Thí sinh Sao Mai mất điểm vì quá phô trương kỹ thuật?

(Dân trí) - Đêm chung kết Sao Mai phong cách dân gian tối 16/9 vừa qua tiếp tục cho thấy sự áp đảo của các giọng ca nữ. Không như nhiều người kỳ vọng, do quá nặng về trưng trổ kỹ thuật nên các thí sinh thiếu đi sự ngọt ngào vốn có của dòng nhạc này.

Nếu như đêm thính phòng tuần trước đã mang đến cho khán giả cảm giác sang trọng, cổ điển thì các phần thi với phong cách dân gian tuần này, 11 thí sinh đều cố gắng thể hiện bằng cách trưng trổ kỹ thuật và đầu tư trang phục truyền thống cầu kỳ. Nhưng có lẽ cũng vì sự trưng trổ này, đêm thi Sao Mai dòng dân gian trở thành cuộc đua kỹ thuật khiến cho đêm thi mất đi sự ngọt ngào, sâu lắng.

Ngay trong đêm thi, rất nhiều khán giả bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội rằng, các thí sinh dân gian đã quá phô trương kỹ thuật mà hát thiếu tình, nhiều thí sinh nặng về “gào” mà quên mất rằng, dòng dân gian quan trọng nhất là sự uyển chuyển, duyên dáng, ngọt ngào.

Thí sinh Sèn Hoàng Mỹ Lam.
Thí sinh Sèn Hoàng Mỹ Lam.

Nhạc sĩ Dương Cầm, Giám đốc âm nhạc của Sao Mai 2017 chia sẻ: "Điều tôi cảm thấy đáng tiếc nhất trong đêm thi phong cách dân gian là một số thí sinh không lắng nghe sự tư vấn bài vở từ người phụ trách âm nhạc là tôi. Và dù tôi đã cố gắng để làm mới mẻ ca khúc hay ban nhạc đã giúp nâng giọng hát của các thí sinh thì việc ngay từ đầu chọn bài chưa phù hợp với giọng hát đã làm hạn chế phần thi cũng như giảm sức hấp dẫn của đêm nhạc. Tôi mong rằng các bạn hãy giảm bớt cái tôi cá nhân và lắng nghe sự góp ý từ phía người làm chuyên môn để giúp các bạn thành công hơn…”

Ngoài việc bị nhận xét là nặng nề, thiếu sự ngọt ngào, đêm chung kết phong cách dân gian cũng gây chú ý khi số lượng thí sinh nữ áp đảo. 4 giọng ca xuất sắc nhất được đi tiếp là Phan Ngọc Ánh (SBD 19), Lương Hà Mỹ Anh (SBD 15), Sèn Hoàng Mỹ Lam (SBD 18) và Nguyễn Mai Thương (SBD 14).

Thí sinh Sèn Hoàng Mỹ Lam, cô gái đến từ Lào Cai dự thi ca khúc “Theo câu hát Sluong” (sáng tác Nhật Minh) – Mỹ Lam gây ấn tượng với một bài hát mang âm hưởng âm nhạc vùng Tây Bắc (điệu Then của dân tộc Tày) nhưng cũng rất hiện đại, tươi vui trong sáng. Đây là ca khúc khoe được giọng nữ cao cùng phong cách trình diễn của Mỹ Lam đã dành được cảm tình lớn của khán giả tại khán phòng.

Thí sinh Phan Ngọc Ánh.
Thí sinh Phan Ngọc Ánh.

Thí sinh Phan Ngọc Ánh đến từ Nghệ gây ấn tượng khi thử sức mình với ca khúc mang âm hưởng ca trù “Khúc xưa thành Thăng Long”, phổ thơ Nguyễn Du bởi nhạc sĩ Ái Nhân, bài hát được cho là không hề “dễ xơi”, nhất là đối với một giọng ca còn khá trẻ bởi nó đòi hỏi kỹ thuật luyến láy, nảy hạt của ca trù một cách vừa phải, đồng thời người hát cũng cần có trải nghiệm nhất định để "thấm" được lời thơ.

Dù cho giọng hát của cô trong đêm hôm qua được đánh giá là không ở phong độ tốt nhất so với khả năng, nhưng có thể nói Ngọc Ánh đã hóa thân trọn vẹn vào vai một ả đào thành Thăng Long duyên dáng, ngọt ngào với những điệu múa uyển chuyển cùng với đàn tỳ bà.

Phan Ngọc Ánh cũng là thí sinh duy nhất trong đêm thi sử dụng điệu múa để bổ trợ, giúp tôn thêm hồn cho phần thi của mình.

Nguyễn Mai Thương.
Nguyễn Mai Thương.

Người con của vùng đất quan họ Bắc Ninh, Nguyễn Mai Thương lại chọn cho mình ca khúc “Chấp chới sông Lam” mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Với việc thể hiện bài hát về tình mẫu tử, phần thi của Nguyễn Mai Thương có thể coi là mang đến nhiều cảm xúc nhất đối với khán giả trong suốt chương trình.

Thí sinh cuối cùng lọt top 4 là Lương Hà Mỹ Anh. Với ca khúc “Câu hát quê hương” (nhạc Hồ Hữu Thới, thơ Nguyễn Trọng Tạo) phần thi của Lương Hà Mỹ Anh cũng chỉ dừng lại ở mức ổn, thiếu sự đột phá mạnh mẽ...

Qua đêm thi, nhiều khán giả tiếc cho Phạm Dương Gia Hân (SBD 12) với ngoại hình đẹp và phong thái biểu diễn cuốn hút trong ca khúc “Xúc cảm non thiêng” mang hơi thở của Tuồng, khi mà cô lại chưa làm chủ được những quãng cao và vẫn còn để lộ âm sắc địa phương vùng Quảng Trị ở một số lời hát.

Lương Hà Mỹ Anh.
Lương Hà Mỹ Anh.

Chàng trai duy nhất Đậu Thanh Tài (SBD 20) đến từ Nghệ An đã thể hiện khá tốt cảm xúc khi hoà mình vào Ký ức dòng Lam.Thế nhưng tiếc là cách nhả chữ của Tài chưa được tròn trịa khiến nhiều chỗ lời bị dính và bị ảnh hưởng bởi âm sắc địa phương.

Một vài gương mặt khác cũng gây thất vọng khi không có được phần trình diễn hoàn chỉnh và giọng hát thật sự chất lượng như Nguyễn Linh Trúc Lai, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Dương Linh Tuyết… Họ đều gặp vấn đề trong kỹ thuật xử lý bài hát và cho thấy sự hạn chế trong việc nắm bắt ca khúc mình lựa chọn…

MC Mỹ Lan và Danh Tùng.
MC Mỹ Lan và Danh Tùng.

Đây cũng là bài học để những thí sinh dòng nhạc nhẹ nên rút kinh nghiệm để có phần thi tốt hơn ở đêm thi tuần tới. Đêm chung kết Sao Mai phong cách nhạc nhẹ sẽ tiếp tục được THTT trên VTV6 vào 20h ngày 23/9.

Nguyễn Hằng

Ảnh: Hải Bá