1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Xây bảo tàng nghìn tỷ: 10 năm nữa vẫn chưa muộn?

(Dân trí) - Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng một bảo tàng tầm cỡ quốc tế để tự hào giới thiệu lịch sử, văn hóa quốc gia là điều cần thiết tuy nhiên, một dự án có giá trị tới hơn 11 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế đất nước và thế giới gặp nhiều khó khăn là điều cần phải cân nhắc.

Liên quan đến việc xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia lên tới 11.277 tỉ đồng sắp được triển khai, nhiều chuyên gia bày tỏ về tính khả thi cũng như hiệu quả của công trình được giới thiệu là mang tầm cỡ quốc tế này.

“Việt Nam có 150 bảo tàng, phần lớn đều… ế ẩm”

Trao đổi với PV Dân trí, KTS Nguyễn Trực Luyện (Nguyên chủ tịch Hội KTS Việt Nam) cho rằng, đây thực chất là thiết kế của một người Nhật đã dành giải nhất trong một cuộc thi. Nhìn tổng thế thì đây là công trình đẹp, hiện đại và nhiều sáng tạo trong thiết kế. KTS Luyện phân tích, với một công trình mang tầm cỡ văn hóa quốc gia, biểu tượng của một đất nước, một giai đoạn phát triển lịch sử thì trị giá hơn 11.000 tỷ đồng là điều không quá bất ngờ và có thể chấp nhận được.

Việt Nam chúng ta có khoảng hơn 150 bảo tàng nhưng gần như chưa có một bảo tàng nào “ra hồn”, với thiết kế theo đúng chức năng của một bảo tàng hiện đại mà chủ yếu là tận dụng lại những tòa nhà cũ. Đơn cử như bảo tàng Phụ nữ được sửa lại từ một KTX cũ, Bảo tàng lịch sử quân sự thực chất trước kia lại là tòa nhà của trại lính Pháp. Chính vì thế, việc xây dựng một bảo tàng tầm cỡ, mang ý nghĩa về văn hóa cũng là điều cần thiết và đáng phải xem xét. Tuy nhiên, Bảo tàng là một công trình văn hóa đặc biệt, việc thiết kế ý tưởng trưng bày phải cùng lúc với thiết kế ý tưởng xây dựng. Thực tế, trong quá khứ sự hoạt động kém hiệu quả của Bảo tàng Hà Nội chính là một bài học đắt giá. Một công trình được xây dựng trên vị trí đắc địa, với tổng số tiền đầu tư lên tới 2.300 tỉ đồng… nhưng hiện tại lại đang bỏ trống diện tích trưng bày, thưa thớt người lui tới. Không những không đáp ứng được hiệu quả xã hội mà hàng năm chúng ta lại phải bỏ ra một chi phí không nhỏ để vận hành, tu sửa và nâng cấp. Đây là một sự lãng phí mà những nhà xây dựng, đơn vị thiết kế, thi công cần phải rút kinh nghiệm nếu có dự tính xây dựng một công trình bảo tàng tương tự.

 

Mô hình bảo tàng Lịch sử Quốc Gia
Mô hình bảo tàng Lịch sử Quốc Gia

 

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh (Hội viên Hội KTS Việt Nam) lại cho rằng, trong thời buổi kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng một bào tàng với chi phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng là một sự lãng phí quá lớn. Chúng ta đang lập một kỷ lục về việc xây dựng Bảo tàng: Ngoài những bảo tàng tầm cỡ quốc gia, còn có các bảo tàng chuyên biệt nhưng đóng góp vào đời sống xã hội, văn hóa lại chẳng được bao nhiêu. Điển hình là Bảo tàng Hà Nội cố làm bằng xong bằng được để kịp 1.000 năm Thăng Long vừa tốn kém, lãng phí lại chẳng để lại dấu ấn gì. Nhiều người cứ nói các bảo tàng của chúng ta thiếu không gian trưng bày, chưa xứng tầm vóc nhưng thực tế thì riêng Hà Nội, hầu hết các bảo tàng đều bị “cắt, xẻ” cho thuê thành nhà hàng, quán cà phê, đám cưới…. điều này chứng tỏ chúng ta đang thừa không gian đấy chứ!

Ông Ánh cũng thẳng thắn cho rằnng: Một thực tế đau xót là hiện nay, hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam đều lâm vào cảnh thưa thớt người tham quan, cơ sở vật chất nghèo nàn, các hoạt động văn hóa tổ chức lẻ tẻ, thiếu hấp dẫn, thiếu sáng tạo… và gần như không mang lại lợi nhuận gì thì việc dư luận phản ứng, bức xúc trước một “siêu bảo tàng” lên tới hàng nghìn tỷ đồng là điều dễ hiểu: “Trong bối cảnh hiện tại, theo tôi chúng ta chưa nên xây dựng, hiện nay đất nước ta có nhiều việc khác cần ưu tiên hơn như xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Chúng ta cần phải nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia một cách cẩn thẩn, nếu vội vàng e rằng lại dẫn tới việc “loạn” bào tàng và lặp lại bài học “vỏ khủng” nhưng “rỗng ruột”. Cần phải hiểu rằng, lịch sử là do nhân dân viết ra, ở trong lòng nhân dân đó mới là bảo tàng vĩnh cửu chứ không phải cứ xây dựng các công trình hoành tráng là góp phần tôn vinh lịch sử”, ông Ánh khảng khái cho biết.

 

bao-tang
Bảo tàng Hà Nội được đầu tư với chi phí khủng nhưng lại chưa thu hút được khách tham quan

 

“Xây bảo tàng nghìn tỷ để 5 – 10 năm nữa cũng chưa muộn”

Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng cũng thừa nhận hiện nay trình độ, tư duy, năng lực của người làm bảo tàng còn hạn chế. Chúng ta chưa có một đội ngũ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm để vận hành một bảo tàng hiện đại. Hơn nữa, việc xây dựng bảo tàng là một hoạt động phức tạp, nó đòi hỏi phải có lộ trình cụ thể. Ở nhiều nước trên thế giới, họ tiến hành việc chuẩn bị nội dung, xây dựng hiện vật trưng bày rồi mới tính đến thiết kế công trình để đảm bảo tính đồng bộ. Ở Việt Nam thì lại hoàn toàn ngược lại, chúng ta cứ hô hào xây dựng cái vỏ thật hoành tráng mà cái ruột bên trong thì lại để sau tính. Chính vì thế mới dẫn đến một thực tế đau xót là khi đi vào vận hành thì các công trình này hoạt động kém hiệu quả, không gian trưng bày rời rạc, thiếu nhất quán và gây lãng phí tiền của nhà nước: “Con số hơn 11.000 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng lúc này theo tôi là chưa cần thiết. Chúng ta nên dành tiền đầu tư, nâng cấp có trọng điểm vào một số bảo tàng. Đặc biệt, tiến hành đào tạo, nâng cao năng lực tư duy đội ngũ những người làm bảo tàng hiện đại. Ngày nay, trên thế giới đã ứng dụng, tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến trong việc thiết kế, tổ chức các hoạt động của bảo tàng. Tôi cho rằng việc cần làm lúc này là các nhà quản lý cần thường xuyên cập nhật thông tin mới để có những sáng tạo trong việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật, có những hoạt động thu hút khách tham quan. Việc xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia để 5 – 10 năm nữa cũng chưa muộn…”.

Trước đó, theo tờ trình của Bộ Xây dựng, dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư 11.277 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch thực hiện. Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000m2. Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng một bảo tàng hiện đại với quy mô đầu tư, diện tích lớn để khắc phục những hạn chế về nội dung, tính chất trưng bày hiện tại. "Siêu bảo tàng" này cũng đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật; phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước.

Hà Trang

(tranght@dantri.com.vn)