1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Thơ Trương Đăng Dung chinh phục bạn đọc tại hội chợ sách quốc tế Budapest 2018

(Dân trí) - Mùa xuân đến, khi phố phường tràn ngập các màu hoa và nắng ấm chiếu trong suốt qua những tán lá cây non xanh mướt mới đâm chồi nảy lộc, khi tâm hồn ai cũng lâng lâng như thể một thi sỹ cũng là lúc hội chợ sách quốc tế tại Budapest được tổ chức thu hút đông đảo lượng người yêu văn học tới xem.

Đây cũng là một trong những sự kiện lớn nhất của ngạch sách báo Hungary với sự tham dự của 26 nước với 160 gian triển lãm sách in ấn và trên 100 cuộc trò chuyện giao lưu với người đọc.

Năm nay có thể nói hội chợ sách có một “thiên thời địa lợi” thật mỹ mãn. Khi tôi vào tới khu vực triển lãm lúc xế chiều, trong một khuôn viên rộng mấy nghìn mét vuông la liệt trên thảm cỏ người nằm, người ngồi, người ôm cốc bia, người nhâm nhi ly cà phê hay ăn kem ốc quế.

Thoạt nhìn có thể chỉ hình dung đây là khu vui chơi giải trí picnic gia đình, nhưng điều kết gắn họ với nhau có lẽ là tình yêu đọc sách. Tay ai cũng cầm một quyển sách. Người chăm chú đọc, người lật lật vài trang, người ngó nghiêng bên này bên kia, người hỏi han chia sẻ cảm xúc…

Các gian triển lãm được dựng lên trong một khu nhà to, trần cao vút nhưng sao vẫn có cảm giác chật chội, hơi phải chen nhau một chút bởi những quầy sách sát nhau như ma trận, bao quanh bởi người đi xem, đi mua.

May quá đang lơ ngơ không biết đi ngả nào, tôi nhận ra ngay hai gương mặt rất đỗi quen thuộc của cầu nối giữa hai nền văn học Việt- Hung: Nhà thơ kiêm nghiên cứu văn học nổi tiếng Trương Đăng Dung mới từ Hà Nội sang và dịch giả kỳ cựu Giáp Văn Chung đã sống ở Budapest từ lâu năm. Hai người phấn khởi cho biết đây là lần đầu tiên văn thơ đương đại của Việt nam được vinh dự có mặt tại một hội chợ sách danh giá ở châu âu và tác giả được mời sang giao lưu với người đọc.

Tử trái sang phải: nhà thơ Trương Đăng Dung, dịch giả Giáp Văn Chung trả lời phỏng vấn trước buổi giao lưu.
Tử trái sang phải: nhà thơ Trương Đăng Dung, dịch giả Giáp Văn Chung trả lời phỏng vấn trước buổi giao lưu.

Ban tổ chức hội chợ làm việc rất chuyên nghiệp, mặc dù trong cùng một ngày, cùng một lúc có rất nhiều cuộc nói chuyện, đàm thoại nhưng tất cả đều răm rắp đúng giờ, đúng vị trí. Tôi hồi hộp vào sớm “chiếm” chỗ ngồi, lo lắng quyển thơ bé nhỏ của Việt Nam dịch ra tiếng Hung liệu có thu hút được sự quan tâm của người đến hội chợ. Chỉ lác đác vài ba khuôn mặt của người Việt sống tại Budapest tới có lẽ vì cũng hiếm người biết được về sự hiện diện của tập thơ của Trương Đăng Dung tại đây.

Nhà thơ Trương Đăng Dung ký tặng các độc giả.
Nhà thơ Trương Đăng Dung ký tặng các độc giả.

Ngài đại sứ Hungary tại Việt Nam, ông Őry Csaba cũng tới dự. Sau này trong buổi giao lưu tôi mới được biết ông cũng có công trong việc nối kết mắt xích cho sự ra đời của tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng" tại Hungary. Thế rồi lượng người tới giao lưu cũng gần chiếm gần kín căn phòng. Một phần có lẽ do Trương Đăng Dung đã từng học tập, nghiên cứu văn học ở Hungary trong một thời gian dài, một phần do độc giả hâm mộ nhà thơ Háy János- một nhà thơ đương đại khá nổi, người đã dũng cảm nhận chuyển thể thơ Trương Đăng Dung ra tiếng Hung mà không hề biết một câu tiếng Việt nào.

Từ trái sang phải: nhà thơ Hungary Háy János (người đã dịch thơ sang tiếng Hung), người hướng dẫn buổi giao lưu, nhà thơ TĐD và dịch giả Giáp Văn Chung.
Từ trái sang phải: nhà thơ Hungary Háy János (người đã dịch thơ sang tiếng Hung), người hướng dẫn buổi giao lưu, nhà thơ TĐD và dịch giả Giáp Văn Chung.

Buổi giao lưu có hai chủ đề chính. Phần đầu nhà thơ Trương Đăng Dung nói về những kỷ niệm, ký ức của ông về thời gian học tập và nghiên cứu văn học tại Hungary. Phải công nhận mặc dù hàng chục năm đã trôi qua, không hiểu sao những điều cảm nhận và những mẩu chuyện giúp hình thành tính cách con người của ông không hề mờ phai, hiện về rất sắc nét.

Người nghe như hình dung thấy trước mắt mình hình ảnh chàng thanh niên nhỏ bé xứ Nghệ lần đầu tiên xa nhà đến với nước Hung như Tổ quốc thứ hai của mình, nơi anh đã nếm nhận những cảm giác của thanh niên mới bước vào đời, nơi mà sự tiếp xúc với giới thơ ca nổi tiếng Hungary đã mở ra cho anh một cánh nhìn mới về cảm thụ văn học.

Đặc biệt, khi nói về người bạn thân Holló András đồng thời là một thi sỹ có tâm hồn trong trắng lãng mạn đã lìa xa cõi đời lúc còn rất trẻ, những cảm xúc tự sâu đáy lòng bỗng ùa về nghẹn ngào câu nói của Trương Đăng Dung gây xúc động mạnh trong lòng người nghe. Kể ra cuộc đời thật lắm tình cờ không thể giải thích nổi, hai con người sinh ra ở hai nơi quá xa nhau trên quả đất, lớn lên trong hoàn cảnh văn hoá và bối cảnh cuộc sống hoàn toàn khác nhau, sao lại có thể có cùng một sợi dây đồng cảm đến như vậy.

Trương Đăng Dung là người Việt Nam đầu tiên chuyển ngữ truyện Kiều sang tiếng nước ngoài - tiếng Hung và trong quá trình hàng chục năm giảng dậy văn học, ông cho rằng chưa từng có một ai kể cả người việt chúng ta cảm nhận được Kiều đúng, hay, và sâu sắc như Holló András. Bài thơ tiếng Hung của Holló András viết sau khi đọc Kiều, Trương Đăng Dung đã đọc đi đọc lại hàng trăm nghìn lần mà bao giờ cũng thấy hay, thấy xúc động.

Trương Đăng Dung và Holló András dường như có cùng một nhịp đập trong con tim và đọc được những ý nghĩ cảm xúc của nhau. Họ thường nói đùa rằng, có thể trong kiếp trước hay kiếp sau họ đã và sẽ là một cặp đôi tình nhân hoàn hảo.

Tác giả bài viết cùng với nhà thơ Háy János và quyển thơ song ngữ Việt Hung.
Tác giả bài viết cùng với nhà thơ Háy János và quyển thơ song ngữ Việt Hung.

Cái chết của Holló András mang lại vết thương lòng đối với Trương Đăng Dung chẳng bao giờ có thể hàn gắn được, có chăng chỉ làm ông thêm chín chắn, sâu lắng hơn. Sau khi nghe câu chuyện này, đọc lại “Những kỷ niệm tưởng tượng” - bài thơ Trương Đăng Dung viết tặng Holló András và đồng thời cũng là nhan đề của tuyển tập thơ, tôi mới cảm thấy gai người: có lẽ những kỷ niệm đó không phải là tưởng tượng, có thật đấy, xảy ra thật đấy chỉ diễn ra tại một mặt phẳng không gian thời gian khác nơi những ai giàu cảm xúc mới thấu hiểu được.

Tất nhiên một tuyển tập thơ không thể thiếu được những bài thơ tình: tình từ thời trai trẻ, tình lúc tóc đã hai mầu, tình lúc đã chín muổi tuổi đời như thể thiếu tình cuộc sống không thể tồn tại được. Thơ tình của Trương Đăng Dung chứa nhiều hình ảnh cách điệu, không phải những mối tình bùng lên rồi tắt hẳn mà thường day dứt qua ngày qua tháng, qua mùa, qua thời gian của đời người rồi tan vào cõi hư vô.

Bài thơ tình Anh chiếm chỗ bóng đêm được nhà thơ kiêm dịch giả Háy János đọc bằng tiếng Hung cùng với sự tham gia hoà tấu của hai nhạc sỹ. Họ chơi guitar và trống tay dùng trong thể loại jazz. Âm nhạc đã làm tôn thêm tiết tấu lãng mạn của bài thơ như một bản nhạc đêm đầy rạo rực và quyến rũ. Phải nói đây là một sáng kiến kết hợp thơ văn và âm nhạc rất có trình độ của nhà thơ Háy János.

Phần sau của buổi giao lưu cốt để thoả mãn sự tò mò của khán giả: thơ- thường được đánh giá như đỉnh cao của ngôn ngữ làm sao có thể chuyển thể sang một ngôn ngữ khác và vẫn giữ nguyên được ý, được câu, được nhịp điệu. Mắt xích đầu tiên phát biểu: nhà dịch thuật Giáp Văn Chung.

Trong thời gian sinh sống ở Hungary, ông đã chuyển ngữ tiếng việt thành công rất nhiều tiểu thuyết đỉnh cao của Hung và đã từng dịch sang tiếng Hung một tuyển tập truyện ngắn việt nam đương đại. Với những thành tích của mình, năm 2017 Giáp Văn Chung đã được nhà nước Hung tặng Huân chương Công trạng Chữ thập vàng. Không dừng lại tại đó, Giáp Văn Chung vẫn tiếp tục bền bỉ với công việc dịch thuật của mình. Sau khi tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung ra đời tại Viêt nam gây tiếng bom lớn trong giới văn nghệ và đoạt giải thưởng thơ ca năm 2011, Giáp Văn Chung ấp ủ ước muốn chuyển dịch tập thơ này sang tiếng Hung.

Do hâm mộ thơ Trương Đăng Dung đã lâu kết hợp với đọc rất nhiều các bài phân tích thơ chuyên nghiêp, bản dịch của Giáp Văn Chung đã phản ánh chính xác được ý tưởng, triết lý trong từng bài thơ. Ông Őry Csaba, đại sứ đương thời của Hungary tại Việt nam, một người rất yêu thích văn học nghệ thuật sau khi đọc một số bài đã kết nối họ với Háy János, một nhà thơ đương đại rất thông minh và bản lĩnh.

Không những Háy János hiểu được những ý tưởng trong thơ Trương Đăng Dung mà do kiên trì đọc đi đọc lại các vần thơ tiếng Việt nhiều lần, tuy không hiểu từng chữ nhưng Háy đã nắm được vần điệu, tiết tấu, âm điệu trong thơ rất chuẩn xác. Dịch thơ khó gần như sáng tác một bài thơ mới với âm điệu ngôn ngữ của chính mình mà lại chuyển thể được điều tác giả muốn nói. Khán giả bật cười khi biết Háy toát mồ hôi hột lúc biết Trương Đăng Dung nói thạo tiếng Hung. Chi tiết này bị dấu kỹ để đừng gây ảnh hưởng tới tâm lý của Háy trong quá trình dịch thuật. Còn Trương Đăng Dung tất nhiên cũng “bí mật" tự dịch một vài bài thơ của chính mình, nhưng rồi phải công nhận bản dịch của Háy hay hơn và chuẩn hơn!

Thời gian có hạn, buổi giao lưu chỉ gói gọn trong vòng đúng một tiếng đồng hồ. Nhà xuất bản đã bán hết sạch số sách thơ song ngữ Việt- Hung họ mang tới hội chợ, đạt kết quả vượt ra ngoài mong muốn. Sau khi ký sách tặng các đọc giả hâm mộ, nhà thơ Trương Đăng Dung tâm sự: tôi thấy mình thật may mắn và hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam được tham gia các hội chợ sách quốc tế, mang thơ ca Việt nam tới nhiều bạn đọc trên thế giới bởi có thể khác nhau về ngôn ngữ nhưng nếu thơ có tư tưởng đẹp và triết lý hay vẫn trinh phục được trái tim người đọc ở bất kỳ nơi đâu.

Xin trích dẫn một ý tưởng rất đáng nhớ của Trương Đăng Dung:

“Ở đâu con người cũng là con người: trong sự mong manh của kiếp sống, trong sự bất hạnh tột cùng và niềm hạnh phúc cao thượng của nó. Chúng ta đang sống trong nỗi cô đơn tập thể. “

Bs Đặng Phương Lan
Budapest 2018. 04.22