Vì sao bạn không thích người trốn quá giỏi trong trò chơi trốn tìm? (kỳ 2)

(Dân trí) - Một chiều thứ Bảy tháng Mười, mấy đứa trẻ hàng xóm đang nhốn nháo chơi trò trốn tìm. Bao lâu rồi tôi không chơi trốn tìm nhỉ? Năm mươi năm, có thể hơn. Nhưng tôi vẫn còn nhớ cách chơi. Nếu lũ trẻ rủ rê, tôi sẽ tham gia không ngần ngại. Người lớn không ai chơi trốn tìm cả. Chơi cho vui thôi, cũng không. Thật là tệ!

Ở khu phố của bạn có đứa trẻ nào trốn rất giỏi và không ai có thể tìm ra nó không? Trước kia, gần nhà tôi có một cậu bé như vậy. Kiếm mãi không ra, chúng tôi đành chịu thua và bỏ đi, mặc nó trốn đâu thì trốn. Không sớm thì muộn nó cũng thò mặt ra và cực kỳ tức giận vì không ai đi tìm nó cả. Còn chúng tôi cũng giận không kém, vì cho rằng nó chơi không đúng luật.

Có đứa trốn thì mới có đứa tìm, chúng tôi bảo vậy. Còn nó thì khăng khăng đây là trò trốn-tìm chứ không phải trốn - BỎ CUỘC. Thế là cả đám chúng tôi la lên rằng đứa nào đặt ra cái luật đó, ai thèm quan tâm chứ. Rồi cả đám dọa nghỉ chơi với nó nếu nó không chịu thua, ai cần nó chơi cơ chứ. Đại loại là như vậy. Trốn-tìm-la hét. Nhưng dù chúng tôi có nói thế nào đi nữa, lần sau, nó vẫn trốn rất kỹ. Có lẽ đến tận bây giờ cậu ấy vẫn như vậy, tôi đoán thế.

Vì sao bạn không thích người trốn quá giỏi trong trò chơi trốn tìm? (kỳ 2) - 1

Khi tôi viết những dòng này, lũ trẻ hàng xóm vẫn đang chơi trốn tìm. Có một đứa núp dưới đống lá cây trong sân, ngay dưới cửa sổ nhà tôi. Cậu bé đã trốn trong đó rất lâu trong khi những đứa khác đều đã bị phát hiện và bọn trẻ sắp bỏ cuộc vì không thể tìm ra cậu bé dù chúng đứng ngay chỗ nó núp. Thấy vậy, tôi đã nghĩ tới việc ra ngoài kia và chỉ cho chúng chỗ ẩn nấp của cu cậu. Tôi còn nghĩ cả đến cách đốt đống lá để thằng nhóc phải chui ra.

Cuối cùng, tôi nhoài người ra ngoài cửa sổ và gào lên: “THẤY RỒI NHA NHÓC!”. Tôi còn hù thằng bé sợ chết khiếp, khiến nó khóc toáng lên và chạy về nhà mách mẹ. Không biết nó có tè ra quần không. Đôi khi, muốn giúp đỡ người khác cũng không phải là việc đơn giản.

Năm ngoái, một người bạn của tôi đã phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Anh ấy là bác sĩ. Anh biết mình sắp chết nhưng không muốn gia đình và bạn bè phải đau buồn. Anh ôm bí mật đó và qua đời. Ai cũng nói anh thật dũng cảm khi một mình chịu đựng nỗi đau trong câm lặng, vân vân và vân vân. Riêng những người thân và bạn bè của anh lại nói rằng họ giận anh ghê gớm, vì anh không cần họ, không tin tưởng vào sức mạnh của họ. Và thật đau lòng khi anh ra đi không một lời từ biệt.

Bởi anh ấy đã trốn quá giỏi.

Nếu anh để mọi người tìm ra mình, có lẽ anh vẫn còn ở lại cuộc chơi. Đây là trò chơi trốn tìm của người lớn. Người ta muốn trốn. Người ta cũng cần được tìm ra. Nhưng lòng vẫn rối bời khi nghĩ đến việc người khác phát hiện ra mình. “Tôi không muốn ai biết.” “Mọi người sẽ nghĩ gì?” “Tôi không muốn làm phiền ai”.

Riêng bản thân tôi, tôi thích trò “Cá mòi đóng hộp” hơn. Trong trò chơi này, đứa bị bắt làm Cá mòi sẽ đi trốn còn những đứa khác đi tìm. Đứa tìm ra Cá mòi sẽ phải chui vô trốn ở đó cùng với nó, cho tới khi cả đám chen chúc nhau trong một không gian bé xíu như mấy con chó con nằm đè lên nhau. Rồi sẽ có đứa cười rúc rích, rồi cả đám cùng phá lên cười và tất cả đều bị phát hiện.

Vì sao bạn không thích người trốn quá giỏi trong trò chơi trốn tìm? (kỳ 2) - 2

Những chuyên gia về thần học thời Trung cổ từng miêu tả Chúa Trời bằng các thuật ngữ của trò trốn tìm và gọi Chúa là Deus Absconditus. Nhưng tôi lại nghĩ Chúa là một trong những người tham gia trò “Cá mòi đóng hộp”. Người ta sẽ tìm thấy Chúa theo cách họ tìm ra nhau trong trò chơi - nhờ tiếng cười của những người đã sát cánh bên nhau đến phút cuối.

“Chui ra, chui ra, mau chui ra”. Những đứa trẻ tụ tập trên đường đang réo lên “Đang ở đâu thì chui ra đi, sang trò mới rồi”. Và đây cũng là điều tôi muốn nói với những người giỏi trốn:

“Tìm ra rồi nha! Chui ra, chui ra, mau chui ra!”

“Trường mẫu giáo uyên thâm’’ được viết bởi Robert Fulghum – một triết gia, diễn giả người Mỹ. Từ những mẩu truyện tưởng chừng như đơn giản và hồn nhiên như “vũng nước”, “bồ hóng”, “Trò chơi trốn tìm”… Fulghum đã đan cài vào đó nhiều lớp lang và chiều sâu một cách tinh tế những bài học cao cả và tuyệt vời về giá trị sống trong bao điều giản dị quanh ta.

Đó là những ngẫm nghĩ về cuộc sống và cái chết, tình yêu và nỗi buồn, những giá trị và triết lý sống sâu sắc mà bất kỳ ai cũng phải suy ngẫm. Giá trị ẩn sau những bài học này là sự thấu hiểu để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc, tâm trí sáng suốt, sự vững tâm, lòng dũng cảm và niềm lạc quan trước bất kỳ sự thay đổi nào trong cuộc sống cũng như sự bình an trong tâm hồn.

Theo sách “Trường mẫu giáo uyên thâm”

First News phát hành