Thăm làng biệt thự cổ giữa vùng quê lúa

(Dân trí) - Được biết đến bởi những căn biệt thự và ngôi nhà uy nghi cùng lối kiến trúc cổ kính vòm cuốn, mái chảy, làng Cựu thuộc xã Vân Từ, Phú Xuyên (Hà Nội) không chỉ mang vẻ đẹp làng quê Việt mà còn rất độc đáo với lối kiến trúc Pháp.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy từ trung tâm thành phố Hà Nội, phóng viên đã có mặt tại làng Cựu, hay còn gọi là làng thợ may “Đệ nhất Hà thành”.

Dừng chân tại đầu làng, cảm xúc đầu tiên của tôi là sự choáng ngợp bởi chiếc cổng làng rộng lớn, uy nghi với 3 tòa tháp, trên có nậm rượu, nụ hoa, bên cạnh có điếm canh để bảo vệ an ninh cho dân làng.

Con đường chính dẫn vào ngôi làng biệt thự cổ.

Con đường chính dẫn vào ngôi làng biệt thự cổ.

Dạo quanh một vòng làng trên những con đường lát đá xanh, tôi như được đắm chìm trong thế giới của những câu truyện cổ tích thần kỳ, bởi khung cảnh xung quanh đa phần là những căn biệt thự và ngôi nhà cổ kính, mang đậm dấu ấn kiến trúc kiểu Pháp mĩ lệ.

Tôi may mắn được cụ NguyễnVăn Sắc – một cao niên trong làng kể cho nghe về lịch sử phát triển của làng Cựu: “Trước kia, làng Cựu vốn nổi tiếng với nghề may cho Tây trong suốt thời kỳ Pháp thuộc. Kinh tế của các hộ gia đình tại đây đều thuộc hàng khá giả nên họ đã xây dựng rất nhiều ngôi biệt thự, và nhà cổ. Tuy nhiên, vào năm1920, do sơ suất của một hộ gia đình làm nghề trong làng dẫn tới việc hỏa hoạn lớn. Dù đã được dân làng hô hoán dập lửa, nhưng phần vì ngọn lửa quá lớn, lại thêm việc các ngôi biệt thự, nhà cổ đều nằm liền kề nhau đã dẫn tới hậu quả là nhiều ngôi nhà đã bị thiêu trụi”.

Điều đặc biệt là trước mỗi cổng của các ngôi biệt thự hầu hết có ghi tên chủ hộ gia đình.

Điều đặc biệt là trước mỗi cổng của các ngôi biệt thự hầu hết có ghi tên chủ hộ gia đình.

Cho đến hiện nay, làng Cựu có khoảng 30 ngôi biệt thự, nhà cổ còn lại từ thời mới xây dựng. Hầu hết các ngôi biệt thự trong làng được xây dựng trong những năm 1930 đến 1945 với kiểu kiến trúc vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim, ngói mũi cùng phụ gia xây dựng là mật ong trộn muối. Các chi tiết của những căn biệt thự, nhà cổ đều được trạm trổ, ấn tượng với những hình ảnh cao sang huyền bí như rồng, long phượng, cho tới hình hoa lá, chim muông.

Tiếp tục lang thang để khám phá ngôi làng đặc biệt này, cứ đi vài mét một, tôi lại bắt gặp những chiếc cột đèn nhỏ kiểu Pháp gắn với chi tiết sắt cuốn. Ấn tượng đặc biệt hơn cả là những căn biệt thự đã xuống cấp thấp thoáng sau những lùm cây nằm sâu hút trong các con ngõ nhỏ.

Một trong những con ngõ nhỏ tại làng Cựu.

Một trong những con ngõ nhỏ tại làng Cựu.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt… những ngôi biệt thự, nhà cổ nay đã phủ những lớp rêu phong dày đặc cùng màu nâu đen của các mái ngói.

Hiện nay, hầu hết các ngôi biệt thự, nhà cổ còn tồn tại trong làng Cựu đều được khóa cửa ngoài rất chặt, bởi trước kia, chủ của những ngôi nhà này đều thuộc vào diện khá giả trong làng.Vì muốn lưu giữ lại vẻ đẹp cổ kính, sang trọng của căn nhà mà con cháu họ sẵn sàng đi làm ăn, lập nghiệp tại các địa phương khác.

Ngôi nhà cổ này đã được khóa cửa ngoài nhiều năm nay.

Ngôi nhà cổ này đã được khóa cửa ngoài nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, thấp thoáng vẫn còn có một vài hộ gia sinh sống trong những căn biệt thự có phần xuống cấp nhẹ. Ghé thăm vào nhà anh NguyễnVăn Khải, tôi được biết: Gia đình anh đã có bao đời sinh sống tại đây, dù nhiều lần đắn đo với ý định chuyển đi nơi khác nhưng cuối cùng anh vẫn quyết định tiếp tục gắn bó với ngôi biệt thự cổ này. Hiện tại, hầu hết lớp vữa bên ngoài căn biệt thự đã bị bong vỡ, cùng những khung cửa bị mối mọt hết. Sắp tới gia đình anh Khải sẽ đầu tư sửa sang lại nhưng vẫn cố gắng giữ những nét cổ kính nhất của căn biệt thự.

Rời khỏi ngôi làng cổ trong âm thanh của chiếc chổi tre loẹt quẹt xen lẫn với tiếng sáo diều vi vu, đôi chân của tôi như muốn níu lại bởi một sức hút lạ kì từ “làng biệt thự cổ giữa vùng quê lúa”.

Bài, ảnh: Nhữ Trang