Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống

(Dân trí) - PGS.TS Đỗ Bảo - nhà phê bình mỹ thuật, nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhận xét: “Tranh của Trịnh Thắng trừu tượng đấy nhưng lại cho ta rất hả hê”. Anh thành công trong việc khiến người xem trở lại với điều đơn giản nhất nhưng vô cùng quý báu đó là dòng trôi thời cuộc.

Hôm qua (ngày 26/6), triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống của TS, bác sĩ, võ sư Trịnh Thắng đã chính thức được khai mạc tại 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết ngày 09/07. Triển lãm tranh thiền do Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì Cộng đồng (REACOM) tổ chức.

TS, bác sĩ, võ sư Trịnh Thắng chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống.
TS, bác sĩ, võ sư Trịnh Thắng chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống.

Tham dự buổi khai mạc, PGS.TS Đỗ Bảo - nhà phê bình mỹ thuật, nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội phát biểu: “Tranh của Trịnh Thắng trừu tượng đấy nhưng lại cho ta rất hả hê. Kĩ thuật của anh không học, tự học nhưng lại thể hiện bút pháp bứt phá rất mạnh mẽ. Chính điều đó đứng ở góc độ ở nghệ thuật lại truyền cảm hứng đến tất cả mọi người. Tranh của Trịnh Thắng là một lối vẽ riêng, một phong cách riêng, một hướng tìm tòi riêng không giống ai vì thế nghệ thuật của anh rất đáng trân trọng”.

Dự lễ cắt băng khai mạc có bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Bà Nguyễn Phương Hòa – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế – Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (giữa) tham dự cắt băng khai mạc.
Bà Nguyễn Phương Hòa – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế – Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (giữa) tham dự cắt băng khai mạc.

Triển lãm “Hơi thở cuộc sống” của Trịnh Thắng giới thiệu 45 tác phẩm trong số hơn 200 bức, đánh dấu sự bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật của anh từ hơn một năm qua.

Tranh Trịnh Thắng dung dị như hơi thở, anh thực sự thành công trong việc khiến người xem trở lại với điều đơn giản nhất nhưng vô cùng quý báu đó là dòng trôi thời cuộc khiến mỗi người có thể rời xa, thậm chí lãng quên nó.

Mới nhìn lần đầu, thấy tranh của anh hồn nhiên như nét vẽ trẻ thơ, không cố ý mô phỏng bất cứ điều gì nhưng cũng không thờ ơ với dòng chảy cuộc đời. Trịnh Thắng đứng giữa hai thái cực: một bên là hồn nhiên còn bên kia là trách nhiệm của kẻ hiểu đời. Bằng tâm thái này mà Trịnh Thắng hầu như mô tả được hết thảy trong từng bức tranh.

Để mô tả tranh vẽ của anh, thì cùng một bức vẽ bạn có thể thốt lên: “Ồ, đây là một quả núi cao”, nhưng chỉ tích tắc sau đó, bạn lại nhìn ra theo một cách khác: “Không, đó là đại dương mênh mông” hay “Một cánh đồng”... Đấy không phải là biển cả, chẳng phải núi non mà là một đoàn người đang nhảy múa, đó là một khu chợ vùng cao,... Nhưng cũng không phải. Tác giả đang mô phỏng giờ phút hiện tại – điều gần gũi nhất nhưng chúng ta dễ lãng quên nhất.

Vì thế xem tranh Trịnh Thắng, chúng ta có quyền tự do cảm thức, tự do biểu đạt, tự do kết luận nhưng tuyệt nhiên không nên nhốt tranh Trịnh Thắng vào bất cứ một thái cực nào.

Một số hình ảnh tại buổi khai mạc Triển lãm tranh

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 3

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 4

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 5

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 6

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 7

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 8

Tự do cảm thức với triển lãm tranh Hơi thở cuộc sống - 9

Phương Nhung