Xiếc “Làng tôi” trở lại Hà Nội

(Dân trí) Đây là chương trình xiếc nghệ thuật được dàn dựng dựa trên ý tưởng và đạo cụ tre Việt Nam ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2005. Trong tác phẩm, tre và người đan kết với nhau tạo nên những động tác đẹp mắt, mạo hiểm và đầy sáng tạo của nghệ thuật xiếc…

Kết thúc hợp đồng lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới với Hội đoàn Sân khấu Địa cầu Pháp, chương trình xiếc tổng hợp Làng tôi do Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện sẽ trở về nước và có buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 10/8.
 
Xiếc Làng tôi trở lại sân khấu Thủ đô

Xiếc "Làng tôi" trở lại sân khấu Thủ đô

Vở xiếc Làng tôi được sáng tạo và xây dựng qua bàn tay của ba người cùng tham gia công tác đạo diễn: Nguyễn Lân, Lê Tuấn và Nguyễn Nhất Lý. Đây là chương trình xiếc nghệ thuật được dàn dựng dựa trên ý tưởng và đạo cụ tre Việt Nam ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2005 với sự biểu diễn lên tới 100 nghìn người.

Trong tác phẩm, tre và người đan kết với nhau tạo nên những động tác đẹp mắt, mạo hiểm và đầy sáng tạo của nghệ thuật xiếc: nhào lộn, đu bay, giữ thăng bằng… trên nền nhạc cụ truyền thống từ tre.

Đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người. Sau hai buổi diễn thử trong nước, Làng tôi đã “khăn gói” lên đường đi Pháp, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu khác với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của xiếc Việt Nam cùng bạn bè quốc tế.
 
Một số hình ảnh trong vở xiếc Làng tôi

Một số hình ảnh trong vở xiếc "Làng tôi"

Năm 2009, phiên bản thứ 2 ra đời từ sự hợp tác của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với Hội đoàn Sân khấu Địa cầu Pháp đã được thu gọn hơn và có nhiều tạo hình đẹp, phức tạp hơn.

Cho đến nay, Làng tôi đã có 3 năm lưu diễn tại các quốc gia trên thế giới với hơn 300 buổi diễn và gây được ấn tượng mạnh với khán giả nước ngoài.

Giải thích vì sao không công diễn ở trong nước trước khi lưu diễn, nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý cho biết: “Để giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam có chỗ đứng trong lòng khán giả thì nhiều khi chúng tôi buộc phải đi đường vòng; tức là ra thế giới, gây ấn tượng với bên ngoài rồi tiếng lành mới có thể ‘đồn’ về Việt Nam, khiến công chúng trong nước tò mò, quan tâm..."

Nguyễn Hằng