Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ Việt nhìn từ những cách “phát ngôn”

(Dân trí) - Trước những lời tố cáo “đạo” ý tưởng thiết kế, Đỗ Mạnh Cường- một trong những nhà thiết kế xưa nay được cho là nổi tiếng đã gọi dư luận, và những lời “tố cáo” kia là “một đám thú điên rảnh rỗi…”!

“Cứ bị chê là… chửi”

Mới đây, show diễn của NTK Đỗ Mạnh Cường diễn ra tại Mỹ đã bị cho là đạo thiết kế của một thương hiệu thời trang nổi tiếng và lâu đời bậc nhất tại Pháp.

Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ Việt nhìn từ những cách “phát ngôn”
Khi dư luận có ý so sánh thiết kế của NTK Đỗ Mạnh Cường (bìa trái) với thiết kế của một nhãn hàng nổi tiếng đã xuất hiện trước đó (bìa phải)...

Ngay sau show trình diễn, nhiều ý kiến cho rằng những bộ trang phục của anh gần như là nhái hoặc có những nét “giống nhau một cách rõ rệt” so với các mẫu của các nhà thiết kế nổi tiếng đã tạo dựng trước đó.

Phản ứng trước những lời “tố” này, NTK Đỗ Mạnh Cường đã dùng những lời lẽ chua ngoa, nặng nề để “phủ đầu”. Cụ thể anh cho rằng những người “tố cáo” anh vay mượn ý tưởng là “một đám thú điên rảnh rỗi lẫn vô tích sự lại nhao nhao lên như đang sắp chết đói”.

Và đây là cách đáp trả dư luận của Đỗ Mạnh Cường
Và đây là cách "đáp trả" dư luận của Đỗ Mạnh Cường

Khoan chưa nói đến NTK này có “đạo nhái” hay không “đạo nhái” nhưng cách anh dùng ngôn từ mạt sát, “chợ búa” và thái độ đầy ngạo mạn để đáp trả khi bị chê khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Nhiều ý kiến cho rằng cách nói năng ứng xử của anh không xứng đáng với danh xưng NTK “nổi tiếng”. Đã xuất hiện những lời kêu gọi tẩy chay NTK này. Không ít đồng nghiệp của Đỗ Mạnh Cường cũng tỏ thái độ trước cách hành xử yếu kém, không đáng có, của một người được tiếng là làm nghệ thuật.

Dư luận cho rằng, Đỗ Mạnh Cường đã ứng xử quá yếu kém trước những ý kiến phản biện 
Dư luận cho rằng, Đỗ Mạnh Cường đã ứng xử quá yếu kém trước những ý kiến phản biện 

Trước vụ scandal về kiểu đáp trả đầy “chợ búa” của NTK Đỗ Mạnh Cường, không ít cư dân mạng cũng từng “nóng mắt” trước phản ứng thái quá của HLV The Voice 2015, ca sĩ Tuấn Hưng khi bị một nhà báo đàn anh tỏ ý chê.

Trái với vẻ ngoài nam tính, hào hoa, nam ca sĩ lại chọn cách ứng xử tỷ lệ nghịch với hình ảnh bao năm xây dựng bằng những bài viết dài tỏ thái độ hằn học, bực tức, “đá xéo” một cách chua cay người chê mình trên trang cá nhân!

Không khó để tìm những ví dụ tương tự về cách ứng xử “cứ bị chê là… chửi” của nhiều nghệ sĩ Việt.

Dư luận cho rằng, Đỗ Mạnh Cường đã ứng xử quá yếu kém trước những ý kiến phản biện 
Tuấn Hưng cũng đã "ăn miếng trả miếng" đủ đòn khi một nhà báo tiền bối trót chê anh... nhạt nhẽo khi ngồi vị trí HLV chương trình Giọng hát Việt 2015.

Nam ca sĩ giải trí Đàm Vĩnh Hưng được xem là đơn cử sống động cho cách ứng xử này. Nam ca sĩ từng không ngại ngần “đáp trả” dữ dội trước cả những lời góp ý của nhạc sĩ bậc cha chú như Nguyễn Ánh 9.

Tuy nhiên, Đàm Vĩnh Hưng đã nhận được gì sau khi “sửng cồ” trước lời nhận xét khách quan vô tình của vị nhạc sĩ tiền bối về giọng hát của mình? Khi anh đáp trả tung hê bậc cha chú bằng những ngôn từ để thỏa mãn cái tôi thì dư luận “ném” về anh “rổ gạch đá” nặng nề hơn gấp trăm lần!

““Sao Việt” nghĩ mình là ai?”

Nhà báo Phan Thị Vàng Anh từng cho rằng, “những người làm nghệ thuật ở Việt Nam, họ quên rằng, khi tác phẩm (giống như đứa con tinh thần) họ đã mang ra giữa chợ (là nơi có đám đông, có dư luận, có công chúng thưởng thức-PV), việc có những ý kiến khen-chê trái chiều là điều rất đỗi bình thường”.

Đã làm nghệ thuật, đã mang sản phẩm ra giữa chợ, lẽ ra, người nghệ sĩ phải là người có bản lĩnh, là người biết lắng nghe trước mọi sự khen-chê, bình phẩm của dư luận.

Không ai có thể bắt tất cả mọi người đều phải yêu mến mình.

Không ai có thể bắt người khác phải thích mọi sản phẩm- mình làm ra.

Không ai có thể bắt tất cả mọi người phải xuýt xoa, trầm trồ ngay cả trước những điều mình từng nỗ lực, cống hiến.

Đàm Vĩnh Hưng đã có những màn ăn miếng trả miếng ầm ĩ dư luận
Đàm Vĩnh Hưng đã có những màn "ăn miếng trả miếng" ầm ĩ dư luận

Theo phân tích của các nhà tâm lý học, ở một khía cạnh nào đó, có thể hiểu đơn giản một bản nhạc, một bộ phim cũng giống như màu xanh, màu đỏ. Có người thích màu đỏ, ghét màu xanh. Có người yêu nhạc rock, ghét nhạc sến. Có người thích ca sĩ A, không ưa ca sĩ B. Ai có thể bắt ép được sự yêu- ghét, bình phẩm- trong nghệ thuật?

Ai đó đã ví, làm nghệ thuật là “làm dâu giữa trăm họ”. Và việc đón nhận sự phê bình- một cách tích cực, là một cách lắng nghe và thể hiện sự cầu tiến, nỗ lực hoàn thiện bản thân của người nghệ sĩ.

Thế nhưng, thay vì đón nhận dư luận, lắng nghe phản biện, nhiều nghệ sĩ Việt đã không ngại ngần, ngay lập tức “chửi bới”, “thóa mạ”, “đay nghiến” và “mạt sát” dư luận.

Điều đó chỉ thể hiện phông văn hóa và bản lĩnh yếu kém của người nghệ sĩ.

Bà Thanh Hải- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề Xã hội phân tích: “Sự tung hê, cổ vũ của người hâm mộ- đôi khi khiến các nghệ sĩ (hay còn được gọi là ngôi sao) ảo tưởng về vị trí và giá trị thực sự của mình. Nghe tung hê, ngợi ca, họ nghĩ mình đẹp thật, tài thật, giỏi thật. Đã tài giỏi thực sự thì ai có thể chê bai được nữa? Vì thế, khi xuất hiện ý kiến chê, ý kiến phản biện, các “ngôi sao” sẽ… không thể chịu đựng nổi. Và từ sự “không thể chịu đựng nổi”, họ có thể bột phát ra bất kỳ lời nói nào, hành vi nào- mà không hề lường trước được hậu quả của nó.

Bởi thế, dư luận và công chúng khi tung hê, ca tụng ai, cũng phải thận trọng. Hãy biết rõ mình tung hê họ vì lý do gì. Đừng để bị đánh lừa bởi những vẻ đẹp đẽ, xa hoa bề ngoài của giới giải trí”.


Nguyễn Hằng- Hiền Hương