Thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam ở đâu?

(Dân trí) - Bức tranh “Đời sống gia đình - Family Life” của họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001) được nhà Sotheby’s ở Hong Kong đấu giá thành công gần 1,2 triệu Đô la Mỹ đầu tháng Tư năm 2017, làm nóng lên các phương tiện truyền thông và giới Hội họa không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Tiếp sau đó, thêm các phiên đấu giá với tranh của các họa sĩ Việt nam có giá vài chục đến hàng trăm ngàn Đô la Mỹ, làm cho nhiều người, nhiều giới muốn tìm hiểu và đặt câu hỏi, Tranh Việt nam có được trình độ như vậy sao? Thị trường tranh Việt nam khởi sắc đến vậy sao?


Tác phẩm “Đời sống gia đình” của Họa sĩ Lê Phổ

Tác phẩm “Đời sống gia đình” của Họa sĩ Lê Phổ

Tra cứu từ Internet về “Thị trường tranh Việt nam”, ta thấy khá nhiều bài viết của các nhà Phê bình nghệ thuật, Sưu tập tranh hay chính các Họa sĩ đưa ra các vấn đề liên quan thị trường tranh Việt nam thời gian qua, nào là “Mức sống thu nhập của người dân còn thấp…” – Họa sĩ Nguyễn Quân, “Mất lòng tin của người chơi tranh” - Phan Minh Thông, hay ”Ta phá ta” rồi “Hội họa Việt Nam luôn đứng ở “thế yếu” so với quốc tế cả về sáng tác lẫn lý luận” – Trần Thế Hòa. Và còn nhiều nữa. Tựu trung là thị trường tranh Việt nam đang còn rất nhiều lý do để chưa phát triển, các lý do ai cũng biết và cũng muốn bổ khuyết, tuy nhiên trở lại điều muôn thủa, Ai là Ai và Khi nào từ Đâu?

Về Nghệ thuật, cả tác phẩm và tác giả sẽ được thời gian và thị trường đưa về giá trị của nó. Nhưng thị trường, dù một số bức tranh được bán giá cao, có tác phẩm được đấu giá trong một vài sự kiện cũng đưa được giá cao, tuy nhiên, nó không đại diện cho một dòng tranh, một thể loại tranh hay phong cách của Họa sĩ, và nó không tạo ra được thị trường tranh như nó (tác phẩm có giá cao đó). Các họa sĩ, có họa sĩ nổi tiếng, có các sản phẩm bán chạy, nhưng cũng không tạo thành một thị trường ổn định hay đại diện được cho thị trường tranh Nghệ thuật. Người mua tranh cũng là một phần rất nhỏ của công chúng, không đại diện cho thị trường nói chung.

Về người mua, nói tranh đắt hay quá sức mua là không đúng. Nếu nói nhu cầu thấp cũng không đúng. Các khu đô thị mới mọc lên như nấm, các gia đình trẻ, kinh tế khá, không chỉ chung cư, biệt thự mà cả các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn sang trọng, công sở, v.v cũng rất cần trang trí tranh. Nói lượng tranh ít, chất lượng thấp cũng sai, vì tranh của các Họa sĩ Việt nam không chỉ có các giải thưởng, mà còn được sưu tập cả trong ngoài nước. Với 15 trường đào tạo, số lượng các họa sĩ không hề nhỏ, lượng sản phẩm nghệ thuật được tạo ra không hề ít. Vậy thì thị trường tranh Nghệ thuật tại sao không phát triển?

Một anh bạn làm bên Pháp, khi được đề nghị đưa tranh Việt nam qua đó bán. “Tranh người ta mang từ đây về Việt nam bán chứ?” Anh ta trả lời. Câu chuyện không hẳn đúng, cũng không sai, vì nhiều người mua tranh từ châu Âu về và cũng nhiều người mang tranh Việt nam đi ra, cả tranh du lịch lẫn tranh giá trị sưu tầm.

Có thể thấy, nhu cầu cao, nhưng sự hiểu biết về thưởng thức tranh Nghệ thuật thẳng thắn nói là không cao, niềm tin đến giá cả tác phẩm cũng thấp. Rất nhiều gia đình, thưởng thức hay mua tranh một cách thụ động. Nghĩa là phụ thuộc và sự tư vấn và thiết kế của người thiết kế nội thất. Nhiều gia đình có vị trí có thể trưng bày tranh, nhưng không biết nên mua gì về treo, nên hoặc đi mua tranh deco, phong thủy hoặc chỉ treo ảnh của gia đình. Số lượng người chơi tranh, treo tranh chủ động có gu riêng không nhiều và những người sưu tầm tranh, về cả mặt nghệ thuật và giá trị kinh tế, lại càng ít.

Tác phẩm sơn mài La Moyenne Région” - Mức giá dự kiến chỉ vào khoảng 36.107 - 46.423 USD, nhưng kết quả bán được là: 595.771 USD.
Tác phẩm sơn mài "La Moyenne Région” - Mức giá dự kiến chỉ vào khoảng 36.107 - 46.423 USD, nhưng kết quả bán được là: 595.771 USD.

Về tương tác, các họa sĩ biết về nhau, các nhà sưu tập biết về họa sĩ, nhưng công chúng biết về họa sĩ rất hạn chế, kể cả các họa sĩ tên tuổi, họ nghe đến nhưng biết đến không nhiều. Nhiều phòng tranh buôn bán theo thị hiếu, nếu bán chạy sản phẩm nào, họ sẽ tạo ra hay đặt loại sản phẩm đó. Nhiều họa sĩ vẽ theo đơn đặt hàng, còn các tác phẩm sáng tác thì khó có khách vì không có kênh. Cho dù hiện nay, có họa sĩ ngoài việc đưa tác phẩm của mình ra công chúng bằng triển lãm, bằng các phòng tranh, hay tự mở trang web, mạng xã hội riêng để tạo cộng đồng riêng của mình hay tham gia các dự án để sáng tác và trưng bày, thậm chí các nhà buôn tranh tạo dựng các sự kiện để quảng bá, nhưng mỗi người 1 vẻ và riêng biệt, không những không tạp được thị trường tranh, mà còn làm công chúng thêm khó xử khi có nhu cầu, vì nhiều tác giả họ không biết đến, nhiều loại tranh quá, cả chất lượng lẫn nội dung.

Cho dù hiện có nhiều hiệp hội, có chính sách bảo hộ tác quyền. Các vấn đề xác định tranh thật giả, xì căng đan “rửa tranh” góp phần thiếu lòng tin với công chúng. Nhiều họa sĩ, vì sinh nhai nên cũng phải vẽ tranh thị trường, theo đặt hàng, việc xác định tác phẩm sáng tác và tranh vẽ khác của chính một họa sĩ cũng không dễ với công chúng. Chưa kể việc chính các họa sĩ nói xấu nhau dẫn đến các tác phẩm chưa ra được công chúng đã bị thui chột.

Vai trò quản lý, đào tạo hay phổ cập trình độ thưởng thức nghệ thuật, kết nối giao lưu giữa công chúng và họa sĩ là việc quan trọng để tạo lập cộng đồng yêu nghệ thuật, hiểu biết về nghệ thuật, nếu coi tranh nghệ thuật là một lĩnh vực chỉ phù hợp với một nhóm nào đó thì sẽ không bao giờ có được thị trường tranh đúng nghĩa. Nhu cầu đại chúng rất lớn, nhu cầu sưu tập, chơi tranh cũng rất cao. Số lượng các họa sĩ sáng tác cũng rất nhiều, khách du lịch và nhà sưu tập Quốc tế không hề nhỏ, các phòng tranh, các kênh bán hàng cũng đa dạng, nhưng chúng ta vẫn chưa có một thị trường tranh vì trình độ hiểu biết về tranh nghệ thuật, về tác giả, họa sĩ, lòng tin, sự bảo đảm của giá trị, của sản phẩm,..

Thị trường vẫn chỉ là tiềm năng, có thể cứ mãi là tiềm năng nếu không có sự đánh thức nó từ tất cả chúng ta, từ giáo dục, chính sách, của chính các họa sĩ, cùng hợp tác, hay của các nhà sưu tập, phê bình rồi các kênh buôn bán, thì sự cạnh tranh mạnh ai nấy chạy sẽ tạo thị trường dẫm chân tại chỗ.

Một phiên đấu giá
Một phiên đấu giá

Đặng Vân Phúc