Việc xử phạt những vi phạm trong lễ hội khó như…lên trời?

(Dân trí) - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc đã phải thốt lên trước những bất cập trong công tác quản lý hoạt động lễ hội. Theo ông, lễ hội đông người, diễn ra dài ngày trong không gian rộng, lực lượng thanh tra mỏng nên để “bắt” được các vụ vi phạm trực tiếp rất khó…

Nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, chiều ngày 15/1, lãnh đạo ngành văn hóa từ Bộ VH-TT&DL tới cơ sở tham dự hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Hội nghị đã "mổ xẻ" những bất cập, hạn chế để đưa ra phương hướng khắc phục và đề xuất giải pháp có tính cấp thiết trong công tác quản lý lễ hội năm 2015.

Thực trạng nhức nhối tại các lễ hội

Theo cuộc điều tra xã hội học của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đa số ý kiến được hỏi đều cho rằng ở đền Bà Chúa Kho đốt quá nhiều vãng mã. Vào mùa lễ hội, lò hóa vàng mã trong đền luôn đỏ lửa.

Mỗi năm đền Bà Chúa Kho tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho việc đốt vàng mã. Ông Nguyễn Văn Ảnh – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh thừa nhận: “Thời gian gần đây, nhà đền đã cắt cử người vận động du khách không mang vàng mã ra lò đốt mà cung tiến vào kho để phân tán lộc cho du khách. Nhưng như thế là không đốt nhiều ở đền, mà mang về nhà, sẽ vẫn là tốn kém”.

Những mâm lễ tiền vàng tại đền Bà Chúa Kho

Những mâm lễ tiền vàng tại đền Bà Chúa Kho

Vị đại diện ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh dường như cũng cảm thấy “bó tay”, không thể ngăn chặn tình trạng này. Bởi vì, trước mùa lễ hội năm 2014, Sở VH,TT&DL cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức họp mặt tất cả các chủ hộ có cửa hàng bán vàng mã trước cửa đền để tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, “đâu lại đóng đấy”, hiện tượng đốt vàng mã vẫn nhiều.

Người dân cũng mong mỏi môi trường lễ hội cần được chấn chỉnh như ở đền Trần (Nam Định). Mặc dù, cho đến nay công tác lễ hội ở đền Trần chưa hạn chế được hết các mặt tiêu cực, nhưng sau 2 năm thực hiện đề án phát ấn mới tình trạng chen lấn xô đẩy cướp ấn đã được cải thiện, nhiều lễ cổ được phục dựng. “Ngoài lễ rước nước tế cá, rước kiệu được khôi phục và tổ chức vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, năm nay lễ hội đền Trần sẽ khôi phục thêm lễ rước kiệu ngọc”, ông Khúc Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Nam Định cho biết.

Tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn tồn tại ở lễ hội Cướp Phết, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách viết sớ, dâng sớ, khấn thuê, xem tay, xem tướng… chưa được khắc phục ở lễ hội chùa Keo (Thái Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Dầy (Nam Định)…

Đánh giá về công tác lễ hội năm 2014, bà Trịnh Thị Thủy,  Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: “Tính thiêng của lễ hội đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng và bị chi phối bởi mục đích thương mại, lợi nhuận kinh tế từ hoạt động lễ hội”.

Việc xử phạt những vi phạm trong lễ hội khó như…lên trời?

Năm 2015 được dự báo là năm sẽ diễn ra nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm có quy mô lớn; đặc biệt, có thể xảy ra hiện tượng “bùng nổ” lễ hội ở các cấp. Thế nhưng, trong định hướng quản lý của Bộ VH,TT&DL dường như vẫn còn mơ hồ. 60 lễ hội đang được lên danh sách thực hiện thanh tra cũng chỉ như dưới dạng “đánh trống bỏ dùi”.

 

Cảnh tượng cướp lộc thánh hỗn loạn trong đền Trần (Ảnh: Anh- Đô)

Cảnh tượng "cướp" lộc thánh hỗn loạn trong đền Trần (Ảnh: Anh- Đô)

Nói như ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai: “Chúng tôi cần lắm những văn bản pháp luật mang tính dự báo, cần lắm những cuộc thanh tra theo hình thức du kích. Thành lập cả đoàn thanh tra hoành tráng nhưng hiệu quả quản lý chưa thấy đâu thì cũng thật buồn”.

Chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Sơn cũng chính là trăn trở của Phó Thanh tra Bộ VH, TT&DL Phạm Xuân Phúc. Theo ông Phạm Xuân Phúc, việc xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lễ hội khó như…lên trời. Bởi vì, muốn xử phạt, lực lượng thanh tra phải trực tiếp “bắt" được người vi phạm, lập biên bản rồi mới đề nghị xử lý vi phạm hành chính. Thanh tra văn hóa không có quyền xử phạt hành chính.

Ông Phúc đưa ra ví dụ rằng, việc đốt đồ mã, thanh tra chỉ có thể nhắc nhở, xử lý ngoài đường hoặc trong không gian lễ hội, còn nếu họ đốt nhiều mà đốt trong các lò hóa mã do BQL di tích bố trí thì không sao. Hoạt động lên đồng chỉ có thể kết luận là họ tuyên truyền mê tín dị đoan nếu là đồng phán truyền, còn lên đồng đi cùng hát chầu văn thì không thể xử lý…

Hà Thanh