Gia Lai

Tiếng chày của người Jrai và chuyện tối kị

(Dân trí) - Người J’rai ngày trước gắn bó với cái chày, cái cối như gắn bó với người thân của mình, cái chày, cái cối đã giúp cho họ có những hạt gạo nuôi sống cả gia đình. Nên người J’rai xem trọng cối, xem nó như một vật thiêng cần phải giữ gìn.

Cái chày tiếng J’rai gọi là hlâo, cái cối gọi là rơsung. Ngày mà con người cộng sinh với sử thi thì làm gì có máy xay, máy xát. Người J’rai lại sống theo chế độ tự cấp, tự túc, việc gì cũng tự làm lấy chẳng thuê mướn ai bao giờ. Vì vậy, hạt thóc, hạt ngô trên nương thu hoạch về đều đi qua miệng cối để trở thành thức ăn nuôi sống con người.

Cái cối Jrai là cối gỗ làm từ cây tơnung còn gọi là cây lộc vừng cạn. Khi một người đốn một cây lộc vừng thì cả làng đến xin mỗi người một khúc đủ để làm cối, không có một khúc gỗ nào bị bỏ phí. Gỗ cây tơnung khi còn tươi thì rất dẻo nhưng khi khô đã rắn gần như đá. Khi chế tác cối, người ta cắt lấy một khúc gỗ vừa cao bằng tầm cối rồi dùng rìu đẽo vào ruột gỗ. Cối phải đẽo nhiều lần không thể đẽo một lần mà được. Sau mỗi lần đẽo, người ta lại bỏ vào miệng cối một ít than củi hoặc đang đượm lửa hoặc chưa đốt rồi dùng ống lồ-ô dài chừng một khuỷu tay thổi vào than thúc cho than đỏ rực trong lòng cối. Người chế tác cối cứ đục rồi lại đốt nhiều lần như thế đến khi có độ sâu ưng ý thì thôi. Độ sâu của chiếc cối mới chế tác chỉ sâu hơn một gang tay, nhưng qua năm tháng thì sâu dần và có trường hợp sâu đến thủng lòng cối. Với chiếc cối bị thủng, nhiều nhà không chịu vứt bỏ mà tìm cách đắp lại. Họ lại kiếm súc gỗ nhỏ chêm vào chỗ thủng rồi lại dùng rìu, dùng lửa tạo ra lòng cối mới.

Còn chày giã thì được làm bằng gỗ cây kơnia, cây hương hoặc cây xanh (tiếng Jrai gọi là hơkuai), ưu điểm của các cây này là trọng lượng riêng rất nặng, kể cả khi đã khô kiệt. Chày dựng đứng cao hơn đầu người, thuôn tròn như bắp chân, một đầu tầy và một đầu hơi nhọn.

Tiếng chày của người Jrai và chuyện tối kị - 1

Chiếc cối của người J'rai luôn được đặt trước cửa nhà và tối kị không được ngồi lên cối

Một nhà người Jrai thường có 2 loại cối. Loại cối lòng sâu hẹp dùng để giã thóc. Loại cối lòng nông và rộng dùng để giã ngô. Chày dùng chung cho cả hai loại cối. Chẳng nhà nào có hai bộ chày bao giờ. Người Jrai chỉ chú ý đến độ tầy, nhọn của chày mà thôi. Khi giã thóc, ở công đoạn trật vỏ trấu, thì dùng đầu nhọn, ở công đoạn giã cho sạch cám thì dùng đầu to. Còn giã ngô thì chỉ dùng đầu nhỏ. Với hạt ngô quá cứng thì được ngâm qua nước cho mềm trước khi đổ vào cối.

Người Jrai có thói quen giã gạo vào sáng sớm và giã vào những đêm trăng. Những ngày bận lên nương gieo hạt, trỉa bắp, thì ban đêm mới là thời gian đâm giã. Vì thế, tiếng chày thường vọng về đêm. Trong đêm cao nguyên, tiếng chày không lẫn với tạp âm nên vang vọng, điềm tĩnh đến lạ thường. Có chăng chỉ có tiếng suối họa cùng.

Tiếng chày của người Jrai và chuyện tối kị - 2

Còn rất ít những ngôi nhà của đồng bào Tây Nguyên còn sử dụng cối như thế này

Vắng tiếng chày là làng đói. Tiếng chày là âm thanh no ấm. Tiếng chày là niềm kiêu hãnh âm thầm của nhà này với nhà khác, làng này với làng khác. Một điều rất thú vị là theo phong tục Jrai, với việc chế tác chày cối bao giờ cũng là đàn ông còn sử dụng nó bao giờ cũng là người thuộc phái nữ. Đây là sự phân công lao động từ bao đời, ai nấy nhất nhất tuân theo. Không biết từ lúc nào, hình ảnh thiếu nữ Jrai nhịp nhàng vung chày giã gạo bên cối gỗ đã trở thành biểu tượng về con người và cuộc sống lao động cần cù, thơ mộng nơi đây.

Cối chày Jrai hóa thành mảnh hồn làng. Tiếng chày, tiếng chày có bao điều kì diệu. Nhiều khi nó đóng vai trò ông mai giúp cho bao đôi trai gái nên vợ nên chồng. Lũ con trai chưa vợ nghe tiếng chày rất tinh. Họ nghe tiếng chày mà biết người giã còn là thiếu nữ hay đã con đống, con đàn. Tiếng chày của thiếu nữ âm thanh thường gọn, nhịp nhanh đều và rắn rỏi và hình như còn có sức quyến rũ khác nữa.

Cũng rất có thể các cô gái Jrai muốn qua tiếng chày gửi đi một thông điệp về tài năng và đức siêng năng của mình đến với các chàng trai. Còn các chàng trai cứ theo lời mách bảo của cái tai mà tìm đến các nàng bên cối giã. Họ xin vào giã cùng cô gái mà mình ưng ý nhất. Họ có giã mấy đâu mà cốt để đầu mày cuối mắt. Có chàng còn cố tình để gạo trong cối bắn ra ngoài để được nghe lời trách và ngồi nhặt. Và đây chính là cái cớ để chàng trai ở lâu hơn nữa bên cối giã với người đẹp.

Vì vậy, người J’rai xem cối như một vật thiêng, phải được giữ gìn cẩn thận. Sau khi giã xong gạo, xong ngô, cối phải được úp ngay xuống sàn nhà, còn chày phải xếp ngay lên giá, đặt trước và song song với hiên nhà chứ không được để dựng đứng. Người J’rai tối kị ngồi lên miệng cối, không chừa một ai.

Hiện nay đời sống công nghiệp đã đến với từng nếp nhà Jrai. Người Jrai đã làm quen với máy xay, máy xát. Tiếng chày vì thế cứ thưa dần, thưa dần… Cuộc sống trôi đi như nước sông Pa, sông Ayun chẳng có con sóng nào quay trở lại. Nhưng rồi một ngày nào đó, có gì khơi vào nỗi nhớ, thì tiếng chày thân thuộc lại vọng về, đem đến cho những người Jrai lớn tuổi một nỗi bùi ngùi.

Kpă Pual- Thiên Thư