Tượng đài tình yêu trong “Hà Nội niềm tin và hy vọng”

(Dân trí) - Phan Nhân nhạc sĩ của “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” vừa qua đời trưa ngày 29/6. Ông đi xa nhưng còn mãi đó những nốt nhạc làm xao xuyến trái tim cả nước.

Tượng đài tình yêu trong “Hà Nội niềm tin và hy vọng”

Nhạc sĩ Phan Nhân đã qua đời hôm 29/6 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, công chúng yêu mến sáng tác của ông. (Ảnh: Phong Quang)

Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời,

Càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô

Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô

Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…

Người con của miền Nam đã để lại cho đời một trong những sáng tác bất hủ về Hà Nội. Nói về nhạc sĩ Phan Nhân, không thể không nhắc đến Hà Nội - niềm tin và hy vọng, ca khúc để lại một dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong lòng công chúng. Tất nhiên nhạc sĩ Phan Nhân còn có Tiếng tơ lòng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em, Xa Hà Nội và nhiều bài hát thiếu nhi được khán thính giả cả nước yêu mến nhưng những giai điệu trầm hùng, tha thiết “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào…” đã trở thành một trong những biểu tượng của tình yêu dâng tràn và trọn vẹn từ trái tim cả nước hướng về thủ đô.

Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây!

Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông.

Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta

Là ngôi sao mai rạng rỡ

Sáng soi bóng đêm Trường Sơn

Lắng trong nước sông Cửu Long,

Nhẹ nhàng bước chân hành quân

dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền...

Nhạc sĩ Phan Nhân sinh năm 1930 tại thành phố Long Xuyên, An Giang, tham gia kháng chiến từ khi còn rất trẻ. Năm 1954, từ Quân đội nhạc sĩ Phan Nhân chuyển về đoàn Tuyển văn công Nam bộ rồi tập kết ra Bắc.Năm 1959, chuyển về công tác tại Ðài tiếng nói Việt Nam, với tư cách là một Biên tập viên kiêm phóng viên, ông được đi rất nhiều nơi. Mỗi chuyến đi đối với ông như là một lần được tiếp thêm sức sống, bởi ông được gần gũi với tiếng nói, kho tàng dân ca của các dân tộc... tất cả thôi thúc ông sáng tác.

Năm 1972, Mỹ dội bom xuống Hà Nội, hầu như các cơ quan, đơn vị đều phải đi sơ tán để tránh thiệt hại, nhạc sĩ Phan Nhân ở lại nhận nhiệm vụ đảm bảo cho những chương trình âm nhạc trên làn sóng của đài phát thanh được hoạt động bình thường. Ông thuộc thế hệ quan niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai?” cho nên chọn ở lại với đạn bom khói lửa đối với ông lại là may mắn bởi vì “Được chứng kiến cảnh Hà Nội chống trả với bom đạn Mỹ, tôi thấy yêu Hà Nội hơn với một tình yêu da diết mà cho đến mãi sau này tôi vẫn không sao diễn tả được...?”

Ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã ra đời trong những ngày tháng ấy, quyết liệt, anh dũng, hào hùng, tràn đầy tình yêu thủ đô, một lòng tin tưởng vào tương lai chiến thắng, không phải trong nhất thời, mà xuất phát từ tình yêu sâu nặng của người con miền Nam với Hà Nội, với quê hương đất nước, một tình yêu bền chắc đã được thử thách và hun đúc trong một gian dài.

Tác giả từng tự sự rằng khi viết ca khúc này, ông không có tham vọng nó sẽ trở nên nổi tiếng mà chỉ muốn viết lên suy nghĩ của một người trong chiến đấu, và đã tự coi mình như người Hà Nội.

Có thể nói, niềm hạnh phúc cá nhân lớn lao của nhạc sĩ Phan Nhân là có được một người bạn đời - NSƯT Phi Ðiểu, giọng nữ Nam bộ quen thuộc với thính giả nghe đài trong mục "Ðọc truyện đêm khuya" của Ðài tiếng nói Việt Nam, và Ðài tiếng nói nhân dân TPHCM, một giọng đọc đã từng làm say mê biết bao người hâm mộ.Bà là người phụ nữ biết hy sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho Phan Nhân sáng tác, bởi bà hiểu biết và cảm thông đối với sự nghiệp sáng tác của ông. Hơn nữa đối với nhạc sĩ Phan Nhân, NSƯT Phi Ðiểu còn là một người đồng chí, một đồng tác giả không cần đứng tên trong những tác phẩm của mình.

Phan Nhân - Phi Điểu được coi là cặp vợ chồng nghệ sĩ có nhiều cống hiến với sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà. Hai người quen biết và kết hôn khi cả hai tập kết ra Bắc. Vợ chồng nhạc sĩ luôn dành cho nhau sự trân trọng trong cuộc sống. Những năm cuối đời, sức khỏe của Phan Nhân không ổn định. Ngoài bệnh tim, phổi, ông còn bị lãng tai. Tuy nhiên nhạc sĩ rất chịu khó tập thể dục và chăm chỉ đạp xe đi thăm thú bạn bè. Suốt những năm tháng cuối đời, ông luôn được vợ ở bên, tự tay chăm sóc.

Nhạc sĩ Phan Nhân được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác của các tổ chức Trung ương và địa phương...

Người đã đi xa nhưng những viên ngọc quý đã tạo tác cho đời còn lấp lánh mãi. Sự đến rồi đi dường như thật nhẹ nhàng, thanh thản. Cũng như niềm tin và hy vọng là suy nghĩ của nhạc sĩ lúc ấy, nhưng sau này nó đã chảy trong dòng chảy lịch sử và trở thành thông điệp, thành biểu tượng văn hoá về nước Việt trường tồn mà mỗi khi giai điệu vừa vang lên đã khiến mỗi tâm hồn Việt Nam đều thấy rưng rưng xúc động.

Hoà Bình