Bạc Liêu:

Trò chơi trá hình cờ bạc vẫn công khai dù đã "tuýt còi"

(Dân trí) - Việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội còn chưa cao, công tác quản lý tiền công đức chưa hiệu quả, nhiều dịch vụ “ăn theo”, trò chơi cờ bạc trình gây mất trật tự an ninh,…là những “hạt sạn” còn tồn tại trong nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa nói chung, xây dựng nếp sống văn minh lễ hội nói riêng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận, tại nhiều lễ hội trên địa bàn vẫn còn những hạn chế như việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa cao; công tác quản lý tiền công đức chưa hiệu quả; các cơ sở mua bán, dịch vụ chưa trật tự; tình trạng chen lấn, đeo bám khách làm mất an ninh còn diễn ra, công tác vệ sinh môi trường lại các lễ hội vẫn chưa tốt…

Lễ hội vía Phật Bà Nam Hải là một trong những lễ hội nổi bật ở tỉnh Bạc Liêu.
Lễ hội vía Phật Bà Nam Hải là một trong những lễ hội nổi bật ở tỉnh Bạc Liêu.

Để chấn chỉnh lại những “hạt sạn” còn xảy ra tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chỉ đạo các Sở, Ban ngành, địa phương chấn chỉnh lại công tác tổ chức lễ hội theo đúng các quy định của Nhà nước. Trong đó, cần lựa chọn quy mô, thời gian và giảm tần suất tổ chức, khách mời dự lễ bảo đảm tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước.

Yêu cầu Sở Tài chính chấn chỉnh việc thu, quản lý, sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích lịch sử - văn hóa; quản lý mức thu một số dịch vụ như trông xe, hàng quán ăn uống, buôn bán… đảm bảo theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.

Chủ tịch tỉnh cũng nghiêm cấm các hoạt động thương mại hóa lễ hội, lợi dụng không gian của lễ hội để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp; không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự; kiên quyết loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, đốt đồ mả tràn lan, ăn xin, trộm cắp, tranh giành, đeo bám khách, tăng giá cả hàng hóa dịch vu, thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ… diễn ra trong lễ hội.

Trò chơi cờ bạc trá hình xuất hiện công khai tại lễ hành hương ở Thánh đường Tắc Sậy.
Trò chơi cờ bạc trá hình xuất hiện công khai tại lễ hành hương ở Thánh đường Tắc Sậy.

Qua ghi nhận của PV Dân trí, dù có chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng tại lễ hành hương ở Thánh đường Tắc Sậy (thị xã Giá Rai) diễn ra từ ngày 11- 12/3/2016 vẫn còn tình trạng lộn xộn, bát nháo với các dịch vụ "ăn theo" người hành hương đã gây mất an ninh trật tự, văn hóa văn minh và để lại nhiều hình ảnh không đẹp trong mắt khách thập phương.

Ngoài các dịch vụ ăn uống, trông xe, bán hàng hóa lưu niệm,…thì còn xuất hiện cả hình thức cờ bạc trá hình như đặt bầu cua tôm cá bằng tiền dịp lễ hành hương này. Quan sát của PV Dân trí, trò chơi này có đến 3, 4 điểm bày ngang nhiên ngay cạnh quốc lộ 1A gần khu vực Thánh đường Tắc Sậy và thu hút khá đông người đến chơi. Khách chơi đặt tiền từ vài ngàn đến vài chục, thậm chí là vài trăm ngàn một lần chơi nên rất sôi động. Trò chơi này diễn ra nhiều ngày liền và một cách công khai nhưng vẫn không thấy lực lượng chức năng nào đến…hỏi thăm.

Hay như tình trạng móc túi, trộm cắp tài sản khách hành hương tại Thánh đường Tắc Sậy vừa qua cũng xảy ra khá nhiều. Qua phản ánh của người dân, nhiều người ở xa đến đây cúng viếng, tham quan đã bị mất tiền, vàng và nhiều tài sản có giá trị khác. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc đảm bảo an ninh, xử lý các đối tượng móc túi lại lễ hành hương lại chưa đạt nhiều hiệu quả.

Huỳnh Hải