NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam:

“Tôi đến với thiết kế áo dài nhờ may áo dài cưới cho mẹ và vợ”

(Dân trí) - “Năm 22 tuổi, khi tôi cưới vợ, vì phải có một vài bộ áo dài cho vợ, hai bà mẹ nên tôi đã tự tay thiết kế rồi may áo dài cho những người phụ nữ này. Đấy là cái duyên đưa đẩy tôi đến với công việc áo dài”, nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Hà Thành tâm sự.

Anh đến với công việc thiết kế áo dài như thế nào?

Ngày trước, khi học thiết kế thời trang trong trường, tôi thích thời trang hiện đại và thích chạy theo các xu hướng thời trang của thế giới. Thế rồi năm 22 tuổi, khi tôi cưới vợ, vì phải có một vài bộ áo dài cho vợ, hai bà mẹ nên tôi đã tự tay thiết kế rồi may áo dài những người phụ nữ này. Đấy là cái duyên đưa đẩy tôi đến với công việc áo dài.

Sau sự kiện đó, trong quá trình làm việc tôi gặp rất nhiều các chính khách, khách du lịch quốc tế, Việt kiều… bày tỏ tình yêu của họ với áo dài. Chính họ là những người đã truyền cảm hứng cho tôi đến gần hơn và gắn bó với áo dài cho tới tận hôm nay.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (áo thẫm) cùng NTK Minh Hạnh và GĐ Sở Du lịch Hà Nội. Ảnh: NVCC.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (áo thẫm) cùng NTK Minh Hạnh và GĐ Sở Du lịch Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Những năm gần đây, khi đã dành mình nhiều hơn cho áo dài tôi vẫn thấy áo dài là tuyệt vời nhất. Vì ngoài những giá trị kinh tế thì tôi còn nhận ra những giá trị về văn hoá, lịch sử, ngoại giao… qua tà áo dài. Nhiều khách du lịch tìm đến và gắn kết với tôi như những người bạn cũng là nhờ áo dài. Và hình ảnh của Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn trên thế giới cũng chính là nhờ những người bạn du lịch này.

Anh còn nhớ kỷ niệm khi thiết kế chiếc áo dài đầu tiên cho khách?

Lần đầu tiên thiết kế áo dài cho một người không phải trong gia đình đó là cho một vị khách người Nhật. Người Nhật thì vốn nổi tiếng trên thế giới về sự tinh tế. Và người khách của tôi cũng đặt yêu cầu khá cao khi nhờ tôi thiết kế cho họ một bộ áo dài. Tôi còn nhớ, hôm đó vị khách Nhật đặt tôi thiết kế một bộ áo dài trắng. Nghe cô trình bày những mong muốn của cô trong bộ áo dài cô đặt tôi thiết kế mà tôi có cảm giác cô hiểu áo dài còn hơn cả người Việt.

Cô khách hàng người Nhật ấy thậm chí còn làm tôi ngộ ra nhiều điều về áo dài. Chẳng hạn, người Việt trước nay vẫn quan niệm sự gợi cảm của tà áo dài là ở phần sẻ tà nhưng cô ấy chứng minh rằng phần sẻ tà không phải là phần gợi cảm nhất mà sự bó sát của tà áo dài làm lộ lên ba vòng của người phụ nữ mới là gợi cảm nhất.

Thật sự là khi thiết kế bộ áo dài cho vị khách Nhật đó tôi đã phải mày mò rất nhiều. Cuối cùng tôi quyết định thiết kết toàn thân áo màu trắng nhưng điểm những hoa văn và hoa anh đào đặc trưng của Nhật ở phần cổ. Bộ áo dài này được thực hiện rất kỳ công. Nhìn xa như một bộ áo dài trắng bình thường nhưng lại gần thì tất cả thêu đính đều cầu kỳ và tinh xảo.

Từ sau bộ áo dài đầu tiên đó, tôi cất công tìm hiểu nhiều hơn về áo dài và văn hoá của các nước. Tôi nghĩ rằng, việc thiết kế một bộ áo dài cho người Việt đã khó thì việc thiết kế áo dài cho khách ngoại quốc lại càng khó hơn. Chiếc áo dài không chỉ đơn giản là một bộ trang phục mà còn kể một câu chuyện văn hoá.

Trong quá trình mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm… anh nhìn nhận như thế nào về sự khác biệt của áo dài Hà Nội – Huế và Sài Gòn?

Áo dài Hà Nội thường có các hoa văn, hoạ tiết nổi bật nhưng màu vải lại là màu trầm. Mức độ form, dáng của áo dài Hà Nội cũng không bị cách điệu quá. Áo dài Huế có các tông màu đồng gam, dáng áo mức độ vừa phải.

Áo dài Sài Gòn thì mức độ phá cách mạnh mẽ hơn, màu sắc rực rỡ hơn và hoạ tiết cũng hiện đại hơn.

Mẫu áo dài nằm trong Bộ sưu tập mà NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ mang tới Festival Áo dài 2016 tới đây. Ảnh: NVCC.
Mẫu áo dài nằm trong Bộ sưu tập mà NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ mang tới Festival Áo dài 2016 tới đây. Ảnh: NVCC.

Lần đầu tiên anh mang một bộ sưu tập áo dài đi trình diễn ở các sự kiện thời trang quốc tế là năm bao nhiêu và có kỷ niệm gì đáng nhớ?

Năm 2014, tôi có tham gia 2 sự kiện thời trang ở nước ngoài, một sự kiện ở Rome (Italia) và một ở Paris (Pháp). Chuyến đi đó để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Tôi quan niệm, bất kỳ mẫu thiết kế thời trang nào, không chỉ riêng áo dài… đều phải chứa đựng những sự giao thoa về văn hoá. Vì lẽ đó, lần đó tôi mang một bộ sưu tập áo dài tôi mang qua trình diễn ở Pháp và Italia đều có dáng như những chiếc đầm dạ hội, những hoạt tiết đính kết cũng rất đồng gam và hình ảnh in trên tà áo mang phong cách Gothic của Châu Âu.

Tôi nhớ trong các buổi trình diễn bà con Việt kiều đã đến dự rất đông. Họ tiếp nhận các mẫu áo dài như gặp lại người quen. Còn những người dân của đất nước sở tại thì thưởng thức rất hứng khởi và có chiều sâu. Họ cảm nhận rất kỹ về từng chi tiết trên áo dài.

Rồi khi tôi mang một bộ sưu tập này ra đường phố để chụp ảnh thì khi nhìn thấy người mẫu mặc áo dài bước đi trên phố, nhiều người dân với rất nhiều màu da đã chỉ vào tào áo dài rồi gọi tên “Việt Nam”. Nghĩa là chỉ cần nhìn vào tà áo dài họ đã biết đó là “biểu tượng thời trang” của Việt Nam rồi. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động. Những điều như thế càng khiến tôi thêm yêu áo dài hơn rất nhiều.

Anh nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa và vai trò của Festival Áo dài 2016 lần này?

Tương tự Lễ hội Áo dài diễn ra ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm ngoái, tôi rất háo hức và hứng khới được tham gia sự kiện này. Đặc biệt hơn nữa khi Festival Áo dài năm nay lại nhận được sự ủng hộ của UBND TP. Hà Nội, Sở Du lịch và các ban ngành khác.

Nếu năm ngoái, chúng tôi phải tự bỏ tiền túi, chúng tôi phải bê từng bộ bàn ghế Đồng Kỵ để tạo bối cảnh trình diễn, phải thức đến tận khuya để cùng đạo diễn dàn dựng sân khấu, phải chuẩn bị rất nhiều thứ… mới có thể tổ chức thành công được.

Tuy nhiên, rất mừng là năm nay, UBND TP. Hà Nội đã tài trợ 100% cho Festival Áo dài 2016. Chúng tôi, những nhà thiết kế cảm nhận được sự quan tâm của UBND TP. Hà Nội và các ban ngành đối với lĩnh vực thiết kế áo dài. Và điều quan trọng hơn là các vị lãnh đạo đã đưa ra tầm nhìn trong nghị quyết rằng “Hà Nội sẽ là kinh đô thời trang của Đông Nam Á” trong tương lai. Đó là một điều quá tuyệt vời.

Với sự ủng hộ của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và các ban ngành như thế chúng tôi không có lý gì để không đóng góp hết sức mình làm những thứ tốt nhất để áo dài đẹp hơn.

Một mẫu áo dài lấy ý tưởng in quốc kỳ của các nước của Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: NVCC.
Một mẫu áo dài lấy ý tưởng in quốc kỳ của các nước của Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: NVCC.

Vậy anh sẽ mang đến những gì đặc biệt đến với Festival Áo dài 2016 tới đây?

Trong đêm thứ nhất, tôi sẽ trình diễn bộ sưu tập áo dài trên chất liệu nhung. Hình ảnh của những chiếc áo dài này được lấy ý tưởng từ gốm Hà Nội. Gốm Hà Nội thì hiện đại là gốm Bát Tràng, cổ xưa là gốm được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long. Những hoạ tiết gốm đó tôi sắp xếp theo bố cục hiện đại và kèm theo đó là các hoa văn gắn liền với Hà Nội xưa được dát thành vàng đính kết để tạo nên sự lấp lánh của bộ trang phục.

Đêm thứ 2, là đêm livestyle nên tôi sẽ mang đến một bộ sưu tập lấy từ cờ của các nước. Những nước có quan hệ đối tác với Việt nam. Những bộ áo dài đó không đơn giản tôi chỉ đặt cờ vào đó mà tôi sẽ đưa các di sản, kiến trúc đặc trưng của mỗi đất nước vào tà áo. Tôi muốn đề cao tính hoà nhập, ngoại giao… nhiều hơn thông qua tà áo dài trong bộ sưu tập lần này. Chúng ta vẫn giữ truyền thống nhưng vẫn phải có những nét hiện đại để giao lưu văn hoá. Tất nhiên, tôi sẽ phải tính toán làm sao đó để không ảnh hưởng đến văn hoá của các nước và khi nhìn thấy hình ảnh của đất nước họ trên tà áo dài là họ đón nhận được. Đây quả là điều rất khó nhưng tôi nghĩ tôi sẽ làm được.

Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long