Về làng hương trầm ngửi vị Tết

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người dân ở làng hương Thủy Xuân (TP Huế) đang tất tả sản xuất hương trầm kịp phục vụ cho dịp cao điểm cũng là mùa sản xuất lớn nhất trong năm.

Nghề hương – nghề cần cái tâm của người làm

Chạy dọc theo con đường Huyền Trân Công Chúa xuôi về lăng Tự Đức những ngày này cận Tết Ất Mùi này, người ta sẽ bị thu hút ánh nhìn bởi sắc màu đỏ vàng của những khóm hương phơi dưới nắng. Ở làng này có truyền thống làm hương trầm từ rất lâu đời phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch đến Huế.

Những vị cao niên trong làng cũng không rõ nghề làm hương trầm có từ bao giờ, chỉ biết là đời cha ông đi trước làm rồi đời con cháu cứ vậy mà nối nghề mãi cho đến tận ngày nay. Mà kỳ thực bây người ta cũng không quan trọng nó khởi nguồn như thế nào mà chỉ chú trọng kỹ thuật làm hương để mang lại hiệu quả cao.

Nghề làm hương của Huế nổi tiếng nhất phải kể đến đó là loại hương trầm với mùi hương khi đốt lên nhẹ dịu, sâu lắng mà ấm áp lạ thường. Hương trầm xứ Huế nhìn thì thấy thật đơn giản. Nhưng để có được những nén hương ưng ý là cả sự kỳ công tỉ mẫn của người thợ.


Làm hương trầm ở làng Thủy Xuân
Làm hương trầm ở làng Thủy Xuân gần lăng vua Tự Đức

Cái mùi hương dìu dịu, phảng phất mang đến cho lòng người cảm giác linh thiêng và thành kính ấy được làm ra từ rất nhiều vị, chủ yếu là thuốc bắc. Gần 60 nguyên phụ liệu cho một nén hương chủ yếu là những vị thuốc bắc như: Tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi, cam thảo và hàng chục vị khác nữa. Tất cả được đem xay nhỏ thành bột riêng từng loại rồi pha trộn chúng từng thứ theo công thức nhất định.

Phần lõi hương thường được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, được phơi kỹ qua nắng, qua sương nhiều ngày trời để tre thật khô, thật giòn. Có vậy, khi đốt lên cây hương sẽ cháy đều, cháy đến tận chân hương, và tàn hương thì uốn cong mà không gãy ngang bất chợt.

Cán hương là công việc khó nhất, quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Loan, người đã có thâm niên gần 30 năm với nghề làm hương cho biết: “Lăn phải nhẹ tay, vừa lăn vừa ép cho thịt bột bám đều vào que hương, có như vậy thì cây hương mới đẹp và chắc”.

Làm hương trầm ở làng Thủy Xuân
Cả làng bây giờ chỉ còn duy nhất nhà bà Loan là còn làm hương thủ công

Hương được phơi khắp sân, sắc vàng rực rỡ. Hương được bó chân lại với nhau từng bó lớn, thân xoè ra phơi nắng, mầu vàng sáng trông tựa như những bông cúc đại đoá đủ màu sắc thật đẹp mắt.

Làm hương trầm ở làng Thủy Xuân

Chân hương được xếp lại như bông hoa cúc đẹp khổng lồ

Làm hương trầm ở làng Thủy Xuân

Chân hương được nhuộm màu rất bắt mắt

Hương trầm ngày nay người ta chủ yếu sản xuất bằng máy, vừa nhanh mà cây hương lại đều đẹp. Tuy nhiên theo bà Loan thì hương làm bằng tay chắc hơn, cháy chậm và mùi tỏa thơm hơn. Hiện cả xóm chỉ còn mỗi gia đình cô còn làm bằng tay. “Làm thủ công thì những người khách trong và ngoài nước họ mới biết được cách làm truyền thống và có thể làm thử được chứ bằng máy thì nó không thú vị bằng. Làm hương không khó nhưng người làm cần cái tâm thì sản phẩm của mình mới có chỗ đứng.” – bà Loan nói.

Với cách làm thủ công truyền thống thì mỗi ngày một người thợ như bà Loan có thể làm được từ 7.000 đến 8.000 cây. Còn làm máy thì cho hiệu suất cao gấp 3 lần. Hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề làm hương tuy không cao nhưng cũng đủ đảm bảo được cuộc sống hằng ngày cho người lao động.

Hương trầm – nét đẹp văn hóa tâm linh người Việt

Nén hương trầm toả ra mùi thơm ngào ngạt như sợi dây máu thịt nối liền giữa người đang sống với vong linh những người đã khuất. Đúng như câu ca dao:

Vẫn còn đây những lời ru

Vờn bay phảng phất cho dù tháng năm

Tổ tiên một nén nhang trầm

Nối dòng máu đỏ âm thầm thiết tha

Cũng như một số vật dụng khác, tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng không thể thiếu được trong đời sống của chúng ta. Hương trầm cũng là một thứ nằm trong số đó, nhất là trong đời sống tâm linh của người dân Việt nam dù đang sống tại quê hương hay ở nơi xa sứ trên đất khách quê người.

Nén hương biểu tượng cho tấm lòng thành kính của những người đang sống với thế hệ đã khuất. Tượng trưng cho sự biết ơn của thế hệ trẻ với thế hệ cha anh đi trước. Nén hương là sợi dây liên lạc với thế giới tâm linh, nén hương được thắp lên với lòng thành kính tổ tiên. Hương thơm ngan ngát, nhè nhẹ lan toả, khói hương cuộn bay lên mờ ảo. Nhưng đằng sau đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, là sự yêu nghề và là cái tâm của những người làm nghề hương.

Làm hương trầm ở làng Thủy Xuân

Hương trầm cán xong phải được phơi dưới nắng để cây hương khô và chắc

Chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Ngày cuối năm đi mua sắm các thứ chuẩn bị cho Tết, không ai không mua vài nén hương về thắp cho ông bà, tổ tiên mình. Nén hương được thắp lên thì mọi người cảm thấy ấm lòng. Nén hương lúc này không còn là thứ hàng bình thường, mà nó đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Kết

Không phải tự nhiên nghề làm hương ở Huế phát triển và tồn tại lâu dài đến vậy. Mà vì, Huế là xứ của tâm linh, xứ được mệnh danh là thủ đô Phật giáo Việt Nam - nơi có một số lượng chùa chiền nhiều nhất so với bất cứ một địa phương lớn nhỏ nào khác trên lãnh thổ Việt Nam. Từng một thời là kinh đô của nhiều đời vua chúa nhà Nguyễn.

 

Bởi thế, nếu có dịp đến Huế, bạn có đi đến đâu đi nữa cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các thợ làm hương đang làm việc. Có lẽ nó đã trở thành một nét văn hóa cho Huế rồi.

 

Hương trầm xứ Huế đã đi vào từng phố phường, ngõ xóm, để rồi thơm ngát nơi nhà thờ, từ đường, trang nghiêm trong những nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc, và thắt chặt hơn sợi dây nguồn cội của quê nhà.


Hương trầm Thủy Xuân nét đẹp của cố đô Huế

Hương trầm Thủy Xuân nét đẹp của cố đô Huế

Hương trầm Thủy Xuân nét đẹp của cố đô Huế

                                                                                                            Đức Cường – Đ.Dương