1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tự truyện Công Vinh gây tranh cãi: “Cây ngay không sợ chết đứng”?

(Dân trí) - Với những ồn ào xoay quanh nội dung cuốn tự truyện của cầu thủ Công Vinh, nhà tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, không ai có thể cấm người viết tự truyện nói ra sự thật. Còn nếu những ai cảm thấy mình bị đặt điều, vu khống thì có quyền… kiện lại tác giả.

Những cuốn tự truyện của “sao Việt” gây tranh cãi

Cuốn tự truyện “Phút 89” của Công Vinh được chắp bút bởi nhà báo Trần Minh đang “gây bão” dư luận. Không chỉ là câu chuyện kể lại hành trình đến với bóng đá của cựu cầu thủ xứ Nghệ. Từ khi anh còn là cậu bé gầy gò, đen nhẻm ở miền quê tỉnh Nghệ An tới lúc thành cầu thủ, lập gia đình...; “Phút 89” hé lộ tình cảm “khắc cốt ghi tâm” của cựu tuyển thủ với người vợ, nữ ca sĩ Thủy Tiên.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm nhất ở cuốn sách lại là “sự thật trần trụi về bóng đá Việt” qua góc nhìn của Công Vinh. Những sự thật được anh kể không giấu giếm, từ việc bị một cầu thủ đàn anh nổi tiếng ghét ra mặt, việc đồng đội không chuyền bóng cho mình, việc HLV “ăn tiền cầu thủ”…

Tự truyện của Công Vinh đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Tự truyện của Công Vinh đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Ngay sau khi cuốn sách ra mắt, một số HLV, cầu thủ được nhắc đến đã lên tiếng phản ứng, thậm chí phẫn nộ cho rằng có những chi tiết không đúng, ảnh hưởng đến danh dự, công việc của những người trong cuộc.

Có ý kiến cho rằng, cầu thủ Công Vinh đã bị ảnh hưởng bởi showbiz quá nhiều và đã “giải trí hóa” giới bóng đá trong nước…

Trong số những người nổi tiếng ra mắt tự truyện, cầu thủ Công Vinh không phải trường hợp đầu tiên nhận về những phản ứng trái chiều. Trước đó, diễn viên Thương Tín, người được ngưỡng mộ với vai Sáu Tâm của phim “Biệt động Sài Gòn ” cũng khiến khán giả thất vọng khi chia sẻ lại sự thật trần trụi về cuộc đời mình trong cuốn “Thương Tín- Một đời giông bão”.

Hình ảnh nam diễn viên thần tượng sụp đổ, thay vào đó là người đàn ông trăng hoa, thay người yêu như thay áo, sống nhờ chu cấp của người phụ nữ giàu có. Từng chi tiết Thương Tín ngủ với ai, tên cô ca sĩ từng phá thai nhiều lần cũng được kể chi tiết…

Việc “khai quật” lại quá khứ viết thành sách của nam diễn viên bị cho rằng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống riêng tư của hơn một “người cũ”. Thương Tín cũng bị “ném đá” khi làm tổn thương người vợ cũ…

Nam diễn viên Thương Tín bị ném đá sau khi công bố tự truyện.
Nam diễn viên Thương Tín bị "ném đá" sau khi công bố tự truyện.

Không riêng gì Công Vinh, Thương Tín, sau khi ra mắt cuốn tự truyện “Lê Vân- Yêu và Sống” vào năm 2006, diễn viên Lê Vân phải chịu áp lực nặng nề từ sức ép của người thân cho đến dư luận.

Trong tự truyện, Nữ diễn viên phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” hé lộ những câu chuyện được coi là góc khuất trong gia đình nổi tiếng của mình: bố là NSND Trần Tiến, mẹ là NSƯT Lê Mai, các em gái là Lê Khanh và Lê Vi.

Lê Vân chia sẻ cảm giác tủi thân khi bị bố mẹ lạnh nhạt. Khi ông bà Trần Tiến - Lê Mai ly hôn, mỗi người chỉ nhận nuôi một người con. Bà Lê Mai nhận nuôi Lê Khanh, ông Trần Tiến nhận nuôi Lê Vi, riêng chị cả Lê Vân đau đớn vì bố mẹ không nhận mình.

Hình ảnh những diễn viên gạo cội một thời cũng không còn nguyên vẹn trong mắt khán giả khi bị hình dung như những bậc làm cha mẹ chưa toàn tâm vì con cái. . Những câu chuyện riêng tư, những mối tình, những người đàn ông theo đuổi cũng được Lê Vân kể chi tiết trong cuốn tự truyện…

“Không thể cấm người viết tự truyện nói ra sự thật”

Trước những cuốn tự truyện gây tranh cãi như trên, có hai luồng ý kiến trái chiều vẫn song hành bất phân thắng bại. Luồng ý kiến cho rằng, đã là tự truyện, trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm thì sự chính xác, chân thật, không giấu giếm phải được đặt lên hàng đầu.

Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, quá khứ đã ngủ yên vì sao lại đào bới khiến những người trong cuộc bị ảnh hưởng, liên lụy? Nhất là những câu chuyện, tình cảm riêng tư- chẳng ai muốn quá khứ đó bị phơi bày cho người đời bình phẩm.

Lê Công Vinh chia sẻ: “Tôi không có gì phải hối hận khi nói lên góc nhìn của tôi. Tôi không phê phán hay nói điều sai trái. Đây là cuốn tự truyện, kể về cuộc đời tôi, những gì tôi đã trải qua, nói lên góc nhìn của tôi về người khác”.
Lê Công Vinh chia sẻ: “Tôi không có gì phải hối hận khi nói lên góc nhìn của tôi. Tôi không phê phán hay nói điều sai trái. Đây là cuốn tự truyện, kể về cuộc đời tôi, những gì tôi đã trải qua, nói lên góc nhìn của tôi về người khác”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa nói: “Đã là tự truyện thì phải chính xác, chân thực. Đây là cuốn sách mang đậm dấu ấn cá nhân, và không ai có thể cấm người viết truyện nói ra sự thật (sự thật từ góc nhìn của chính tác giả). Pháp luật không cấm bất cứ ai viết tự truyện”.

Tuy nhiên, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, nói đi thì phải nói lại, người viết tự truyện phải chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách cùng những chi tiết mình tiết lộ. “Người viết phải đặt độ xác thực lên hàng đầu, không giấu giếm, bẻ cong cũng như phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng khi quyết định chia sẻ câu chuyện. Nếu những người được nhắc đến cho rằng tự truyện viết sai sự thật, không chấp nhận thì có thể kiện”, ông Hòa nói.

Theo ông Trịnh Trung Hòa, sở dĩ tự truyện của người nổi tiếng gây tranh cãi vì họ là những người được quan tâm, có ảnh hưởng lớn. Cuốn sách họ viết ra cũng được quan tâm theo sự nổi tiếng của họ. Và vô hình chung những tiết lộ không lấy gì làm tốt đẹp về một cá nhân (người nổi tiếng nào đó) thì càng gây chú ý, nhận về nhiều mổ xẻ, bình phẩm. Vì thế, tự truyện của người nổi tiếng nhận về nhiều ý kiến trái chiều hay sự phản bác cũng là điều bình thường.

Ở một góc nhìn riêng về những phản ứng xoay quanh các cuốn tự truyện, ông Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng “cây ngay không sợ chết đứng”, nếu không muốn người khác kể điều không hay về mình thì bản thân mỗi người đừng làm điều gì xấu!

Nguyễn Hằng