Quảng Trị:

Tu bổ, chống xuống cấp di tích sân bay Tà Cơn

(Dân trí) - Nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách đến tham quan tại di tích sân bay Tà Cơn (huyện Hướng Hóa), tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt phương án tu bổ một số hạng mục trong di tích.

Ngày 8/6, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình chống xuống cấp di tích sân bay Tà Cơn.

Trong chiến tranh, Tà Cơn được coi là cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 - 1968, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2km, rộng 1km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố dày đặc và một sân bay cỡ lớn (sân bay Tà Cơn) dùng làm nơi cất và hạ cánh của các loại máy bay lên thẳng vũ trang, một số máy bay vận tải và phản lực chiến đấu.

Di tích Sân bay Tà Cơn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến Quảng Trị
Di tích Sân bay Tà Cơn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến Quảng Trị

Nơi đây được Mỹ xem là pháo đài “bất khả chiến bại”, song quân và dân ta đã đập tan mọi âm mưu của địch, làm nên chiến thắng vang dội đường 9 - Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa.

Hiện nay, sân bay Tà Cơn trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn có bảo tàng, một số hầm hào, công sự, đường băng đã được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay, trực thăng, đại bác, xe tăng... được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước. Sân bay Tà Cơn đã và đang trở thành một điểm tham quan thu hút ngày càng đông du khách tuyến du lịch DMZ.

Nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách đến tham quan tại di tích sân bay Tà Cơn, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt phương án đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình, chống xuống cấp di tích, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để quản lý và phục vụ du khách.

Các hạng mục nâng cấp, sửa chữa gồm: tu bổ nhà trưng bày, sửa chữa sân, đường nội bộ khu A, cổng và hàng rào… Công trình do Ban quản lý di tích tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện 800 triệu đồng.

Đ. Đức