1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Với tôi, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân”

(Dân trí) - Với ông Trần Minh Siêu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhu cầu của bản thân mà là cách để lan tỏa sâu rộng hơn tư tưởng, đạo đức, tấm gương của Người.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu nói về đạo đức Hồ Chí Minh

Dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Bác Hồ

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (trú phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) năm nay 86 tuổi, nhưng trí tuệ vẫn rất tinh anh, mẫn tiệp. Cả cuộc đời, ông dành phần lớn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Với tôi, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân” - 1

Với lòng kính yêu vô hạn, ông Trần Minh Siêu dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Với tôi, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân. Nghiên cứu về Bác, tìm hiểu về Bác, học tập Bác để thấy lòng mình trong sáng hơn. Hai nữa là để tấm gương đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh lan tỏa mạnh mẽ hơn đến với nhiều người”, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu chia sẻ.

Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, từ Bộ Văn hóa, ông Trần Minh Siêu được phân công về Nghệ An tham gia xây dựng Khu di tích Kim Liên. Ông gắn bó với nơi Bác Hồ sinh ra, lớn lên trong suốt 20 năm trước khi được tổ chức phân công đảm nhận công tác khác.

Cũng chính tại nơi này, ông có nhiều điều kiện để thỏa niềm đam mê nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau giờ làm, ông đến từng nhà, gặp từng người, có mặt ở những nơi từng gắn bó với vị Cha già của dân tộc. Ông hạnh phúc với kho tàng thông tin về cuộc đời của Bác Hồ được lưu giữ trong lòng nhân dân quê Người.

“Với tôi, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân” - 2

20 năm công tác tại Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm mà người dân quê hương Kim Liên dành cho vị Cha già của dân tộc.

Những thông tin thu thập được, ông cẩn thận đối chiếu, sắp xếp, hệ thống lại một cách khoa học. Ngót nửa thế kỷ nghiên cứu về Bác Hồ, ông Trần Minh Siêu đã xuất bản nhiều cuốn sách với những thông tin rất có giá trị về thân thế, sự nghiệp, con người Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên”, “Kim Liên trong lòng nhân dân và bầu bạn”, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”, “Quê hương và gia thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Bà Hoàng Thị Loan người mẹ thiên tài Hồ Chí Minh”…

“Với tôi, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân” - 3
Với ông, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu của bản thân và là cách để lan tỏa sâu rộng hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.

Trong đó, cuốn sách “Những người thân trong gia đình Bác Hồ” (NXB Nghệ An, 2002) đã được tái bản hàng chục lần và giành giải Nhất “Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An” năm 2010. Ngoài ra ông có hàng trăm bài báo, nghiên cứu đăng tải trên các báo, tạp chí chuyên ngành uy tín khác.

“Bác không tơ hào thời gian của công việc, dù chỉ là một giây, một phút!”

Càng nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Minh Siêu càng thấy được những phẩm chất đạo đức sáng ngời của Người. Những việc làm, hành động dù rất nhỏ nhưng đều toát lên tư tưởng đạo đức vì Dân, do Dân của Vị cha già dân tộc.

Năm 1957, khi tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đi thăm một số địa phương thuộc khu 4, trong đó có Nghệ An. Một số tư liệu thể hiện Bác Hồ về thăm quê hương Làng Sen vào ngày 14/6/1957. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu về Bác, ông Trần Minh Siêu phát hiện các tư liệu này chưa thật chính xác về mặt thời gian, do đó, không đúng với phẩm chất đạo đức vốn có của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Với tôi, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân” - 4
Bác Hồ về thăm quê hương Kim Liên ngày 16/6/1957 (ảnh tư liệu).

“Một hôm tôi đi điền dã, gặp một người phụ nữ người Kim Liên. Bà ấy kể khi nghe tin Bác Hồ về thăm nhà ở Làng Sen, bà bỏ buổi phiên chợ Vạc về để được gặp Bác. Phiên chợ diễn ra vào ngày 19/5 năm Đinh Dậu, nhằm ngày 16/6/1957, tức là hôm đó vào ngày Chủ nhật”, ông Trần Minh Siêu nhớ lại.

Để khẳng định lại một lần nữa thời gian này, ông lặn lội ra Hà Nội, gặp ông Vũ Kỳ - thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghe xong nguyện vọng của ông, ông Vũ Kỳ lấy cuốn sổ nhật ký ghi lại hành trình của Bác trong chuyến về thăm Khu 4, từ ngày 13-16/6/1957 ra xem.

Trong nhật ký của ông Vũ Kỳ, ngày 13-14/6/1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa; ngày 14/6, Người về thăm Nghệ An; ngày 15/6 Bác vào Hà Tĩnh. Sáng ngày 16/6, Người quay trở lại Vinh, cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương Kim Liên. Hôm đó là trưa Chủ nhật.

“Với tôi, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân” - 5

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu: "Bác Hồ không tơ hào của dân dù chỉ là một giây, một phút!".

“Với phát hiện này, sau đó tôi đã trình bày với các cấp điều chỉnh thông tin thời gian Bác Hồ về thăm quê để chính xác với thực tế diễn ra. Bác cũng chọn ngày Chủ nhật (3/11/1946) để tiếp anh trai Nguyễn Sinh Khiêm, trước đó là tiếp chị gái Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội thăm (27/10/1946).

Ngày thường, với cương vị là Chủ tịch nước, Người dành toàn bộ tâm trí, thời gian cho việc nước, việc dân. Việc tiếp đón người thân hay về thăm quê là việc riêng, Bác không tơ hào thời gian của công việc, dù chỉ là một giây, một phút! Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng nó đã thể hiện tư cách, đạo đức, sự chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu nói.

Hoàng Lam