“Nồi cơm bản quyền” bao giờ “chín” ở Việt Nam?

(Dân trí) - Vấn đề “bản quyền” mặc dù đã được nhắc đến từ lâu nhưng cho đến nay vẫn ở mức “báo động” bởi nhiều tác phẩm văn học, thơ bị ăn cắp một cách trắng trợn mà những “ông bố, bà mẹ” không biết kêu ai.

Lơ mơ về bản quyền, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng

Với mục đích tìm ra cách thức giải quyết hiện tượng này, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Bảo hộ quyền tác giả văn học” diễn ra ngày 18-2, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên kết thúc Hội thảo, các ý kiến vẫn chỉ ở mức độ “cầm chừng” bởi ngay cả đến hội viên Hội nhà văn cũng không thật sự nắm rõ về vấn đề này.

“Nồi cơm bản quyền” bao giờ “chín” ở Việt Nam?
Vấn đề "Bảo hộ tác giả văn học" càng trở nên "nóng" khi nhiều tác phẩm bị "ăn cắp" một cách trắng trợn.

Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (gọi tắt là VLCC) được thành lập năm 2004, với 921 hội viên. Từ năm 2004 đến tháng 7-2011, Trung tâm do nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến làm giám đốc; Từ tháng 1/2011 đến nay, Trung tâm được bàn giao cho Ban giám đốc mới do nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ giữ chức vụ giám đốc.

Với bộ máy nhân sự gồm 8 người nhưng chủ yếu giữ chức vụ kiêm nhiệm, số chính nhiệm ở cơ quan chỉ có 3 nhân viên. Sự “nghèo nàn” về nhân sự này kèm theo hạn chế về những hiểu biết trong vấn đề bản quyền của các hội viên khiến cho việc bảo hộ quyền tác giả văn học gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ khó khăn về nhân sự, tổ chức, vấn đề bảo hộ quyền tác giả văn học sau 9 năm thành lập VLCC vẫn chỉ ở mức độ “cầm chừng cho có” với hiệu quả vô cùng khiêm tốn: “Cả năm thu được tất cả15 triệu đồng”.

Hội thảo thu hút nhiều tác giả tham gia.
Hội thảo thu hút nhiều tác giả tham gia.

Phát biểu tại Hội thảo, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Khó khăn nhất trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả văn học hiện nay nằm ở nhận thức của các hội viên. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã coi thường vấn đề này bởi khi giao tác phẩm của mình cho trung tâm quản lý, khai thác thì chính bản thân họ cũng phải đồng hành cùng VLCC trong việc bảo hộ những “đứa con tinh thần đó”. Tuy nhiên nhiều nhà văn sau khi biết tác phẩm của mình bị ăn cắp bản quyền rồi mới đến Trung tâm nhờ giúp đỡ nhưng sau đó thì sẵn sàng cho qua bởi quan niệm: “may mà tác phẩm của mình có người sao chép”.

Lợi ích của tác giả bị xem nhẹ.

Không nhận thức đúng đắn về vấn đề bản quyền, điều này vô hình chung khiến các tác giả rơi vào tình thế “gậy ông, đập lưng ông” mà không hề hay biết. Thêm vào nữa đa số mọi người đều có thói quen sử dụng miễn phí các tác phẩm nên việc phải trả phí là điều khó thực hiện. Dẫn chứng về điều này, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho hay: “Các tác phẩm văn học ở Việt Nam được sử dụng vô cùng phóng túng. Hiện nay có rất nhiều trang web ngang nhiên lấy tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ mà không xin phép. Về điều này thì Hội nhà văn phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các hội viên. Tuy nhiên, Hội không thể đứng ra kỳ kèo, mặc cả từng đồng cho mỗi tác phẩm của các tác giả mà phải giao cho đơn vị khác đứng ra làm việc này”.

Bà cũng dẫn chứng: “Ở nước ngoài, khi một tác phẩm in ra 500 bản thì họ phải trả 100 % nhuận bút cho tác giả, còn ở Việt Nam thì không làm được điều này. Nhiều nhà văn, nhà thơ chỉ duy nhất một lần được nhận nhuận bút, còn việc các nhà xuất bản lấy lại hoặc tái bản thì nhuận bút dành cho tác giả bị “lờ” đi, thậm chí số lượng tác phẩm in nhiều hay ít thì tiền nhuận bút cho tác phẩm đánh đồng như nhau”.

Hội thảo thu hút nhiều tác giả tham gia.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến khẳng định: "Có nhiều trang web lấy công khai các tác phẩm mà không cần sự đồng ý của tác giả".

Bày tỏ sự bức xúc về vấn đề này, nhà văn Hoàng Minh Châu dẫn chứng: “Với bản“Tình ca” của tôi đã có tới 8 nhạc sĩ phổ nhạc, tuy nhiên phần lời là của tôi thì tôi không một lần được nhắc đến. Hay có những cuốn sách của tôi mà nhà xuất bản Giáo dục tái bản đi tái bản lại tới 6 lần và có lần còn đổi cả tên tác giả nhưng khi tôi có ý kiến thì họ chỉ xin lỗi thông thường kèm theo lời “xin tác giả không kiện tụng”.

Giải pháp không khả quan

Việc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đã kí kết với đối tác là Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam VNPay trong việc cho phép VNPay được số hóa, lưu trữ, sử dụng, khai thác và kinh doanh tác phẩm trên mạng viễn thông và môi trường kĩ thuật số cũng không mang lại nhiều khả quan về vấn đề “bảo hộ quyền tác giả”.

Ông Lê Tánh - Giám đốc công ty VNPay chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.
Ông Lê Tánh - Giám đốc công ty VNPay chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

Bày tỏ tại Hội thảo, ông Lê Tánh – Giám đốc công ty VNPay chia sẻ: “Chi phí số hóa cho mỗi tác phẩm là tương đối lớn (3.000 – 5.000 đồng/trang) nhưng giá trị thương mại lại không cao nên không thu được lợi nhuận. Với hoạt động như hiện tại, có tháng công ty thu được 2.000.000 đồng hoặc thậm chí số tiền đó phải tính bằng quý”.

Sức sống “èo uột” của giải pháp tưởng chừng sẽ là “cứu cánh” cho vấn đề bản quyền được chỉ ra bởi nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên hai vấn đề cốt lõi ở đây đó là: Ý thức của các nhà thơ, nhà văn trong vấn đề “bảo vệ” chính “đứa con của mình”chưa đầy đủ, thêm nữa các đơn vị quản lý như Cục bản quyền tác giả, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam chưa phát huy hết vai trò của mình nên tình trạng xâm phạm bản quyền như: in sách lậu, sử dụng văn bản tác phẩm với nhiều mục đích khác nhau… vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Ông Lê Tánh - Giám đốc công ty VNPay chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.
Kết thúc Hội thảo, vấn đề "bảo hộ quyền tác giả văn học" vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong việc tìm ra giải pháp.

Kết thúc hội thảo, câu hỏi: “Nồi cơm bản quyền bao giờ sẽ thực sự chín ở Việt Nam?” vẫn còn bỏ ngỏ để chờ đợi những bước hành động thực sự “dứt khoát” và “đồng bộ” của các đơn vị chức năng trong tương lai không xa.

Phạm Oanh