Tranh chép hóa… tranh thật, giá tăng… 1.500 lần

(Dân trí) - Một bức tranh chép có giá chỉ 13 triệu đồng, sau khi được xác định là tranh thật, giá tăng gần 1.500 lần, đạt mức… hơn 19 tỉ đồng.

Một bức tranh cũ phủ đầy bụi bặm đã được tìm thấy trong tầng hầm của một căn nhà ở bang New Jersey, Mỹ, sau khi những người thân của vị chủ nhà quá cố dọn dẹp lại nhà cửa. Bức tranh cỡ nhỏ được tìm thấy có kích thước chỉ vào khoảng 23x23cm.

Ngay lập tức, những người họ hàng đã mang bức tranh tới một nhà đấu giá ở địa phương để được xác định giá trị. Họ nhận được con số không mấy đáng kể, bức tranh chỉ có giá trị vào khoảng 600-800 đô (13-18 triệu đồng).

Dù vậy, họ vẫn quyết định đem bán đấu giá bức tranh và điều không ai ngờ tới chính là bức tranh cũ kỹ có mức giá khiêm tốn này hóa ra lại là một bức tranh do chính danh họa người Hà Lan Rembrandt van Rijn thực hiện.

Bức tranh đã bị thất lạc từ lâu. Những con mắt tinh tường tại buổi đấu giá đã khiến mức giá phát ra ngay lập tức vọt lên cao hơn rất nhiều so với mức giá ước tính ban đầu.

Bản thân nhà đấu giá sau đó cũng đã phải thú nhận rằng họ không hề biết bức tranh này là một bức tranh thật của danh họa Rembrandt bởi tranh đã quá cũ và ám màu bụi bặm đến mức chữ ký của vị danh họa không còn có thể nhìn rõ được nữa. Vì vậy, người ta tin rằng đây là một bức tranh chép đã được thực hiện từ lâu.

Tuy vậy, xuất hiện tại cuộc đấu giá còn có hai người buôn tranh có đôi mắt tinh tường, họ đến từ Paris, và ngay lập tức nhận ra rằng bức tranh này không hề là tranh chép, ngay lập tức, mức giá được trả cho bức tranh cỡ nhỏ gia tăng bất ngờ.

Bức tranh sau khi được phục chế đã để lộ ra hai chữ “RF” ở góc trên bên trái của tranh, đó là hai chữ viết tắt của “Rembrandt Fecit” có nghĩa là “vẽ bởi Rembrandt”.

Một trong hai người mua đến từ Paris - ông Bertrand Talabardon - đã trả lời phỏng vấn báo chí sau khi trả mức giá gây sốc cho bức tranh vốn chỉ được đánh giá là tranh chép này: “Chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn ở tại thời điểm đấu giá, nhưng cũng chắc tới 90% rồi”.

Mức giá sau cùng được trả cho bức tranh sau cuộc chiến về giá diễn ra sôi động đã giúp hai người mua đến từ Paris nắm quyền sở hữu tác phẩm ở mức 870.000 đô (hơn 19 tỉ đồng).

Bức tranh này đã được tìm thấy ở tầng hầm của một căn nhà tại bang New Jersey, Mỹ. Bức tranh đã bị lãng quên trong suốt nhiều thập kỷ. Cuối cùng, người ta đã đưa nó trở lại ánh sáng và phát hiện ra rằng đây là một trong những tác phẩm sớm nhất của vị danh họa người Hà Lan Rembrandt.
Bức tranh này đã được tìm thấy ở tầng hầm của một căn nhà tại bang New Jersey, Mỹ. Bức tranh đã bị lãng quên trong suốt nhiều thập kỷ. Cuối cùng, người ta đã đưa nó trở lại ánh sáng và phát hiện ra rằng đây là một trong những tác phẩm sớm nhất của vị danh họa người Hà Lan Rembrandt.
Một vị khách chiêm ngưỡng bức tranh vừa mới được tìm thấy lại của Rembrandt. Bức tranh này vốn được đặt tên là “Bệnh nhân bất tỉnh (Khứu giác)”.
Một vị khách chiêm ngưỡng bức tranh vừa mới được tìm thấy lại của Rembrandt. Bức tranh này vốn được đặt tên là “Bệnh nhân bất tỉnh (Khứu giác)”.
Bức tranh vốn nằm trong bộ tranh năm bức khắc họa năm giác quan của con người. Bức tranh thứ 5 của bộ tranh, khắc họa vị giác, chưa được tìm thấy và thực tế người ta còn chưa từng được chiêm ngưỡng diện mạo của bức tranh này.
Bức tranh vốn nằm trong bộ tranh năm bức khắc họa năm giác quan của con người. Bức tranh thứ 5 của bộ tranh, khắc họa vị giác, chưa được tìm thấy và thực tế người ta còn chưa từng được chiêm ngưỡng diện mạo của bức tranh này.

Một trong hai người mua - ông Bertrand Talabardon cho rằng: “Đây là một trong những bức tranh thực thụ đầu tiên của Rembrandt”. Chi tiết khiến Talabardon tin rằng đây chính là một bức tranh thật của Rembrandt, đó là so sánh cách khắc họa những trang phục của các nhân vật trong tranh với các tác phẩm trứ danh khác của Rembrandt.

Bức “Bệnh nhân bất tỉnh (Khứu giác)” được thực hiện từ năm 1624 khi đó Rembrandt mới khoảng 18 tuổi. Bức tranh nằm trong bộ năm bức khắc họa năm giác quan của con người. Với bức “Khứu giác” này, Rembrandt khắc họa hai người đàn ông đang cố gắng làm hồi tỉnh một người đàn ông khác bằng cách cho ngửi… muối.

Sau khi hai người mua đến từ Paris nắm quyền sở hữu bức tranh, họ đã ngay lập tức bán lại cho tỉ phú tài chính đến từ New York - ông Thomas Kaplan, vốn cũng là một người say mê sưu tầm hội họa. Hiện tại, ông Kaplan từ chối cho biết số tiền đã chi ra để có thể sở hữu bức họa này sau khi thương lượng với hai người mua đến từ Paris “trong khoảng một tiếng đồng hồ”.

Thực tế, so với mức giá thường được trả cho một bức họa của Rembrandt, mức giá mà hai người mua đến từ Paris vừa trả chỉ là con số quá “bèo bọt”. Năm 2009, một bức họa của Rembrandt đã từng được bán tại một cuộc đấu giá ở mức 43 triệu đô.

Năm 2013, một bức tranh vốn được cho là do học trò của Rembrandt thực hiện, sau lại được khẳng định là do chính vị danh họa thưc hiện, cũng có giá 30 triệu đô. Cái tên của Rembrandt hiện giờ khá “đắt giá” trên thị trường hội họa.

Tranh chép hóa… tranh thật, giá tăng… 1.500 lần - 4
Tranh chép hóa… tranh thật, giá tăng… 1.500 lần - 5

Bức “Phẫu thuật (Xúc giác)” và bức “Ba nhạc công (Thính giác)” cũng thuộc bộ năm bức tranh khắc họa giác quan của Rembrandt. Cả hai bức này đã nằm trong bộ sưu tập Leiden - bộ sưu tập tư nhân lớn nhất thế giới chuyên về kỷ nguyên vàng của hội họa Hà Lan. Giờ đây, bức “Bệnh nhân bất tỉnh (Khứu giác)” cũng sẽ gia nhập bộ sưu tập Leiden do tỉ phú Kaplan sáng lập.

Tranh chép hóa… tranh thật, giá tăng… 1.500 lần - 6

Riêng bức “Người bán kính (Thị giác)” hiện đang thuộc quyền sở hữu của viện bảo tàng Lakenhal của Hà Lan. Bức tranh thứ 5 được cho là khắc họa vị giác chưa bao giờ được tìm thấy và người ta cũng không biết bức tranh này khắc họa gì.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail