Viện bảo tàng bị chỉ trích vì dùng người ăn xin làm “hiện vật” trưng bày

(Dân trí) - Một viện bảo tàng đã sử dụng những người ăn xin để phục vụ màn trình diễn trưng bày sắp đặt. Ý tưởng này nhanh chóng làm dấy lên những phản ứng trái chiều.

Viện bảo tàng bị chỉ trích vì dùng người ăn xin làm “hiện vật” trưng bày


Một triển lãm đang diễn ra ở thành phố Malmoe, Thụy Sĩ nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về khoảng cách giàu nghèo, hiện đang gây tranh cãi trong dư luận nước này khi đưa hai người hành khất mang quốc tịch Romania vào phục vụ trưng bày, sắp đặt. Dù mục đích ban đầu là tốt đẹp nhưng cách thực hiện lại đang bị chỉ trích vì “trục lợi từ người nghèo”.

Kể từ khi triển lãm mở ra tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Malmoe hồi tháng 1, ban tổ chức đã phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Không ít du khách cảm thấy ái ngại khi phải chứng kiến những người hành khất nghèo ngồi cả ngày trong viện bảo tàng, để du khách đi qua, dừng lại, nhìn ngó bao lâu tùy thích… “Cái nghèo hiện diện quá gần tới mức khiến tôi cảm thấy ái ngại và khó xử” - một nữ du khách chia sẻ.

Hai người hành khất được mời tham gia vào màn trình diễn trưng bày, sắp đặt này là anh Luca Lacatus (28 tuổi) - một thợ mộc đến từ một làng quê ở phía bắc Romania, và bạn gái của anh - cô Marcella Cheresi (26 tuổi).

Hai người họ đang ăn xin trên đường phố trong tiết trời giá lạnh ở Malmoe, thành phố lớn thứ ba của Thụy Sĩ, thì được ban tổ chức của triển lãm tiếp cận và mời cộng tác.

Viện bảo tàng bị chỉ trích vì dùng người ăn xin làm “hiện vật” trưng bày


Cần phải nói thêm rằng, anh Lacatus và chị Cheresi là hai người gipxi. Thay vì kiếm được 30-60 krona/ngày (70.000-140.000 đồng) như thường lệ, hai người họ có thể kiếm được gấp bốn lần số này chỉ sau hai tiếng ngồi trong một căn phòng ấm áp, sạch sẽ và lịch sự của viện bảo tàng.

Điều kiện duy nhất là họ vẫn phải làm như thể đang đi ăn xin bởi đây là một phần của màn trưng bày sắp đặt. Khi được phỏng vấn, anh Lacatus chia sẻ: “Làm như thế này tốt hơn nhiều so với việc phải ngồi ngoài phố, ngoài kia rất lạnh và người ta cũng không lịch sự như ở đây. Với cả ngồi ở đây lại không phải nói năng, xin xỏ nhiều như ngồi ngoài phố. Những người ở đây thương cảm cho chúng tôi nhiều hơn những người chúng tôi gặp ngoài kia”.

Với mức thù lao 140 krona/giờ (350.000 đồng/giờ), anh Lacatus hy vọng mình sẽ sớm thực hiện được dự định xây lại ngôi nhà xập xệ ở quê nhà Romania. Ngôi nhà của anh đã bị hư hại nhiều sau một trận hỏa hoạn xảy ra cách đây hai năm.

Vụ việc đã khiến nhân viên xã hội đến đưa 2 trong số 4 người con của anh vào cơ sở từ thiện xã hội. Hai người con còn lại đang sống với những người họ hàng ở quê nhà.

Bạn gái anh - cô Cheresi - hiện cũng đang mang bầu người con chung đầu tiên của cặp đôi. Bản thân cô cũng đã có hai người con, hiện đang sống với họ hàng ở quê nhà.

Viện bảo tàng bị chỉ trích vì dùng người ăn xin làm “hiện vật” trưng bày


Những người gipxi như anh Lacatus và chị Cheresi là một cộng đồng thiểu số có đời sống kinh tế nhìn chung còn nghèo khó, họ chủ yếu mang quốc tịch Romania. Những người gipxi cũng thường bị phân biệt trong thị trường lao động, thực tế, họ không nhận được nhiều thiện cảm của người dân Châu Âu nói chung.

Sử dụng quyền tự do đi lại giữa các nước trong Liên minh Châu Âu, nhiều người gipxi thường tìm đến những quốc gia Châu Âu giàu có để làm nghề hành khất.

Trong khi nhiều nước Châu Âu đã cấm việc ăn xin trên đường phố, Thụy Sĩ vẫn không cấm việc này. Theo thống kê, chỉ tính riêng ở thành phố Malmoe, đã có khoảng 150 người ăn xin đến từ Romania.

Ở Viện bảo tàng Nghệ thuật Malmoe, trước khi bước vào khu trưng bày sắp đặt, du khách sẽ phải đi qua một hành lang tối với những màn hình đề dòng chữ: “Hôm nay bạn sẽ không phải cho tiền”.

Sau đó, họ bước vào một căn phòng trống trải, được thắp sáng lờ mờ, nơi hai người gipxi đang ngồi im lặng, mặt đối mặt ở hai đầu căn phòng. Âm nhạc êm dịu vang lên. Một bức tường được dán đầy những bài báo viết về khoảng cách giàu nghèo trong đời sống xã hội.

Thực tế, có rất ít người lưu lại lâu trong căn phòng này. Một du khách vừa nhìn thoáng qua căn phòng đã bước ra, chia sẻ: “Tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi không thể nào suy nghĩ gì được khi đứng trong căn phòng đó”.

Giám đốc nghệ thuật của triển lãm cho biết sự trưng bày sắp đặt này là để người Thụy Sĩ đối diện với chính thái độ của họ dành cho những người ăn xin trên đường phố.

Người đứng đầu cộng đồng người gipxi sinh ra ở Thụy Sĩ và hiện đang sinh sống tại Malmoe, với số lượng lên tới 10.000 người, đã phản đối việc sử dụng những người gipxi đang làm nghề hành khất để phục vụ trưng bày, sắp đặt: “Những người gipxi chúng tôi thực sự cảm thấy rất buồn khi chứng kiến những người anh em của mình ngồi ăn xin trên phố”.

Bích Ngọc
Theo AFP