làm nhưng Thuận cho nhân vật cuống lên để bắt buộc phải tìm ra 4 cách làm, người khác dừng lại một giây còn Thuận để các nhân vật dừng lại mỗi 4 giây, 4 phút, 44 phút cho một phân cảnh.

Những cuốn tiểu thuyết của Thuận đóng góp quan trọng cho văn chương đương đại


Những cuốn tiểu thuyết của Thuận đóng góp quan trọng cho văn chương đương đại

Những cuốn tiểu thuyết của Thuận đóng góp quan trọng cho văn chương đương đại

Còn rất nhiều những con số 4 tràn ngập, lên tới hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu, kiểu như “4 kinh nghiệm lớn nhất mà hắn có được từ ngày hành nghề là khách có vấn đề hay không đều phải nói là có 4 vấn đề, có cần thuốc hay không đều phải kê đơn, đơn phải từ 4 thuốc trở lên…”, “sức chịu đựng của người Việt hay người gốc Việt nói chung là gấp 44 lần các dân tộc khác”, “thằng cha căng chú kiết này có thể bụng không 4 múi mà 4 ngấn, nhưng khuôn mặt phải công nhận là khá xinh trai, cũng thích cởi truồng đi lại và tranh luận triết học giống như 44% đàn ông nước Pháp…”

Hai nhân vật chính là một cặp nhân tình, say mê nhau điên cuồng và không lối thoát, mà cũng chẳng có ý định kiếm tìm lối thoát, bởi cả hai chính là những hình ảnh soi chiếu của những luồng biến chuyển văn hóa, xã hội, theo biến cố và lịch sử. Hắn là một bác sĩ, “như 4 triệu đứa trẻ di dân lớn lên trong nền giáo dục phương Tây, hắn thích tự do”, nên hắn được tự do tình dục với các nhân tình và tự do suy nghĩ trong ngôi nhà 4 phòng ngủ mà vợ hắn đã cầm tù hắn với 4 món nợ ngân hàng khổng lồ. Cô là một nhân vật lồng ghép nhiều biểu tượng, bất hạnh, tha hương, cô độc nhưng đẹp một cách man dại và quyến rũ bởi đa diện suy tư chiều sâu và sức tưởng tượng độc đáo. Những ngày Tháng Tư, họ gặp gỡ một cách định mệnh và lao vào nhau rồ dại, từ Tây về lại Đông, từ chân tháp Eilffel Paris về khách sạn đường Đồng Khởi Sài Gòn, để nhìn lại thăng trầm và biến cố; để thấy rõ hơn những chân dung văn hóa đương đại, thô kệch và méo mó; đồng thời cũng để nhận thức một cách có ý thức hơn về cái đẹp tinh tế ẩn giấu sâu kín đâu đó trong bất cứ con người nào.

Dấu ấn đặc biệt


Dấu ấn đặc biệt

Thuận là nhà văn ngay khi vừa xuất hiện đã gây ngay được tiếng vang, tiểu thuyết đầu tiên của chị,Made in Vietnam (năm 2002) đã có được những ấn tượng tốt. So với các nhà văn đương thời, Thuận được đánh giá là một nhà văn nổi bật. Trong tiểu thuyết của mình, Thuận luôn có những thể hiện mới mẻ về tâm thức con người thời đại, mạnh dạn, đưa vào trong tác phẩm những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm, tế nhị như tình dục, ham muốn bản năng...

Phá vỡ lối cấu trúc truyền thống, các tiểu thuyết của Thuận thường sử dụng cấu trúc phân mảnh, không chú trọng trình tự thời gian, sự kiện. Các nhà phê bình văn học đều đánh giá Thuận đã rất thành công khi không đi theo hình thức tiểu thuyết cổ điển mà mỗi cuốn chị đều có những sáng tạo độc đáo của riêng mình.

Made in Vietnam không phân chia chương đoạn, không có dấu chấm xuống hàng. Chinatown(2005) cũng không phân chia chương đoạn không có chấm xuống hàng nhưng chia làm 3 phần – tiểu thuyết chính và 2 trích đoạn của tiểu thuyết phụ do nhân vật chính đang viết. Paris 11-8 (2006) mỗi chương đều bắt đầu bằng một trích đoạn báo chí về trận nắng nóng kỷ lục. T mấttích (2007) nhân vật chính biến mất ngay từ dòng đầu tiên. Thang máy Sài Gòn (2013) có 40 chương được sắp xếp không theo một trật tự nào cả, tên của các chương cũng chỉ có 3 từ lặp đi lặp lại: HàNội, SàiGòn, Paris và mỗi độc giả có thể tự tìm một trật tự mới cho các chương. Vừa ra mắt, tiểu thuyết Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư (2015) kết cấu gồm 4 chương, mỗi chương có 4 phần, mỗi phần bắt đầu bằng một đoạn thơ ngắn của một bài thơ dài và vô vàn các con số 4 tạo thành dòng xoáy khiến độc giả chóng mặt.

Dấu ấn đặc biệt


Thuận có lợi thế là nắm vững một ngôn ngữ khác (chị sống ở Paris, đã dịch 3 tiểu thuyết Pháp sang tiếng Việt và tự dịch “Thang máy Sài Gòn” sang tiếng Pháp) và từ những hiểu biết ngôn ngữ và văn chương đó, chị đã tạo được cho mình một thứ tiếng Việt không giống ai, hiện đại và sắc bén.

Nhân vật của Thuận có cuộc sống đa đoan, nhiều uẩn khúc trắc trở, đặc biệt cô đơn, lạc loài, bé mọn, mang trong mình những vết thương tinh thần không dễ gì xóa bỏ. Những áp lực cuộc sống, những định kiến xã hội không chỉ khiến con người mệt mỏi trong thực tại mà còn theo cả vào trong giấc mơ, nơi vẫn được coi là chốn nghỉ ngơi của tâm hồn. Giấc mơ ấy chính là bản sao của một hiện thực chưa xa, và cũng là hình dung tới một kết cục đáng buồn trong tương lai. Thuận đã bắt sóng tần số của những dải tần tâm lý trong tâm thức con người đương đại, một trong số đó chính là trạng thái bất an, cảm giác lo sợ, bị đe dọa, tình trạng tồn tại yếm thế, nhỏ nhoi, vô nghĩa trước cuộc đời rộng lớn, trước những hiểm họa cả hữu hình và vô hình đang bủa vây xung quanh.

Thuận (tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1968 tại Hà Nội, hiện đang sống ở Paris, Pháp) là một trong những nhà văn có công góp phần khơi dòng chảy tiểu thuyết đương đại trong văn học Việt Nam. Chị được coi là hiện tượng tiêu biểu trong làng tiểu thuyết gần đây. Hành trình sáng tạo của Thuận đang khẳng định một sự vận động không ngơi nghỉ của một người cầm bút ý thức với nghề và đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật viết.

Nhà văn bộc bạch về ý nghĩa của số 4


Nhà văn bộc bạch về ý nghĩa của số 4

Thuận nói: “Số 4, để nhắc lại tháng Tư năm 1975, sự kiện trung tâm của câu chuyện, đã gây nên những bước ngoặt trong cuộc đời các nhân vật chính. Bạn thử nghĩ xem, nếu lâu lâu mới nhả vài số 4, một cách nhè nhẹ du dương, thì kết quả thế nào cũng được một tác phẩm xinh xinh mà độc giả cũng thinh thích nhưng cuối cùng lại chẳng còn nhớ đến cả số 4 lẫn tháng Tư. Thế nên, đó không thể là cái đích của tôi. Ngay từ khi bắt tay vào bản thảo này, tôi đã tưởng tượng số 4 như một con quỉ nhỏ, liên tục tra vấn, dày vò người đọc, và chính bằng cách ấy, nó đã bắt họ không được rơi vào chứng lãng quên hay những lối mòn. Độc giả tưởng đã được nghe Trịnh Công Sơn ư, nhân vật của tôi sẽ hát: “Anh nằm xuống sau 4 lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này”. Còn bài “Tự nguyện” mà họ đã thuộc lòng bấy lâu nay thì bị vẹo vọ thành: “nếu là chim tôi sẽ là 4 bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là 4 đóa hướng dương, nếu là mây tôi sẽ là 4 vầng mây ấm, nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương…Tôi cũng hình dung những trang tiểu thuyết như những mặt bàn bị đóng đinh bởi những số 4. Mặt bàn do vậy không thể sử dụng làm mặt bàn nữa. Và tác phẩm cũng chuyển từ tiểu thuyết sang một thể loại khác, hoặc ít ra cũng không còn là tiểu thuyết thuần túy. Trong lời giới thiệu ở bìa 4, người ta đã nói tới thơ. Tôi cho rằng đó là một liên tưởng thú vị. Số 4, vậy thì, có thể trở thành những con quỉ nhỏ ma mãnh hay những chiếc đinh nham nhở, và cả những âm điệu, những âm độ cố nhiên gồ ghề và phiền toái”.














Hòa Bình