Nhà văn Hữu Ước: “Tại sao cái ác, cái xấu, sự không tử tế vẫn luôn tồn tại?”

(Dân trí) - Chiều 31/8 tại Hà Nội, nhân dịp tròn một ngày ra mắt sách “Tình thương” của tác giả Hà Huy Thanh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Hữu Ước đã có những luận bàn về chủ đề: “Bạn có phải là sứ giả tình thương?”.

Cách đây tròn một năm, tác giả Hà Huy Thanh - một người con Hà Tĩnh đã ra mắt cuốn sách “Tình thương” tại Hà Nội. Cuốn sách nhỏ gọn có dung lượng 13 chương với hành trình “con chữ” của mình đã trải qua 365 ngày tiếp cận với độc giả.

Tác giả Hà Huy Thanh từng chia sẻ, vì không phải là một triết gia nên nguyên lý tình thương anh đưa ra không phải là một học thuyết mà nó là một hành thuyết, một nguyên lý để mọi người có thể thực hành trong từng hơi thở. Với 13 chương của cuốn sách đã có tới 5 chương nói về nguyên lý của tình thương mà theo tác giả đó chính là “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”.

Tác giả Hà Huy Thanh.
Tác giả Hà Huy Thanh.

Anh cho rằng phạm trù tình thương tưởng chừng rất đỗi quen thuộc trong đời sống nhưng nếu tìm kiếm từ khóa “tình thương” trên Google hay trên bách khoa toàn thư online đều không có một định nghĩa nào cụ thể. Qua cuốn sách này, người đọc sẽ được tiếp cận một định nghĩa của riêng về tình thương - một từ ngữ không thể dịch sang tiếng Anh mà tác giả có tham vọng khiến người nước ngoài sẽ phải dùng đến nó.

Tại buổi tọa đàm tác giả Hà Huy Thanh chia sẻ: “Mẹ tôi từng nói, sao con lại viết về “Tình thương” đó là vấn đề cực kỳ khó, đó là tâm linh, đó là văn hóa sao con lại viết? Bố tôi thì luôn nói rằng con luôn tự ra đề khó cho mình, còn anh trai tôi lại nói: “Chú nghĩ mọi người cần cuốn sách của chú? Ví dụ như anh thấy gà mẹ gà con có đọc sách đâu vẫn yêu thương nhau đấy thôi, bảo vệ nhau đấy thôi?”. Những ý kiến vô cùng xác đáng mà tôi thấy thú vị chính vì thế nên tôi viết cuốn “Tình thương” cho một sự khởi đầu mới.

Nếu chúng ta cho rằng đã nhận thức một vấn đề đủ rồi, hoặc vấn đề quá lớn, không thể nhận thức được thì chúng ta tự xếp mình đứng ngoài cuộc trong hành trình của văn minh.

Quyền lực không phải đến từ vị trí của bạn mà từ việc bạn sử dụng sức mạnh của mình như: thân thể, tình cảm, trí tuệ, tâm linh... vậy thì cuốn sách tình thương không phải là một lý thuyết cũng không phải là một bài đạo đức, hay sự chia sẻ đơn thuần mà với cuốn sách “Tình thương” tôi muốn tự “set-up” phần mềm cho mình và tôi nói với người bên cạnh mình rằng “Tớ làm được”, người kia đã làm thành công rồi thì bạn cũng làm được.

Tôi đã gặp các bạn thời đại học, sau 15 năm có người bạn gặp tôi và họ nói họ đã hiểu những điều tôi nói và cảm thấy rất hạnh phúc. Tình thương chỉ ra cho chúng ta một quy trình để chúng ta đẩy lùi những quan điểm sai trái, những thói quen xấu ảnh hưởng đến hành vi chúng ta.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề Bạn có phải là sứ giả tình thương?.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề "Bạn có phải là sứ giả tình thương?".

Tình thương chỉ ra cho chúng ta cách hệ thống xây dựng niềm tin cơ bản, niềm tin đó đến từ chính bản thân mình. Đó chính là “set-up” một thân thể khỏe mạnh, tình cảm cân bằng, trí tuệ sáng suốt và tâm linh mạnh mẽ. Đó là mong muốn của tôi, chúng ta sẽ có một rừng cây tình thương bắt đầu từ những hạt giống đầu tiên”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: “Loại sách mang chủ đề về tình thương, sự giận dữ, niềm vui... thường là sách người ta viết vào lúc cuối đời hay chí ít phải ở vào thời kỳ viên mãn nhất của những người ham chiêm nghiệm việc đời.

Tác giả cuốn sách mới ngoài 30 tuổi, có lẽ một cơn đốn ngộ đột xuất đã làm sống dậy cảm hứng và trí tuệ về tình thương ở anh. Và nếu đây là một cơn đốn ngộ thì cũng là một cơn đốn ngộ thoát ra từ sách vở, từ kiến thức chứ chắc không phải từ trực giác việc đời.

Đọc 10 trang đầu của tập sách, tôi ngạc nhiên một người trẻ tuổi đang hào hứng nhập thân vào kinh doanh nơi giao tiếp được coi là chiến trường. Những trang viết đầu đời lại bàn về “thép sống” lấy thương người làm cốt lõi. Ngay lúc đó, tức là 12 tiếng sau khi tác giả tặng tôi cuốn sách thì anh điện thoại hỏi tôi: “Chú đã đọc cho cháu chưa và chú thấy sao?”, tôi trả lời: “Tôi thấy bạn đã bập vào một vấn đề hay đấy nhưng chưa thể nói gì được mà phải đọc xong đã”.

Tình thương đang là nhu cầu cấp thiết, chọn được một chủ đề đang bàn ta thấy được tầm nghĩ của tác giả. Chúng ta chúc mừng tác giả trẻ đang trong cơn kinh tế thị trường lại dám bình tĩnh bàn về tình thương như một bậc cao tăng trầm tư trong núi.

Nhà văn Hữu Ước và GS Nguyễn Lân Dũng cũng có nhiều ý kiến chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Nhà văn Hữu Ước và GS Nguyễn Lân Dũng cũng có nhiều ý kiến chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Nhưng để đánh giá được yếu tố thiết thực của cuốn sách thì lại cần cẩn trọng đọc, nghĩ, đối chiếu việc đời thì mới trả lời được câu hỏi của tác giả. “Chú thấy thế nào?”. Nếu Hà Huy Thanh không trẻ hơn tôi thì hôm ấy tôi cũng trả lời như chơi giống như người hỏi cho nó yên thân là “Chả thấy thế nào cả, hay lắm viết tiếp đi”.

Tôi đã rất tò mò ngạc nhiên về cây viết trẻ Hà Huy Thanh khi đọc tác phẩm “Tình thương”. Hà Huy Thanh sinh năm 1982 sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Như nhiều nhà kinh doanh tiến thủ hiện nay, Hà Huy Thanh có một ưu thế là dễ thích ứng, năng động, dành chủ động trong mọi tình thế và qua cuộc hội đàm ngày hôm nay chúng ta nhận ra những hoài bão nơi anh.

Anh cho rằng nền tảng cơ bản để con người sống được với nhau để cộng hưởng hy vọng, lợi ích là tình thương. Tình thương không chỉ là một phẩm chất đạo đức mà quan trọng hơn nó là điều kiện để duy trì sự tồn tại của xã hội loài người. Anh tìm ra 3 công đoạn của tình thương là: Thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo.”

NSND Lan Hương trong phim phóng sự ngắn nói về hành trình của cuốn sách đã chia sẻ: “Trong sách của Hà Huy Thanh có những chương tôi rất xúc động. Ở tuổi này rồi sau khi đọc sách tôi cảm giác mình vẫn phải học lại. Học cách thể hiện tình yêu thương với mọi người, các thành viên trong gia đình đã biết yêu thương chưa? Mình rất thích cái tháp nhu cầu của Hà Huy Thanh trong cuốn sách “Tình thương”. Bạn có lý luận vững chắc để thuyết phục mọi người. Nó ngắn gọn nhưng bao hàm nhiều thứ”.

Nhà văn Hữu Ước: “Tại sao cái ác, cái xấu, sự không tử tế vẫn luôn tồn tại?” - 4
Ca sĩ Thanh Lam và nhiều nghệ sĩ thể hiện nhiều tiết mục tại sự kiện.
Ca sĩ Thanh Lam và nhiều nghệ sĩ thể hiện nhiều tiết mục tại sự kiện.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: “Cuộc sống con người không đơn thuần, con người ta phải đối diện với một sự thật hết sức phức tạp, đa chiều, rất ít khi là thuận chiều. Con người ta phải trực diện đối diện với cái tốt, cái xấu, cái ác, cái không tử tế thường xuyên diễn ra hàng ngày. Nhưng để xã hội và con người có cuộc sống bình yên thì nền tảng nhất là cuộc đấu tranh với cái xấu trong chính bản thân mỗi con người.

Tại sao cái ác, xấu, không tử tế vẫn luôn tồn tại. Điều này ai cũng hiểu. Tôi rất vui và bất ngờ khi đọc tác phẩm của Hà Huy Thanh. Anh đã cắt nghĩa được tình thương và nói ra được giá trị cốt lõi của tình thương, điều mà những nhà văn từng trải như chúng tôi cũng đã nghĩ nhưng để đúc kết lại như một giáo trình để mọi con người suy nghĩ lại thì tác giả họ Hà đã làm được việc rất tốt.

Đặc biệt chủ đề trong tác phẩm này được Hà Huy Thanh đúc kết: Mọi tội ác mọi sự xấu xa, và mọi điều phức tạp của mỗi con người và trong cả cộng đồng đều xuất phát từ trong chính những con người không có tình thương”.

Hà Tùng Long