Hà Nam:

Tưởng niệm 715 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

(Dân trí) - Ngày 2/10 (tức 20 tháng 8 năm Ất Mùi), tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. UBND huyện Lý Nhân đã đã tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 715 năm ngày mất của anh hùng dân tộc – Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

 

Tưởng niệm 715 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

 

Sáng ngày 2/10, hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương đã đổ về đến Trần Thương, xã Nhân Đạo để tham dự lễ tưởng niệm 715 năm ngày mất của anh hùng dân tộc - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

 

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đổ về đền Trần Thương
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đổ về đền Trần Thương

 

Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như: Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật… những tên cổ gắn với việc đồn trú của quân đội nhà Trần- một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ 13.

 

Người dân sắm lễ dâng lên Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Người dân sắm lễ dâng lên Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

 

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông xâm lược thế kỷ thứ 13 (1258, 1285, 1288) ông đều được giao trọng trách cầm quân đánh giặc. Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân dân nhà Trần đã chiến thắng quân xâm lược với những trận đánh nổi tiếng như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp… và nhất là trận chiến Bạch Đằng lịch sử. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5/9/1300) tại phủ đệ Vạn Kiếp (Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương ngày nay). Với công lao to lớn, ông được triều đình phong tặng là Thái sư Thượng phu Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương.

 

 

Múa võ, múa lân một trong những hoạt động không thể thiếu trong ngày hội
Múa võ, múa lân một trong những hoạt động không thể thiếu trong ngày hội

 

Tưởng niệm 715 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - 4

 

“Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Từ bao đời nay, nơi đây cùng các địa phương thờ Trần Hưng Đạo, mở hội vào dịp trung tuần tháng 8 (âm lịch), đặc biệt là ngày 20 tháng 8, ngày Đại vương qua đời. Dân gian có câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Vào ngày lễ hội, từ Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương đến đền Trần Thương, Lý Nhân, Hà Nam về đến Bảo Lộc, tỉnh Nam Định khách hành hương theo lộ trình chiêm bái, tôn vinh người anh hùng dân tộc, đã được truy tôn là bậc “Thánh”, ban những điều tốt lành, mong làm việc thiện.

 

Lương thực trong ngày lễ gồm: đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng.
Lương thực trong ngày lễ gồm: đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng.

 

Lễ hội đền Trần Thương năm nay diễn ra từ ngày 27/9 đến 2/10 (tức ngày 15 đến 20 tháng 8), với nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như lễ tế bái thần phật, cáo yết Đức Thánh Trần xin mở cửa đền; lễ tế giỗ Đức Thánh Trần; tế giỗ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng…; cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao như: liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu Hà Nam lần thứ 4; giải bóng chuyền thanh niên huyện Lý Nhân…

 

Người dân chen chúc nhau xem các hoạt động trong lễ hội
Người dân chen chúc nhau xem các hoạt động trong lễ hội

 

Tại Hà Nam, hiện có 59 di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, riêng huyện Lý Nhân có 23 di tích, trong đó di tích tiêu biểu và quan trọng nhất là đền Trần Thương. Vùng đất Trần Thương là nơi Hưng Đạo Đại Vương đã lập 6 kho lương mà vị trí ngôi đền Trần Thương là kho lương chính, bởi Trần Thương là trung tâm “lục đầu khê”, có thể kết nối với hệ thống kho lương nhà Trần.

Đức Văn