Lưng chừng cô đơn - sáng tác mới của tác giả “Chênh vênh hai lăm”

(Dân trí) - Khi ngồi trong quán cà phê nọ, rất đông người ngồi, vậy mà ai cũng khư khư ôm trong lòng cái điện thoại, cái máy tính bảng, lên mạng kêu gào mình cô đơn quá - tác giả Nguyễn Ngọc Thạch gửi gắm trong cuốn sách “Lưng chừng cô đơn”.

Nguyễn Ngọc Thạch là một cây bút nổi tiếng với những vấn đề gai góc trong xã hội, mảng đề tài giới tính thứ ba cũng từng được anh khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau trong các tác phẩm của mình như “Chuyển giới”, “Mẹ ơi, con đồng tính!”, “Khóc giữa Sài Gòn”. Tản văn “Chênh vênh hai lăm” ra mắt năm ngoái của anh cũng có một lượng độc giả đông đảo. Sau thành công trên, Nguyễn Ngọc Thạch đã tiếp tục chấp bút cho tản văn thứ hai của mình mang tựa “Lưng chừng cô đơn”, ra mắt trong những ngày cuối tháng 6. “Lưng chừng cô đơn” gồm những câu chuyện nho nhỏ với nhiều chiêm nghiệm riêng của Ngọc Thạch cả trong tình yêu lẫn cuộc đời.

Tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch.
Tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch.

Như khi ngồi trong quán cà phê nọ, rất đông người ngồi, vậy mà ai cũng khư khư ôm trong lòng cái điện thoại, cái máy tính bảng, lên mạng kêu gào mình cô đơn quá, mặc dù chẳng thèm nói với người bên cạnh một câu.

Như buổi nói chuyện của đám bạn thân, đang vui là vậy, mà tự dưng có đứa thở dài, hỏi câu sau này có chồng có vợ hết rồi, biết có còn ngồi lại được với nhau không, mình tự lại tự hỏi, lấy ai, ai lấy bây giờ.

Như có ngày vừa chia tay, chọn đại một người chỉ-để-thay-thế, tàn nhẫn với người ta bằng cách yêu cho có, để rồi đến lúc qua cơn đau, chợt nhận ra “không có người này thì có người khác, nhưng người khác không cho được cảm giác như người này.”

Tác phẩm Lưng chừng cô đơn.
Tác phẩm Lưng chừng cô đơn.

Và như có một ngày đi làm về mệt, nhận được tin nhắn của mẹ trách sao lâu rồi không ngồi ăn cơm với cả nhà, lòng nghẹn đắng, vì sao được quan tâm, được yêu thương đến vậy mà vẫn cứ thấy mình cô đơn...

Có một điều thú vị là Nguyễn Ngọc Thạch viết “Lưng chừng cô đơn” kể những câu chuyện của mình nhưng ngoại trừ đoạn thoại, anh không hề dùng tới đại từ nhân xưng “Tôi”. Chính điều này giúp “Lưng chừng cô đơn” gần gũi hơn với người đọc, cảm tưởng như Ngọc Thạch chỉ đang viết hộ tâm tư sâu kín của những người trẻ hoang mang trong cuộc đời, hoang sơ trong tình yêu, luôn cảm thấy mình lạc lõng, chơi vơi dù xung quanh nghẹt cứng người với người.

Dẫu cô đơn có nhiều đến mấy, đọng thành giọt lăn dài trên khóe mắt thì sang tới ngày mới, chúng ta vẫn cần phải mỉm cười, tự nhủ mình rất xinh đẹp, đang được yêu thương và dặn bản thân ngày hôm nay phải cười nhiều hơn hôm qua. Vì mình không yêu thương mình, thì còn trông mong ai làm điều đó?

Phương Nhung