Xuân về nhớ tiếng hát của “thần xẩm” Hà Thị Cầu

(Dân trí) - Hằng năm, vào đêm giao thừa, món ăn tinh thần của người dân xã Yên Phong, huyện Yêu Mô là tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đã 2 năm nay, người dân địa phương không còn được thưởng thức món ăn tinh thần của “thần xẩm” Hà Thị Cầu.

Tìm đến xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình trong một ngày cuối năm, bước vào căn nhà nơi mà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu gắn bó từ khi chuyển về sinh sống tại Nình Bình. Ít ai biết rằng, căn nhà của một nghệ nhân hát xẩm lại nhỏ và bình dị đến như thế.

Xuân về nhớ tiếng hát của “thần xẩm” Hà Thị Cầu
Chị Mận (con gái cố nghệ nhân Hà thị Cầu) đang xem lại al bum ảnh ghi lại khoảnh khoắc biểu diễn của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Từ lúc bà “về với đất trời”, căn nhà cũng đìu hiu, tĩnh lặng hẳn. Căn nhà nhỏ ấy không còn vang tiếng phách, tiếng nhị, tiếng trống…không còn những lời ca, giai điệu của bà như ngày nào, cũng chẳng còn những lời bắt nhịp cho những người mê hát xẩm tụ tập hàng ngày trong căn nhà nhỏ đơn sơ.

Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu, tên thật la Hà Thị Năm (SN 1917), ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống đã ba đời hát xẩm. Ngay từ nhỏ bà đã trở thành một dọng ca có tiếng trong làng. Mặc dù không biết chữ nhưng bà lại rất giỏi làm thơ và sáng tác các bài hát xẩm, hầu hết các bài hát xẩm đều do bà tự sáng tác lời và truyền dạy cho con cháu.

Trong căn nhà nhỏ nằm ở xã Yên Phong bây giờ chỉ còn vợ chồng cô con gái của bà ở. Nhắc lại những kỷ niệm về mẹ mình, chốc chốc những giọt nước mắt cứ lăn tràn trên đôi gò má gầy guộc của chị Nguyễn Thị Mận - con gái bà.

 Chiếc đàn nhị này đã theo bà Cầu từ lúc khởi nghiệp.
 Chiếc đàn nhị này đã theo bà Cầu từ lúc khởi nghiệp.

Hát xẩm không chỉ là nghề mưu sinh đối với bà mà đó còn là cả một niềm đam mê, là lý tưởng sống. Sau khi lấy ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (Chánh Trương Mậu), ở đất Yên Mô, bà lại theo chồng đi hát rong khắp đất nước. Cái tên hát xẩm rong Hà Thị Cầu cũng nhanh chóng nổi tiếng khắp cả vùng Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình) lúc bấy giờ. Không chỉ hát hay, nghệ nhân Hà Thị Cầu còn sáng tác nhiều làn điệu xẩm nổi tiếng như: Ai về thăm huyện Yên Mô, trong đó có bài Theo Ðảng trọn đời, mà cụ sáng tác từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay vẫn được nhiều người yêu thích.

Hồi tưởng lại những ngày tháng cuối cùng của mẹ mình, chị Mận vẫn còn nhớ như in cái ngày bà đột ngột lâm bệnh, hôm đó là vào 11/11/2012 (âm lịch), lúc ăn cơm xong, bà lên giường ngồi xem tivi, được một lúc thì đột ngột gục người xuống, bà chỉ gọi ý ới với con gái mấy tiếng: “Con ơi mẹ mệt lắm, bế mẹ vào. Mẹ khổ to rồi con à”. Cũng từ đó cụ nằm liệt giường, những hôm tỉnh táo cụ vẫn trò chuyện với con gái và căn dặn: “Cha bố cô! Mẹ còn sống được ngày nào, mẹ còn nhìn thấy con ngày ấy. Lúc mẹ đi rồi con nhớ rèn luyện cho tốt, hát xẩm sau này sẽ không vô dụng đâu. Mà mẹ đi rồi, mẹ sẽ về với Bác Hồ, để hát cho bác nghe. Đời nghệ nhân bạc quá, mẹ không để lại cho con được gì ngoài tiếng hát cả”.

Đội hát xẩm ở làng do chính tay nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền dạy.
Đội hát xẩm ở làng do chính tay nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền dạy.

Còn nhớ những dịp cuối năm, không ngày nào là nhà bà không có khách, nhất là vào những đêm giao thừa, người dân kéo đến chật kín cả nhà để được nghe bà hát xẩm, những bài hát chúc một năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào. Đêm giao thừa năm ngoái, bà vẫn còn tỉnh táo, tuy không thể ngồi dậy nhưng bà vẫn làm chúc mọi người: “Năm Quý Tỵ ắt hẳn giàu sang. Tiền tài chưa biết có hay không? Sức khỏe cầu đầu, không nên đi viện” hay “Chúc mọi người sức khỏe bền bỉ”.

Bà Phạm Thị Nga, người hàng xóm cho biết: “Năm nay không được nghe cụ hát, không được nghe cụ chúc tết nữa rồi, nhớ đêm giao thừa năm nào mọi người cùng đến nhà bà cụ, vừa là để chúc tết bà vừa là được nghe cụ hát. Những dịp đầu năm như thế, ai ai cũng vui. Năm ngoái dù mọi người cũng đến thắp nén nhan đêm giao thừa, thiếu cụ quả thực là mất mát lớn”.

Cứ mỗi dịp tết đến, bà lại trải chiếu giữa nhà hát cho mọi người nghe.
Cứ mỗi dịp tết đến, bà lại trải chiếu giữa nhà hát cho mọi người nghe.

Những năm trước khi còn khỏe, bà thường dọn dẹp nhà cửa rồi chờ đến đêm giao thừa, bà trải sẵn chiếu giữa nhà, cầm đàn nhị, trống, phách… chờ mọi người đến. Bà vừa hát vừa răn dạy, những giai điệu ấy ăn sâu vào tâm trí người dân nơi đây, không chỉ người già mà ngay cả những thanh niên nam nữ cũng đến nhà bà để được nghe bà hát. Xong đêm giao thừa, lúc mọi người ra về bà còn ra tận ngõ chào và chúc từng người một. Ngay trong sáng sớm và những ngày đầu năm không chỉ người trong xã, trong huyện mà khách nhiều nơi cũng kéo về nhà bà để được nghe bà hát đầu năm.

Không chỉ là thầy của những nghệ sỹ nổi tiếng hiện nay, bà còn sẵn sàng truyền dạy cho những ai thích và đam mê hát xẩm, ngay trong làng bà cũng đứng ra dạy cho một đội gồm 28 người. Từ lúc bà mất, đội hát xẩm này vẫn kiên trì tập luyện và lấy bà làm tấm gương sáng để noi theo.

 Vợ chồng chị Mận kể lại những ngày nghệ nhân hà Thị Cầu còn khỏe.
 Vợ chồng chị Mận kể lại những ngày nghệ nhân hà Thị Cầu còn khỏe.

Ngay cả lúc sắp nhắm mắt lìa trần, bà còn vương vấn với cái nghiệp hát xẩm của mình, bà dặn con cháu, lúc bà mất trên ban thờ phải đặt cây đàn nhị, bộ trống và chiếc sênh (nhạc cụ hát xẩm) nó giống như lúc nào bà cũng hiện hữu trong căn nhà này. Ngoài ra phải để một miếng vàng mỏng cho bà gối lên như vậy để hát Xẩm sẽ tiếp tục phát triển.

Xuân đang về trên khắp nẻo đường, mọi người cũng đang hối hả chuẩn bị đón cái tết đầy đủ nhất. Nhưng ở vùng đất Yên Phong, hai năm rồi họ vẫn còn thấy thiếu một chút hương vị mùa xuân ấm áp, bởi họ không còn được nghe được thấy bà Cầu kéo nhị, gõ trống hát vang cả một làng. Họ cảm thấy thiếu đi một giá trị tinh thần lớn lao nhất, đó là tiếng hát của “thần xẩm”Hà Thị Cầu.

Đức Văn