“Trò chuyện với vĩ nhân”

Thảo Thảo

(Dân trí) - Osho - bậc đạo sư, triết gia, diễn giả xuất chúng - luôn gây ấn tượng với những quan điểm sắc sảo, thậm chí… mạnh bạo mà người nghe không thể phớt lờ.  “Trò chuyện với vĩ nhân” không phải là ngoại lệ.

Trong “Trò chuyện với vĩ nhân”, ta gặp lại 20 bậc hiền triết, nhà thần bí nổi danh nhất của mọi thời đại, mọi nền văn minh, từ những cái tên huyền bí nhất (Đức Phật, Chúa Jesus, Lão Tử…) cho đến những nhân vật gần với chúng ta nhất (triết gia Friedrich Nietzsche, nhà tư tưởng J. Krishnamurti…). Đâu đó, còn có những nhà thơ (như Jalaluddin Rumi) hay nhà khoa học (như Pythagoras). Osho bàn đến rất nhiều phương diện, từ tiểu sử, con đường giác ngộ, tư tưởng, niềm vui, khoảnh khắc được khai sáng, cho đến những nỗi bất hạnh lớn nhất cuộc đời. Và ông dẫn dắt bạn đọc qua tất cả những điều đó bằng vốn hiểu biết mênh mông và ngòi bút sắc sảo mà bất cứ cây viết tài hoa nào cũng phải ganh tị.

“Trò chuyện với vĩ nhân” - 1

Với mỗi triết gia, Osho lúc thì ca ngợi họ “lên mây”, lúc thì chê như “tát nước vào mặt”, đôi khi là… cả hai. Ví dụ, với Krishnamurti, một người cùng thời, Osho sốt sắng: “Mối quan hệ của tôi với Krishnamurti là mối quan hệ sâu sắc nhất mà không cần đến ngôn ngữ và sự hiện diện của nhau”. Và ở phần khác của bài viết, Osho lại nói: “Tôi cho rằng ông ấy đã lãng phí bảy mươi năm bởi vì quá nghiêm túc. Cho nên, chỉ có những người buồn rầu, đau khổ, những người lúc nào cũng nghiêm túc mới ở cạnh ông ấy. Ông ấy là người thu thập xác chết, và khi ông ấy già đi, những xác chết này cũng già theo”.

Đa dạng và rất mâu thuẫn, nhưng tựu trung lại, đi qua hết cuộc đời của 20 vĩ nhân, ta bắt gặp một tinh thần chung: Tinh thần biết tìm kiếm niềm vui sống mọi lúc, coi cuộc đời như một bài thơ thay vì bài toán - một tinh thần rất nổi loạn, “rất điên” và luôn đi ngược đám đông.

Trong sách, ta bắt gặp không ít những lần các vĩ nhân chia sẻ tinh thần như vậy: Nhà thơ Jalaluddin Rumi nói: “Hãy di chuyển như cách bạn di chuyển vì niềm vui - Không phải vì nỗi sợ”; Jesus bảo: “Đừng nghĩ về ngày mai, hãy nhìn vào những bông hoa huệ trên cánh đồng, chúng đang bung nở ngay lúc này”; còn Lão Tử thì nói: “Cuộc sống giống như bài thơ hơn là một món đồ ngoài chợ…”.

Người đọc cũng không thể không liên tưởng những gì Osho nói với cuộc sống hiện đại. Osho nhắc nhiều tiền bạc, thành công và tham vọng của con người: “Bạn được dạy về giá trị của tiền bạc, không phải giá trị của một đóa hồng. Bạn được dạy về giá trị của một người đứng đầu đất nước, không phải giá trị của một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ, một vũ công”. Đôi chỗ thì ông chê bai thậm tệ: “Bởi vì bạn quá bận tâm đến tiền nên không nhìn thấy những gì sắp đến từ mặt trời - ánh sáng, sự sống, trạng thái xuất thần”.

Và không biết vô tình hay hữu ý, phần giới thiệu về Osho trong “Trò chuyện với vĩ nhân” trích lời ông nói: “Hãy nhớ, bất cứ điều gì tôi đang chia sẻ không chỉ dành cho bạn… mà tôi cũng đang trò chuyện với cả những thế hệ tương lai”.

Sách “Trò chuyện với vĩ nhân” còn chứa đựng kiến thức thuộc nhiều chủ đề: Từ thiền định, ý nghĩa sự tồn tại, sự sống và cái chết, thái độ với tôn giáo…. Từ đó, mỗi bạn đọc sẽ có những “thu hoạch” rất riêng.

Chắc chắn, cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những khai mở và nhiều điều thú vị, bất ngờ.