1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tranh Việt Nam giá không cao vì không có bảo hiểm?

Gửi bảo hiểm tranh, ở nước ngoài, là một cách nâng giá trị tác phẩm lên nhiều lần, bên cạnh việc bảo quản tác phẩm. Ở Việt Nam, dịch vụ này khá mới mẻ đối với các họa sỹ và cũng chưa có công ty bảo hiểm trong nước nào tham gia vào loại hình đặc biệt này.

Tranh Việt Nam giá không cao vì không có bảo hiểm?

Bức tranh họa sỹ Văn Dương Thành vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gửi bảo hiểm tại Stockholm (Thuỵ Điển) cách đây 20 năm

Không có “cầu”

Ngay các họa sỹ nổi tiếng như Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… đều nói rằng họ không quan tâm tới dịch vụ bảo hiểm tranh và đó là một khái niệm xa lạ và quá xa xỉ đối với giới tạo hình Việt Nam. Một người chịu khó lăn lộn vào đời sống mỹ thuật, chịu khó tiếp cận cái mới như họa sỹ Lê Thiết Cương, cũng cho biết anh chưa từng có ý nghĩ sẽ mua bảo hiểm cho những tác phẩm của mình. Lê Thiết Cương giải thích: “Tác phẩm của tôi đã được các gallery mua hết, còn sau đó, chủ gallery có mua bảo hiểm cho tranh hay không là chuyện của họ”.

Thậm chí, họa sỹ Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa Bùi Xuân Phái còn cho rằng: “Tranh đơn giản là một thứ đồ trang trí treo trên tường. Tranh vẽ ra bán còn chưa hết, sao đã nghĩ đến việc bảo hiểm tranh”. Vậy là, trong quan niệm, các họa sỹ cũng nhìn nhận các tài sản có giá trị vật chất như ôtô, xe máy, đồ trang sức… mới cần được bảo hiểm, còn tranh đích thực là vật mang giá trị tinh thần nên không cần thiết phải bỏ ra số tiền chi trả hàng tháng, hàng năm để bảo quản tác phẩm.

Trong khi đó, họa sỹ Đào Hải Phong cho rằng “Cách nhìn nhận này là hoàn toàn sai lầm. Rõ ràng, không chỉ có người ngoài nghề đang nhìn nhận về lĩnh vực hội họa chưa đúng, mà bản thân các họa sỹ cũng chưa đánh giá hết được giá trị của các tác phẩm hội họa”. Tất nhiên, để tham gia bảo hiểm cho tranh, họa sỹ không phải chỉ có tiền mà còn phải có năng lực đánh giá giá trị của tác phẩm và dự báo được tình hình. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng chưa cao, đời sống của các họa sỹ còn nghèo thì dịch vụ bảo hiểm tranh là quá xa vời đối với cá nhân mỗi người nghệ sỹ.

Để “đẩy” giá trị tác phẩm

Vì không có cầu nên ắt sẽ không có cung, dịch vụ bảo hiểm tranh trong nước chưa xuất hiện. Họa sỹ muốn mua bảo hiểm để gìn giữ tác phẩm, chỉ có cách ra nước ngoài. Còn ở trong nước, loại hình này mới chỉ dừng lại ở bảo hiểm vận chuyển và đều do phía nước ngoài thực hiện.

Trong khi các họa sỹ Việt Nam còn đang ngỡ ngàng với loại hình dịch vụ mới mẻ này thì nữ họa sỹ Việt kiều - Văn Dương Thành từ 20 năm trước, đã mua bảo hiểm toàn bộ số tranh ký họa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gửi tại Stockholm (Thụy Điển). Số tiền để tham gia dịch vụ đặc biệt này không được họa sỹ tiết lộ nhưng với từng ấy năm và với từng ấy bức tranh, chi phí mà họa sỹ phải trả cho loại hình dịch vụ này không hề nhỏ.

Chưa biết hiệu quả của việc mua bảo hiểm tranh đến đâu nhưng sự cẩn trọng của họa sỹ Văn Dương Thành phần nào khiến phòng tranh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Nhưng giây phút đời thường” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự thu hút rất đông người đến xem.

Cái lạ luôn tạo nên sức hấp dẫn rất lớn đối với người thưởng lãm. Chưa nói tới, ở nước ngoài, các họa sỹ luôn biết cách “đẩy” giá trị tác phẩm của mình lên cao gấp nhiều lần và bảo hiểm tranh chính là một trong những cách làm như thế. Sẽ cần thêm nhiều hình thức quảng cáo khác lạ để đẩy giá trị tranh của Việt Nam lên cao hơn.

Hội họa Việt Nam luôn được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật nhưng lại thua thiệt so với các nước vì ít được lăng xê, đánh bóng. Cũng vì điều này mà bấy lâu nay, trong các phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế, tranh của Việt Nam bao giờ cũng xếp hạng gần như cuối cùng.

Theo Phạm Thu Hương
An ninh thủ đô