Y Ban - Người đàn bà phá cách

Thật khó có thể định hình người đàn bà nhà văn này theo một khuôn mẫu nhất định. Cũng như thật khó có thể nhận dạng cái sự hạnh phúc của một cặp vợ chồng “trời định” và cùng là nghệ sĩ này thuộc “thể loại” nào trong vô vàn kiểu dáng gia đình thời hiện đại.

Chồng chị (nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ - Thể thao & Văn hóa Cuối tuần), trong những câu chuyện phiếm của Y Ban với bạn bè, luôn là một người đàn ông tài hoa và mạnh mẽ. Tuy nhiên, anh có những thói quen kỳ quặc như chẳng bao giờ thèm dùng… thuốc đánh răng khiến người đàn bà Y Ban dường như mãn nguyện về mọi thứ chỉ trừ… thiếu thốn nụ hôn.

Chị bảo:

- Một gia đình chồng làm điêu khắc vợ viết văn, cùng “nghệ” cả nên không khí gia đình cũng hiếm khi bình thường. Khi thì thăng hoa đến không thể thăng hoa hơn được nữa, đạt tới đỉnh điểm của cảm xúc, khi lại điên loạn, ấm ức khó cnhế ngự… Nhưng rồi sống lâu với nhau cũng tìm ra bí quyết.

Điều đó người ta dạy nhau đầy nhưng không phải nhà nào cũng làm được. Đó là khi anh tiến thì em lùi. Khi anh hơn thì em kém. Khi anh nói thì em im… Và ngược lại. Vậy thôi. Vậy là vẫn giữ được một gia đình êm ấm tới bây giờ…

Tôi đang ngắm những bức ảnh rất đẹp của hai mẹ con chị ở Pháp được chị chia sẻ trên trang Facebook. Một chuyến đi thật vui và ý nghĩa!

Vâng. Hai mẹ con đang rất vui. Con gái tôi đã sống ở Montpelier mấy năm nên có thể coi như “thổ dân“ ở đó. Cháu đã đánh dấu từ lâu những nơi nhất định sẽ dẫn mẹ tới. Phải nói tôi rất hãnh diện về con gái của mình.

Cháu xinh đẹp, cực kỳ cá tính và vô cùng chăm chỉ. Trong mấy năm học cháu đã ngất xỉu hai lần trên lớp vì học và làm thêm quá sức. Học miệt mài và làm cũng thế. Có thể đứng mười mấy tiếng để làm sushi… Vừa rồi cháu đã hoàn thành thạc sĩ 1 và sang năm là thạc sĩ 2 kiến trúc sư, sau đó tốt nghiệp ra trường.

72-1441465829701

Trông hình hai mẹ con thấy cuộc sống thật đẹp và thanh bình chị ạ.

Bên con gái cuộc sống luôn quá tuyệt vời. Nhưng ở đâu trên Trái đất này bình yên bây giờ? Ngày thứ hai trên đất Paris được con gái đưa đi chơi nhà thờ Đức Bà. Khi trở về trên tàu điện ngầm vừa ngồi xuống bỗng thấy mọi người nháo nhác. Con gái tôi dắt tay mẹ bước thật nhanh ra khỏi đó và giải thích, có kiện hàng bị bỏ lại trên tàu mẹ ạ. Thế là máu nhà báo trỗi dậy, mặc cho thiên hạ tản nhanh, tôi cứ dùng dằng đứng quanh đó để ngóng.

Cảnh sát đến rất nhanh sơ tán hành khách đi xa toa có kiện hàng vứt lại. Một đoàn tàu khác được đưa đến để đưa hành khách đoàn tàu bị phong tỏa đi. 10 phút sau đoàn tàu có kiện hàng vứt lại rời khỏi sân ga. 20 phút sau tôi tiếp tục hành trình. Nhưng cảnh sát vẫn liên tục giám sát trên từng toa tàu. Cũng là một cảm nhận hay. Nhưng tôi thực sự mê sự lãng mạn của nước Pháp.

Hôm vừa rồi tôi đã tới Bức tường Tình yêu. Một bức tường được lát bằng gốm xanh rộng chừng 10m2 trên đó viết hai câu tỏ tình của người nam và người nữ bằng chữ của tất cả các dân tộc có chữ viết trên thế giới. Mấy ngày thôi nhưng hai mẹ con đã “chạy sô“ được khá nhiều. Con gái chu đáo lắm. Đã lên danh sách sẵn để tới những nơi mẹ không thể không đến và không thích...

Cô con gái chị từ nhỏ đã thể hiện cá tính mạnh khi mới học phổ thông đã một mình đi khắp nước Pháp. Cậu con trai nghe nói cũng “ra phết”?

Con giai út, vì tôi đẻ nó lúc tuổi cũng tương đối lớn nên mọi người cứ gọi trêu nó là “ông cụ cố”. Cậu ấy cũng tỏ ra sáng láng và dễ chịu.

Có lần hồi học lớp 8, cậu ấy đòi tôi đưa đi theo tới trường quay Đài Truyền hình Việt Nam. Ở trên sân khấu trường quay tôi vừa nói được dăm câu ba điều thì cậu ấy chỉ thẳng lên phía sân khấu nói với mấy chú ở dưới: 8 năm nữa cháu sẽ đứng ở vị trí này. Mấy chú thú vị, phải thế chứ. Chí nam nhi là phải có từ rất sớm, hãy cố bằng và hơn cả mẹ.

“Ông cụ cố” nhà tôi bảo: Không, cháu sẽ đứng ở chỗ mấy chú quay phim kia kìa… Tức là cậu ấy là “người trong chăn”, cậu ấy đã thấy đủ mẹ nó phải vật vã, nhọc nhằn với chữ nghĩa như nào nên nó chả mơ cũng chả thiết… Thôi thì tùy! Có hai đứa con chúng muốn theo nghề gì thì theo. Mình chỉ định hướng các con đã theo nghề gì phải hết lòng với nghề đó mà thôi…

73-1441465836591

Làm bạn của con rất thích. Có thể hiểu được con mình và qua đó hiểu cả cái lứa ấy nữa. Cũng góp được chút vốn cho nghề văn.

Đúng vậy! Gia đình tôi sống theo lối dân chủ. Các con phải biết bố mẹ làm những gì để nuôi chúng khôn lớn. Cơm áo không đùa với khách thơ. Nghệ sĩ cũng không thể đùa với việc nuôi dạy con cái. Thời buổi này sểnh ra một chút là con mình sẽ không còn là con của mình nữa.

Và quan trọng là mình phải làm mẫu cho các con khá nhiều đấy. Chúng nó lớn lên và nhìn vào mình cả, đánh giá, yêu kính học theo hay thương hại, bất mãn… từ chính những cư xử, hành vi của mình mà ra cả. Và chịu khó nói chuyện với các con, các bạn của chúng, sẽ ra được ối suy nghĩ, ối từ ngữ hay đáo để, chỉ có ở lứa tuổi đó. Cũng là một điều nên.

Chị có một căn nhà rất xinh xắn bên cạnh sông. Có vườn có sân có những bức tượng bức tranh đẹp trong nhà cùng giá sách đầy phong cách... Thế đã đủ “vui thú điền viên”?

Vợ chồng tôi và các con đã cùng nhau chăm chút cho căn nhà của mình sao cho đẹp, tiện nghi và thông thoáng. Hàng ngày tôi đứng trong bếp nấu những món ăn cho chồng con, ư ử hát và nhìn ra khu vườn dọc bờ sông, vẽ ra từ đó bao câu chuyện. Các góc trên dưới trong ngoài đều được sắp đặt tính toán tỉ mỉ.

Chồng tôi làm điêu khắc mà, nhà sao xấu được. Có điều, cũng phải lựa nhau sắp xếp để cả nhà cùng thấy thoải mái trong tất cả các góc chung. Bạn bè cũng sang bên này sông với chúng tôi nhiều. Ấm áp lắm!

74-1441465836623

Đến nhà chị và trên trang Facebook thấy gà và chó như những con vật không thể thiếu trong gia đình?

Yêu chúng nó lắm. Mỗi lần chó nhà đẻ phải cho bớt chó con đi là một lần rấm rứt nhớ nhớ thương thương. Những con chó con cho đi ấy một năm sau gặp lại chúng nó vẫn nhận ra mình quấn quýt mừng rỡ. Nhưng chúng không chỉ đem đến cho mình niềm vui.

Có lần con chó một người bạn mới mang tới cho chả hiểu sao cắn chết con gà tre tôi yêu quý nhất. Sáng ra nhìn cảnh tượng tan hoang máu me bấy nát mà ức tới chảy máu mắt. Ai nuôi những con vật thân với mình mới hiểu. Lúc ấy chỉ muốn gầm gào lên thật to cho hả cơn nghẹn cổ.

Rất ít tác phẩm văn học của chị dựng thành phim. Nhiều nhà viết kịch bản nói chị không đồng ý chuyển thể?

Vâng. Tôi rất khó tính trong việc chuyển thể thành phim các tác phẩm của mình. Một năm nữa tôi về hưu, không hàng ngày tới báo Giáo dục và Thời đại nữa, tôi sẽ ngồi nhà và tập trung viết kịch bản. Chuyển thể những câu chuyện mình đã viết thành phim. Dù trước kia tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ mình thích động vào địa hạt này.  

Chị là một nhà văn nữ dường như quá có duyên với hai chữ giải thưởng. Hầu như ai cũng đã từng đọc ít nhất 1, 2 truyện của chị. Và họ hay bị ám ảnh bởi các thân phận nhân vật trong những câu chuyện đó.

Ngay từ đầu “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” đã trôi thật ngon lành trong lòng bạn đọc. Từ giải thưởng đó cho tới nhiều cuốn được trao giải khác như Xuân từ chiều, Chuyện một người đàn bà, Người đàn bà ma lực, Miếu hoang... Và I am đàn bà. Có giải thưởng tôi nhận có giải thưởng tôi từ chối. Cái chính là bạn đọc của mình thôi. Tôi hạnh phúc khi gặp ai đó và họ nói chuyện với tôi về những câu chuyện tôi đã viết.

Tôi yêu những nhân vật của mình lắm. Mỗi nhân vật mỗi cảnh huống tôi đều để nó ám trong đầu, sắp xếp bày đặt như trong một cuốn phim, nghiền ngẫm, nhuần nhuyễn, tới không thể chịu được nữa mới ngồi vào máy tính cho nó bung hết ra... Và dù cho ra khá nhiều đầu sách rồi nhưng cứ mỗi lần đón một “đứa con” mới lòng tôi lại như hân hoan, cuồng loạn, lại đến đón nó ngay lập tức dù đường có xa tới đâu hay trời đêm mưa gió...

Và Cuối cùng thì đàn bà muốn gì - cuốn sách gần đây nhất của chị đã đề cập rất nhiều tới các vấn đề gia đình với một loạt nhân vật rất phá cách và cũng rất nhân văn!

Trong những câu chuyện của Cuối cùng thì đàn bà muốn gì nói tôi vẽ ra cũng được, kể lại cũng được không ít những hoàn cảnh éo le đau lòng và khó xử giữa những người thân trong gia đình với nhau. Và để giải quyết những sự không bình thường ấy, những con người hiện đại đã có những câu nói, những cư xử thật văn minh và tình nghĩa. Cái ấy mới thật quan trọng và đáng yêu trong cuộc sống vốn luôn ngổn ngang này…

Theo Tuyết Lan Trần
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

vanhoa-4fc8b