Thăm “vương quốc” nuôi gà bán Tết ở xứ dừa

(Dân trí) - Mấy chục năm trước, vùng đất Bến Tre nức tiếng khắp Nam Bộ với những chú gà chiến “đánh đâu thắng đó”, thú chơi gà trong dịp Tết từ xưa được xem như một trò chơi dân gian không thể thiếu. Ngày nay, nghề nuôi gà vẫn được người dân nơi đây duy trì dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Ký ức về những chú gà chiến nổi danh khắp Nam Bộ

Những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, vùng đất Nam Bộ có nhiều địa phương nổi tiếng về gà nòi đá độ nhưng trứ danh nhất có lẽ là làng gà Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Nơi đây có cây xanh, bóng mát thích hợp với nghề nuôi gà, độ gà chiến nên được dân mê gà ví là “vương quốc” của gà nòi. Vì vậy, vùng đất này sản sinh ra rất nhiều “chiến kê” hễ xuất trận là thắng khiến dân chơi phải nể mặt. Ông Châu Bô, SN 1932 (tự Ba Cồ, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) được dân trong vùng tôn là “thầy gà” vì đã nuôi dưỡng, huấn luyện nhiều chú “chiến kê” nổi tiếng.

Ông Ba Cồ được mệnh danh là thầy gà ở Bến Tre.
Ông Ba Cồ được mệnh danh là "thầy gà" ở Bến Tre.

Con điều khò của ông Nguyễn Văn Tư, 63 tuổi, ngụ xã Phú Đức (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) được nhiều dân mê gà trong vùng nhắc đến. Đây là con gà điều bình thường nhưng khi đem ra đá độ nó khò như bị bệnh nên dân mê gà đặt biệt danh là điều khò. Những năm 1980, con điều khò này nổi tiếng khi “đánh đâu thắng đó”, gà trong vùng “chạy mặt” nên được đem đi thi đấu ở Tiền Giang, Sài Gòn và ra tới Bà Rịa Vũng Tàu cũng thắng liên tục.

Ông Tư kể lại: “Lúc đó đá gà như một thú tiêu khiển không thể thiếu của những người đam mê gà nòi ở miệt vườn trong vùng. Mỗi trận gà vẫn tính thắng, thua bằng tiền nhưng ở mức tượng trưng của nông dân. Khi đó con gà của tôi nổi tiếng đến mức dân chơi gà nghe đã sợ và không dám thách đấu. Bình thường con gà nòi đá 2 năm là “xuống gối” vì già không đá được nữa nhưng con điều khò này đá đến 8 mùa và thắng được 48 độ. Khi con điều khò chết, tôi tiếc quá nên mướn người treo lên đọt cây cao một thời gian rồi đem đi chôn chứ không ăn thịt”.

Ngoài ra, có nhiều con gà nổi tiếng mà đến giờ dân mê gà vẫn nhắc đến tên như: chuối xuyên lục địa, điều râu, ô bách chiến, khét tử mỵ… vì thắng mấy chục độ. Thậm chí người ta thường truyền tai nhau về tên con gà, màu sắc, cách tung đòn giỏi chứ không hề biết mặt chủ gà là ai.

Thú chơi gà trong dịp Tết của người dân Nam bộ

Thú chơi gà có từ rất xa xưa, nhất là trong dịp lễ hội, Tết Nguyên đán. Lúc đó, trò chơi đá gà chủ yếu dành cho giới quan lại, địa chủ… rồi dần lan rộng ra như một trò chơi dân gian trong nhân dân ở Nam Bộ. Ông Nguyễn Văn Khanh, 78 tuổi (ngụ xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết: “Những năm thập niên 70, chơi đá gà khá phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ nhưng nhiều nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Dân mê đá gà chăm sóc kỹ những con gà chiến của mình để đợi đến Tết đem ra trường thi thố với gà các vùng khác và dự thi ở hội xuân”.

Thăm “vương quốc” nuôi gà bán Tết ở xứ dừa - 2

Theo ông Khanh, người miệt vườn nuôi gà rất kỹ lưỡng, thường thì đủ 18 tháng tuổi khi cựa mọc dài mới đem ra đá độ. Cuộc đá gà ngày xưa rất vui, là sự thách đấu giữa gà của vùng này với vùng khác và đá độ ăn tiền đàng hoàng nhưng với tính chất văn nghệ, phóng khoáng của người miền Tây. Ông Khanh kể lại: “Lúc đó người ta đá cựa chốt (cựa từ chân gà mọc ra – PV), mỗi trận gà được chia làm nhiều hiệp được tính thời gian bằng việc đốt tàn cây nhang có gắn đồng xu vào. Ngoài ra, người chơi gà còn cử một ông lão lớn tuổi, có uy tín trong vùng được ngồi ghế đai ngay chính giữa để phân thắng, bại của trận gà. Những trận đá gà thật sự là ngày hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán”.

Những trận đá gà trong dịp Tết, những cuộc thi ở hội xuân luôn sống mãi trong ký ức của ông Ba Cồ dù năm nay ông đã ở tuổi “gần đất xa trời”. Ông Ba Cồ cho biết: “Chơi đá gà ở vùng này mỗi thời kỳ mỗi khác, bây giờ rất tân tiến với cựa sắt, mỗi trận gà chỉ trong chớp mắt và mang nặng tính ăn thua nên không còn là một trò chơi dân gian như trước. Hiện tại, người ta vẫn đá gà nhiều nhất trong dịp Tết mà cá cược rất lớn làm tan nhà nát cửa nên bị coi là cờ bạc và cấm tiệt là rất đúng. Những người chơi gà như chúng tôi ngày trước giờ chỉ mơ ước xem một trận đá gà cựa chốt hàng tiếng đồng hồ trong dịp Tết Nguyên đán là thấy vui rồi”.

Kỹ nghệ “luyện” gà đá cung ứng thị trường Tết

Những ngày giáp Tết, đi dọc các miền quê ở xứ hoa, cây kiểng Chợ Lách không chỉ có ngàn hoa đua sắc mà còn văng vẳng tiếng gà gáy ở vườn cây, góc nhà. Rất nhiều gia đình ở vùng này ngoài trồng cây ăn trái, hoa kiểng còn nuôi gà nòi, gà lai, gà tre… bán để kiếm thêm thu nhập. Gia đình ông Nguyễn Văn Út Lành (ngụ ấp Tân Thạnh, Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) nuôi gà nòi gần chục năm nay. Ông Lành cho biết: “Ở xứ này vườn cây ăn trái rợp bóng nên rất thích hợp để con gà nòi kiếm ăn, trú ngụ. Hầu như nhà nào cũng nuôi gà nòi từ vài con đến hàng trăm con để bán. Trung bình mỗi con trên 1 triệu đồng nhưng có con gà hay, đẹp có giá hàng chục triệu đồng là chuyện rất bình thường”.

Những con gà được chăm sóc kỹ lưỡng để có thể hình đẹp, thịt săn chắc.
Những con gà được chăm sóc kỹ lưỡng để có thể hình đẹp, thịt săn chắc.

Thông thường khi gà còn nhỏ sẽ thả ra ngoài vườn cây ăn trái cho chân khỏe mạnh, thịt săn chắc. Khi gà lớn lên, gáy rành sẽ cho úp bội để “huấn luyện” thành những con gà đá hay. Mỗi tuần đều phải đem gà ra xổ (cho 2 con gà đá nhau – PV) để huấn luyện những miếng đánh cho gà, đồng thời phải bồi bổ, thoa nghệ để da săn chắc. Khi những con gà chiến được nuôi từ 8 tháng đến một năm tuổi có thể xuất bán. Người nuôi gà cũng chọn thời điểm sao cho xuất bán gần Tết để được giá cao hơn.

Mấy năm nay, Tết nào ông Châu Hữu Thuận, ngụ Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) cũng xuất chuồng gần trăm con gà chiến theo hình thức nuôi gia công với giống gà tre, gà nòi lai với gà Mỹ… Ông Thuận cho biết: “Nhờ có vườn rộng và đầu tư làm chuồng để nhốt riêng từng con gà nên tôi nhận nuôi gia công cho người quen ở tỉnh Đồng Nai với chi phí 1 triệu đồng/con. Trung bình 1 năm nhận 170 con đến cuối năm trừ hao hụt còn khoảng 100 con giao cho người ta cũng kiếm sống được. Ở xứ này bây giờ rất ít người đá gà mà chủ yếu nuôi, huấn luyện thành những gà chiến để cung ứng khắp các tỉnh, thành và thậm chí còn xuất bán sang tận Campuchia”.

Nghề nuôi gà đá đang được địa phương quan tâm, khôi phục lại như nghề truyền thống nhằm giúp người dân phát triển thêm kinh tế gia đình. TS. Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Nghề nuôi gà đá ở địa phương có từ rất lâu đời, bây giờ hầu như xã nào cũng nuôi theo hình thức hộ gia đình từ vài chục đến vài trăm con. Hiện tại, địa phương đang định hướng xây dựng thương hiệu “gà nòi Chợ Lách” và phát triển thành làng nghề nuôi bài bản để cung ứng theo đơn đặt hàng nhằm phát triển lâu dài”.

Nghề nuôi gà đá ở Chợ Lách giờ đang được phát triển theo hướng mới nhằm giữ nguồn gen quý hiếm của những “chiến kê” lừng danh khắp Nam Bộ thời xưa. Đồng thời, nhiều người muốn giữ thú chơi gà chọi trong mỗi dịp Tết đến, xuân về như là nét văn hóa truyền thống đã mai một, biến tướng.

Hoàng Trung