TS Nguyễn Mạnh Hùng:

“Việt Nam chưa có văn hóa đọc”

(Dân trí)- TS Nguyễn Mạnh Hùng, người được mệnh danh là “Tiến sĩ văn hóa đọc” ở nước ta cho rằng: “Một đất nước có nền văn hóa đọc thì toàn dân phải có thói quen đọc sách. Hiện nay Việt Nam chưa có văn hóa đọc…”

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sách là người thầy lớn nhất

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sách là người thầy lớn nhất

Trao đổi với PV Dân trí chiều 08/9 TS Hùng cho rằng gần đây người ta cứ nói văn hóa đọc ở nước ta xuống cấp nhưng theo ông Việt Nam chưa có văn hóa đọc vì không thể lấy một nhóm người để đại diện cho cả dân tộc.

“Việt Nam là nước có văn hóa dùng đũa khi ăn cơm vì toàn dân dùng đũa khi ăn cơm. Chúng ta không thể lấy một nhóm người đọc sách để cho đó là văn hóa đọc sách. Tương tự, không thể lấy một nhóm học sinh đạt giải Olympic để cho rằng Việt Nam có văn hóa Olympic…” TS Hùng khẳng định.

Từ đam mê sách… đến Tết sách

Là một người có niềm đam mê đọc sách từ nhỏ, TS. Hùng thường tìm mọi cách để đọc sách. Khi còn nhỏ, ông đã hai lần làm cháy nhà chỉ vì quá mê đọc sách.

“Tôi nhớ hồi bé tôi nấu cơm và đun cám lợn bằng bếp rơm. Tôi vừa đun vừa đọc sách, vì mải đọc quá tôi không để ý đến bếp nên bị cháy nhà lúc nào không hay. Tôi thấy bà con kéo đến kín nhà tôi và hô cháy nhà. Tôi chạy ra xem và còn hỏi hỏi cháy nhà ai? Bà tôi kêu lên “Hùng ơi, cháu không ra thì cháy cả cháu bây giờ!” Mẹ tôi đi làm về khóc lăn ra đất vì tiếc nhà bị cháy.”

Ông luôn thích đọc sách mọi lúc mọi nơi. Ông kể rằng những năm ông học đại học ở Nga nhiều khi không có cái gì để đọc. “Có lần tôi đi vệ sinh, tôi còn vạch từng mẩu giấy lộn trong sọt rác nhà vệ sinh để đọc và đọc từ những mẫu giấy báo gói xôi!”

Mặc dù học tập và công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh doanh, niềm đam mê sách đã thôi thúc ông Hùng từ bỏ công danh và địa vị tại một công ty phần mềm có tiếng của Việt Nam sau 12 năm gắn bó để thành lập công ty sách, xuất bản và phổ biến sách nhằm phát triển văn hóa đọc ở nước ta.

“Tôi nhận thấy mỗi giai đoạn mình có một s`ứ mệnh riêng và cảm thấy tôi cần làm gì đó để nhiều người đọc sách và yêu sách hơn. Tôi muốn chia sẻ kiến thức đến cho nhiều người và mong muốn mọi người học được nhiều kiến thức từ sách để có cuộc sống tốt hơn,” TS Hùng chia sẻ.

Theo ông có một thứ tài sản duy nhất trên đời này cho đi nhưng không mất đi mà lại được thêm., đó chính là tri thức. Hiện nay giới trẻ nhận được 10% kiến thức từ trường học trong khi đó 60% từ việc đọc, 30% từ sự trải nghiệm. Ông muốn giúp mọi người có thể lĩnh hội thêm 90% tri thức mà nhà trường chưa dạy.

“Tôi muốn học ông vua Minh Trị của nước Nhật, muốn là một học trò nhỏ của ông. Tôi muốn chọn những cuốn sách hay nhất từ tất cả các thứ tiếng trên thế giới, kể cả tiếng Việt, xuất bản, giúp cho bạn đọc đọc những cái tinh túy nhất, đọc những cái hay nhất để họ thay đổi đời họ, để họ thay đổi gia đình của họ, để họ thay đổi dòng họ của họ, để họ thay đổi xã, làng, huyện, tỉnh thành họ và họ thay đổi đất nước Việt Nam này,” TS Hùng chia sẻ.

Từ niềm đam mê sách bấy lâu, ông Hùng đã quyết định lấy ngày 23/4 hàng năm là ngày “Tết Sách” và Tết Sách đầu tiên được tổ chức năm 2008.

“Ở Việt Nam có rất nhiều ngày Tết: Tết nguyên đán, tết nguyên tiêu, tết đoan ngọ, tết thiếu nhi, tết trung thu,...tại sao lại không có Tết sách? Tôi tin rằng tôi sẽ thành công. Cả dân tộc Việt Nam sẽ đọc sách.”

Có thêm một hiệu sách hay, một bệnh viện và một nhà tù sẽ “sụp đổ”

Theo ông Hùng đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách và không thích đọc sách. Hiện nay số quán bia, quán nhậu ở Hà Nội nhiều hơn rất nhiều so với số hiệu sách, nhà sách.

“Nếu có thêm một hiệu sách thì đồng nghĩa với việc một bệnh viện hay một nhà tù sẽ “sụp đổ”. Điều này bời vì khi có nhiều hiệu sách thì nhiều người sẽ đọc sách, họ sẽ lĩnh hội được tri thức, có hiểu biết, sẽ sống và hành động tốt hơn. Họ sẽ không đi nhậu nhẹt, đánh lộn, gây tai nạn hay trộm cướp vào tù nữa. Tôi ước có một ngày số hiệu sách, nhà sách ở nước ta sẽ nhiều hơn quán bia quán nhậu thì lúc đó xã hội sẽ tốt hơn,” ông Hùng tâm huyết.

Ông cho rằng người Việt Nam không biết cách đọc sách, không biết cách đọc nhanh, để lấy tri thức cho bản thân, không biết cách tóm tắt nội dung sách, rút ra bài học và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Nhiều người đọc sách với tốc độ quá chậm. Muốn đọc sách nhanh thì nên tìm theo keyword (từ khóa) để lấy nội dung, lấy kiến thức mới mình chưa có chứ không phải đọc những cái mình đã biết rồi.

Cũng với tâm huyết sẻ chia kiến thức và phát triển văn hóa đọc nước nhà, ông Hùng đã bỏ tiền túi mua hẳn hai căn hộ ở phố Tô Hiệu, sửa sang thành phòng đọc sách miễn phí cho mọi người, nhưng thật tiếc số người đến đọc sách chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Tôi có một nỗi buồn rất lớn, một nỗi buồn sâu lắng… Có một nhà văn khá nổi tiếng tìm tôi, bảo sẽ tặng tôi chữ “K”. Tôi tưởng ý ông khen tôi, tặng chữ “K” nghĩa là “Kiên trì”, ai ngờ ông bảo tôi là “khùng”. Ông gọi tôi là khùng, thay vì Hùng, bởi lẽ ông cho biết với diện tích như thế này, mặt tiền những 7-8 mét con gái ông sẵn sàng thuê 20 triệu đồng/tháng để mở shop thời trang. Ông nói rằng tôi nên cho thuê diện tích này, lấy tiền và hàng ngày đi chơi, đi du lịch, đi hưởng thụ. Tôi rất buồn vì một nhà văn, một nhà tri thức lại cho việc tôi giữ nhà mở hiệu sách thay vì cho thuê mở hiệu thời trang kiếm tiền là khùng…”

Để tiếp tục nỗ lực phát triển văn hóa đọc của nước nhà, mỗi năm TS Hùng có ít nhất 50 buổi nói chuyện tại các trường học hoặc các buổi hội thảo nói về sách, văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách siêu tốc khắp nơi trên cả nước.

“Nhiều khi tôi còn đặt vấn đề để họ mời tôi đến nói chuyện. Tôi biết rằng hàng ngàn người đã thay đổi tư duy. Hàng trăm người đã thay đổi nhận thức và thay đổi cuộc đời họ từ việc đọc sách,” ông cho biết.

 
Thảo Nguyên