Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới”

(Dân trí) - Nhà trẻ Fuji nổi tiếng nhất nước Nhật được nhiều tờ báo xưng tụng là “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới”. Đằng sau kiến trúc khác lạ của công trình này là một câu chuyện “cổ tích” truyền cảm hứng.

 

Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 1

Nhà trẻ Fuji nằm ở thành phố Tachikawa, Nhật Bản, thường được gọi là “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới”. Khi nói về nhà trẻ Fuji, người ta thường tập trung vào kiến trúc đặc biệt phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ: một thiết kế mở, rất thân thiện, thỏa mãn sự ham thích khám phá, quan sát và vận động của trẻ.

Đằng sau lối kiến trúc ấn tượng của công trình này còn là một câu chuyện đặc biệt về cây cổ thụ nằm ở trung tâm nhà trẻ. Toàn bộ nhà trẻ được xây dựng theo hình bầu dục, chạy quanh một cây cổ thụ 50 năm tuổi. Nhà trẻ Fuji được xây dựng bằng 3 vật liệu chính là kính, thép và gỗ, chạy quanh cây cổ thụ, trẻ em có thể chơi đùa mỗi ngày dưới bóng mát của cây.

Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 2

Toàn bộ sân trường nằm dưới tán cây xòe rộng. Cây cổ thụ 50 tuổi này đã từng gần như bị bật rễ khỏi lòng đất sau một trận bão lớn. Cái cây đã khô đi và tưởng sẽ chết, nhưng trái với suy nghĩ của mọi người, dần dần cái cây hồi phục, trở lại xanh tốt, khỏe mạnh.

Trước khi nhà trẻ Fuji được xây dựng năm 2007, cây cổ thụ này đã là nơi rất được trẻ nhỏ yêu thích, các em thường tìm tới chơi dưới bóng cây.

Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 3

Nhà trẻ Fuji được xây dựng chạy quanh cây cổ thụ, với các mặt cửa sổ bằng kính hướng vào bên trong, vào tâm điểm của nhà trẻ, chính là cây cổ thụ. Những em bé học ở nhà trẻ Fuji có thể nhìn ra sân trường và ngắm cái cây thân thiết của các em bất cứ lúc nào.

Trong giờ chơi, các em sẽ chơi trên sân trường nằm trong lòng tòa nhà với một tán ô khổng lồ, xanh mát tỏa bóng. Người lớn chỉ có thể tham quan vòng quanh 2 tầng nhà của nhà trẻ Fuji, ngoài ra, còn có những chỗ trần thấp, diện tích nhỏ chỉ vừa cho trẻ nhỏ chui vào khám phá, vui chơi.

Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 4

Phần mái của nhà trẻ chạy quanh hình bầu dục này cũng được tận dụng làm sân chơi - một sân chơi chạy dài bất tận. Lý do khiến nhà trẻ Fuji thường được nhắc tới là “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” chính là bởi cách thiết kế kiến trúc “để trẻ em được là trẻ em”.

Kiến trúc sư Takaharu Tezuka - tác giả của công trình - từng trả lời một cách đơn giản rằng: “Hãy suy nghĩ như một đứa trẻ khi thiết kế nhà trẻ”. Tezuka đã được truyền cảm hứng bởi chính các con của mình. Khi thiết kế nhà trẻ Fuji, Tezuka đã nghĩ về các con để xem mình cần phải thiết kế một công trình như thế nào.

Sân trường cho các em nhỏ chạy thỏa thích
Sân trường cho các em nhỏ chạy thỏa thích

Trường mầm non Fuji được thiết kế theo hình bầu dục, một vòng tròn không bao giờ có điểm kết thúc. Tầng mái của tòa nhà được biến thành sân chơi, trên sân chơi ở tầng cao này, các em nhỏ có thể nô đùa thỏa thích, có thể chạy chơi bao xa tùy thích bởi không có điểm bắt đầu hay kết thúc. Các em có thể thỏa sức nô giỡn mà không bị giới hạn về mặt không gian.

Trẻ nhỏ có thể leo trèo khi lên lớp học
Trẻ nhỏ có thể leo trèo khi lên lớp học

Người ta đã thiết kế những mô đất nhỏ ở cuối các cầu thang dẫn lên mái nhà, đây là một mẹo để khiến cầu thang ngắn hơn, đồng thời trẻ nhỏ sẽ có một chút cảm giác về sự leo trèo, vận động - điều mà các em rất thích. Nhưng có một vấn đề phát sinh là các em bắt đầu bảo nhau xới đất lên để làm đất nặn.

Khi 600 em bé của nhà trẻ cùng chơi trò này thì chẳng mấy chốc mô đất sẽ… biến mất. Nhà trường đã liên tục phải gọi công ty xây dựng tới đắp thêm đất. Người ta đã phải nâng dần độ cứng của đất để trẻ nhỏ không thể dễ dàng đào xới lên được nữa.

Trẻ nhỏ cũng rất thích cầu trượt, bập bênh… nhưng trong nhà trẻ Fuji không có sẵn những món đồ chơi phổ thông này. Lý do là bởi kiến trúc sư cho rằng những món đồ chơi này vô hình trung khiến trẻ bị tư duy dập khuôn, rằng các em nên chơi các trò này, chơi như thế này… Khi không có một món đồ chơi nào bày sẵn ra, các em sẽ phải tư duy sáng tạo ra trò chơi.

Kiến trúc khuyến khích trẻ nhỏ nghịch ngợm
Kiến trúc khuyến khích trẻ nhỏ nghịch ngợm

Các em nhỏ cần được khuyến khích nghịch ngợm, để phát huy năng lượng một cách tích cực. Chỉ cần việc xây dựng được tính toán cẩn thận để bảo vệ các em thì việc trẻ nghịch ngợm là điều không đáng sợ. Các thanh chắn lan can ở nhà trẻ Fuji có khoảng cách tối đa 10 xentimet để trẻ nhỏ không thể chui đầu qua thanh chắn.

Tuy vậy, các em vẫn có thể để chân mình lọt qua và rất thích ngồi đu đưa với hai chân bỏ lọt qua thanh chắn như thế này. Đây là một trò vui đơn giản nhưng khiến tất cả các em đều thích thú. Nhìn những đôi chân bé nhỏ đồng loạt đu đưa thích thú trong giờ chơi quả thực rất dễ thương.

Các em tự sáng tạo ra trò chơi
Các em tự sáng tạo ra trò chơi

Việc xây dựng một nhà trẻ chạy quanh một cái cây đã nằm sẵn ở đó không hề đơn giản bởi người ta phải làm sao để không làm đứt bộ rễ của cây, để cây vẫn sẽ tiếp tục xanh tươi, mạnh khỏe và đứng vững. Giữa các thân cây có những lỗ hổng, để trẻ không bị mắc kẹt chân trong các hốc cây, người ta đã chụp một lớp lưới bền chắc vào giữa các thân cây.

Trẻ em rất sáng tạo và đã biến những chiếc lưới này trở thành những chiếc võng để nhảy lên nhảy xuống. Khi trên sân trường không có những cầu trượt, bập bênh bày sẵn, các em nhỏ sẽ cùng nhau nghĩ ra những trò chơi và cái gì cũng có thể trở thành đồ chơi thú vị.

Cả trường cùng chơi trốn tìm
Cả trường cùng chơi trốn tìm

Ở sân chơi trên tầng mái có lắp những ô kính trong suốt, các em nhỏ luôn thích thú nhìn qua lớp kính này để tìm kiếm những gương mặt bạn bè thân quen bên dưới: “Bạn của mình đang ngồi ở đâu?”, “Chuyện gì đang diễn ra trong lớp học bên dưới này?”…

Các em thường túm 5 tụm 3 bên những ô kính để nhìn xuống bên dưới các phòng học, đồng thời, cũng có nhiều trẻ em khác ngửa cổ nhìn lên. Nhiều người sẽ cho rằng thiết kế như vậy sẽ khiến trẻ nhỏ bị phân tán trong giờ học.

Nhưng thực tế nhà trẻ Fuji không có những bức tường thực sự để ngăn cách các lớp học, tiếng ồn có thể lan truyền từ lớp này sang lớp khác, từ sân chơi dội vào phòng học, từ tầng trên dội xuống tầng dưới…

Kiến trúc sư tin rằng tiếng ồn rất quan trọng với trẻ nhỏ. Nếu bắt trẻ phải ở trong “những chiếc hộp im lặng” vào lứa tuổi này, có những em sẽ cảm thấy rất căng thẳng, nhàm tẻ và buồn chán.

Cả trường cùng “đi tàu hỏa”
Cả trường cùng “đi tàu hỏa”

Mỗi tháng, các giáo viên và học sinh ở trường mầm non Fuji sẽ sắp xếp lại đồ đạc nội thất trong các phòng học để đem lại sự tươi mới, thân thiện theo ý thích của các em nhỏ. Bức ảnh này được chụp trong một buổi sắp xếp lại lớp học.

Hai cô bé, cậu bé này đang thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại lớp, nhưng hai bé, cũng giống như tất cả các bạn bè khác, đều lãng quên nhiệm vụ của mình mà chỉ tập trung vào trò chơi đi tàu hỏa.

Trường có 600 học sinh với 600 thùng gỗ nhỏ, các em xếp đồ vào đây và di chuyển tới vị trí mới ưng ý, nhưng rồi tất cả đều chỉ say mê với trò “đi tàu hỏa” định kỳ mỗi tháng một lần. Những chiếc thùng gỗ được làm với chất liệu siêu nhẹ, sẽ không khiến trẻ bị thương nếu chẳng may các em bị va đầu vào cạnh thùng.

Trẻ được khuyến khích trò chuyện mọi lúc mọi nơi
Trẻ được khuyến khích trò chuyện mọi lúc mọi nơi

Nhật Bản là một quốc gia công nghệ. Trẻ em Nhật cũng đang ngày càng sớm bị thu hút bởi các đồ chơi công nghệ. Hình ảnh một em bé mê mải với điện thoại thông minh, không buồn chạy chơi, trò chuyện, không phải là hiếm ở đất nước này. Đó là điều khiến kiến trúc sư rất băn khoăn.

Kiến trúc sư nghĩ rằng nếu đặt “một chiếc giếng” trong mỗi lớp học, hẳn các trẻ nhỏ sẽ trò chuyện với nhau thật nhiều. Ở Nhật có một cụm từ quen thuộc là “chuyện trò quanh giếng” gợi nhắc tới hình ảnh phụ nữ Nhật khi xưa thường gặp nhau và trò chuyện bên giếng nước. Những giếng nước được đặt trong các lớp học ở mầm non Fuji chính là những bồn rửa tay như thế này.

Trẻ được khuyến khích… trèo cây
Trẻ được khuyến khích… trèo cây

Năm 2011, một số công trình phụ đã được xây thêm cho trường, trong đó có một cầu thang chạy vòng quanh cái cây. Kiến trúc sư cho rằng cái cây mới là linh hồn của công trình và thực tế nó còn quan trọng hơn cả tòa nhà, vì vậy, ông đã cho xây thêm một cầu thang để các em nhỏ có thể leo lên thật cao, lên tới gần ngọn cây.

Bên cạnh đó còn có những sợi dây thừng được buộc thật chắc chắn vào cây để những em nào cảm thấy mình đủ khỏe mạnh, dẻo dai sẽ có thể trèo lên thay vì leo cầu thang. Thường các trường mẫu giáo không cho phép trẻ nhỏ trèo cây, nhưng ở mầm non Fuji, các thầy cô cho phép điều này bởi họ tin rằng trẻ nhỏ cũng rất thông minh.

Các em sẽ tự biết giới hạn của mình để đi tiếp hay dừng lại. Họ chọn cách đặt niềm tin vào các em và cố gắng hạn chế những điều cấm đoán ở trường mầm non “tuyệt vời nhất thế giới” này.

Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 13
Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 14
Truyện cổ tích đằng sau kiến trúc của “nhà trẻ tuyệt vời nhất thế giới” - 15

Nhà trẻ Fuji - trường mầm non “tuyệt vời nhất thế giới”

Nhà trẻ Fuji - trường mầm non “tuyệt vời nhất thế giới”

Bích Ngọc
Theo Ted/Bored Panda