Tâm sự của một nhà báo Hàn Quốc từng đưa tin về 30 vụ tự tử

(Dân trí) - Tôi cảm thấy rất ghê sợ mỗi khi nhận được cuộc gọi trong đêm để báo tin về vụ tự sát của một diễn viên K-drama (phim Hàn) hay một ca sĩ K-pop (nhạc Hàn)...

Tâm sự của một nhà báo Hàn Quốc từng đưa tin về 30 vụ tự tử - 1

Lễ tang của nữ ca sĩ Goo Hara

Bài viết của nhà báo người Hàn Quốc Kim Dae O trên tờ tin tức The Guardian (Anh) đã cho thấy những góc nhìn chân thực vào mặt trái của nền công nghiệp giải trí xứ sở kim chi. Nhà báo Kim đã có nhiều năm chuyên phụ trách mảng tin giải trí…

Vào một ngày hè tháng 8/2008, tôi được mời xuất hiện trong một chương trình giải trí trên truyền hình, trong đó nam diễn viên Ahn Jae Hwan đảm nhận vai trò dẫn dắt. Tôi nhận thấy rằng Ahn cư xử rất lạ lùng, anh luôn bước đi với vẻ đầy lo lắng xung quanh trường quay mỗi khi anh không phải xuất hiện trước máy quay.

Lúc ấy, Ahn đang có một số hoạt động kinh doanh bên cạnh sự nghiệp trong lĩnh vực giải trí, nhưng mọi việc diễn ra không tốt đẹp. Anh phải đối diện với nhiều phàn nàn, chỉ trích và đã trở thành mục tiêu của một số nhóm tẩy chay, bêu xấu ác ý trên mạng.

Ngay khi ấy, tôi đã cảm thấy rất lo lắng cho anh và chia sẻ những lo lắng ấy với một nữ diễn viên mà tôi vốn thân thiết, tôi bảo với cô ấy rằng: “Tôi lo rằng Ahn sẽ nghĩ không thông suốt mà làm điều dại dột chỉ để kết thúc tất cả những vấn đề đang phải đối mặt trong hiện tại”.

Cô bạn của tôi nói rằng cô biết những vấn đề mà Ahn đang gặp phải và rằng bạn bè, đồng nghiệp của Ahn cũng đang cố gắng giúp đỡ anh ấy. Nhưng ngay trong tháng đó, tôi đã phải làm tin Ahn Jae Hwan tự sát.

Vào ngày đen tối đó, tôi và cô bạn nữ diễn viên cùng đi tới bệnh viện nơi thi hài Ahn đang ở đó, người bạn của tôi quá sốc đến mức không thể bước đi bình tĩnh được. Nhưng những thợ săn ảnh chờ sẵn ở bệnh viện đã chụp hình cô bước đi run rẩy và có những tin bài xuất hiện theo kiểu “Nữ diễn viên sốc nặng vì không lấy lại được tiền đã cho vay”.

Thực tế, cô bạn của tôi cũng như nhiều người khác trong nền công nghiệp giải trí đã cho Ahn vay tiền để xoay xở việc kinh doanh, nhưng một số trang tin ác ý đã khắc họa họ như thể những người cho vay máu lạnh. Người ta khi ấy đang tìm kiếm lý do để quy kết cho cái chết của Ahn và những tin bài bắt đầu được đẩy lên cao theo cả những cách gây tổn thương cho người đang sống.

Tâm sự của một nhà báo Hàn Quốc từng đưa tin về 30 vụ tự tử - 2

Nữ diễn viên Choi Jin Sil lúc sinh thời

Đến đây, tôi xin nói rõ, nữ diễn viên mà tôi đang nhắc tới chính là Choi Jin Sil, một trong những nữ diễn viên từng được xem là ăn khách nhất trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc. 40 ngày sau khi Ahn tự sát, Choi cũng kết thúc cuộc đời mình. Tôi và một số người bạn nữa đã cùng ăn uống với cô chỉ vài tiếng trước khi cô qua đời.

Tôi vẫn còn nhớ những lời sau cùng cô nói với chúng tôi: “Là một nạn nhân của thái độ thù ghét đầy tiêu cực trên mạng, tôi cho rằng những bình luận ác ý gây tổn thương cần phải bị cấm. Tôi muốn làm điều gì đó để ngưng những chuyện này lại, muốn rút lui khỏi nền công nghiệp giải trí và làm công tác từ thiện, giống như minh tinh Audrey Hepburn. Tôi mệt mỏi với tất cả những chuyện này rồi”.

Tôi được thông báo về hành động bi kịch của Choi Jin Sil vào lúc 5h sáng ngày hôm sau, người gọi điện là em trai của cô ấy, Choi Jin Young, một nam diễn viên kiêm ca sĩ.

Khi tôi tới lễ tang của Choi Jin Sil, người em trai của cô ấy vừa gào khóc vừa lao ra phía tôi: “Anh đã hứa với tôi sẽ bảo vệ chị ấy, tại sao anh không làm được như đã hứa?”. Hai năm sau, vào tháng 3/2010, chính cậu ấy cũng tự sát.

Ba năm sau, vào tháng 1//2013, chồng cũ của Choi Jin Sin, cha của hai người con chung giữa họ, cựu cầu thủ bóng chày Cho Seong Min tự sát. Trước đó, anh đã trở thành mục tiêu của những bình luận ác ý trên mạng vì cho rằng anh chính là nguyên nhân dẫn tới sự ra đi bi kịch của vợ cũ Choi Jin Sil (họ gắn bó từ năm 2000 tới 2004 thì ly hôn).

Tâm sự của một nhà báo Hàn Quốc từng đưa tin về 30 vụ tự tử - 3

Nữ ca sĩ Sulli lúc sinh thời

6 năm sau, vẫn không có nhiều thay đổi trong đời sống giới sao xứ Hàn, và thậm chí còn có những vụ tự tử mới gây chấn động. Nữ ca sĩ Sulli qua đời tháng 10, nữ ca sĩ Goo Hara qua đời tháng 11 và nam diễn viên Cha In Ha qua đời tháng 12 năm 2019, họ đều là những nghệ sĩ còn rất trẻ.

Tôi cảm thấy dường như vấn đề trong giới nghệ sĩ không có những tiến triển tích cực. Tôi sợ phải nhận những cuộc gọi lúc nửa đêm và phải nghe người ta báo về việc một nghệ sĩ nào đó vừa tự tử.

Tự tử không phải một vấn đề chỉ tồn tại trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Tôi đã theo dõi thông tin mảng này suốt 30 năm qua và đã đưa tin về khoảng 30 vụ tự tử của những nhân vật nổi tiếng, và tôi có thể nói rằng đây là vấn đề của cả xã hội. Những con số thống kê đã nói lên nhiều điều.

Tôi không thể lý giải tại sao có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc quyết định kết thúc cuộc đời mình. Chúng ta không thể nào dám chắc về lý do của từng người, đó có thể là rắc rối tiền bạc, thất bại tình cảm, trục trặc gia đình, danh tiếng sụt giảm, bị tấn công trên mạng... Cố gắng lý giải rành mạch một sự ra đi chỉ dễ làm nảy sinh thêm những dư luận xấu trên mạng.

Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc đã ra quy định yêu cầu các phóng viên đưa tin không đề cập chi tiết cách thức một người tự tử, cũng như không đề cập sâu về địa điểm hay nguyên nhân vụ tự tử.

Khi nữ ca sĩ Sulli bị chỉ trích vì những bức ảnh cô đăng tải trên mạng xã hội, tôi đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng cô ấy đang nỗ lực tìm kiếm sự thấu hiểu và tình cảm yêu mến từ công chúng, những người hay chê bai chỉ trích cô trên mạng hãy dành thời gian để cố gắng thấu hiểu và nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của cô ấy.

Chính tôi cũng là người bị tấn công bởi những thái độ thù địch, tiêu cực. Tôi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn, những bình luận trên mạng thể hiện thái độ thù ghét mỗi ngày.

Xã hội nhiều khi vẫn bị ám ảnh bởi những cuộc ly hôn của người nổi tiếng, chúng ta luôn cố phân tích xem ai là người có lỗi. Chúng ta cũng bị ám ảnh bởi lý do tại sao một ngôi sao tự sát.

Một phần trách nhiệm thuộc về những phóng viên, thợ săn ảnh chỉ quan tâm tới lượng người xem tin bài của mình, họ luôn đề cao yếu tố giật gây, gây sốc, tạo ra sự hiếu kỳ, cho dù thông tin họ đưa ra là bịa đặt, suy diễn vô căn cứ.

Không có giải pháp nào dễ dàng cho vấn đề này. Rất nhiều phóng viên mảng giải trí tại Hàn Quốc phải chấp nhận sự bấp bênh trong công việc với mức lương thấp. Những thay đổi cần phải được thực hiện để tin tức trở nên ít lệ thuộc hơn vào số lượt người xem đối với một tin bài, bởi hầu như chỉ có những tin bài giật gân, gây sốc mới có được lượng đọc “khủng” ở mảng giải trí.

Tâm sự của một nhà báo Hàn Quốc từng đưa tin về 30 vụ tự tử - 4

Nam diễn viên Cha In Ha lúc sinh thời

Sau nữa, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc phải gánh phần lớn trách nhiệm trong bi kịch xảy tới với nhiều nghệ sĩ. Nhiều ngôi sao bị đối xử chỉ như những hợp đồng lợi nhuận mà đơn vị quản lý phải vắt kiệt để thu về lợi nhuận cao nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Nhiều ngôi sao được đào tạo từ khi còn là trẻ nhỏ và họ không được dạy những kỹ năng đời sống cần thiết, chỉ học mỗi hát và nhảy. Vấn đề càng trở nên trầm trọng đối với nữ nghệ sĩ, bởi sự quan tâm hiếu kỳ của công chúng đối với đời tư của họ rất lớn, còn những đánh giá, soi xét, định kiến càng khắt khe hơn.

Chúng ta cũng cần phải hiểu tại sao nhiều người hay đăng tải những bình luận ác ý trên mạng. Hiện tại ở Hàn Quốc, khi một người sử dụng mạng xã hội để đăng tải bình luận ác ý bảo một người khác “hãy chết đi” sẽ bị phạt trung bình 2.000 USD cho lần vi phạm đầu tiên.

Một nữ nghệ sĩ từng tiếp cận tôi, từng đề nghị thực hiện bài phỏng vấn cuối cùng với tôi. Cô ấy kể rằng đã tự sát vài lần nhưng được người thân và cộng sự phát hiện kịp thời. Chúng tôi đã trò chuyện trong 3 ngày. Tôi buộc phải nói cho cô ấy hiểu rằng việc này đang lấy quá nhiều thời gian của tôi, và thực sự, cô ấy đang có những vấn đề tâm lý bất ổn.

Cô ấy không phải nghệ sĩ đầu tiên đề nghị với tôi điều này. Tôi đã phải dành cho họ cùng một lời khuyên mỗi khi họ tiếp cận tôi giữa lúc tâm lý đang khủng hoảng:

“Mùa xuân không đến với chúng ta từ một nơi xa xôi nào đó, mùa xuân đến từ mặt đất dưới chân chúng ta. Chúng ta sinh ra đời mà không cần một lý do lớn lao nào, và chúng ta phải tiếp tục sống trong đời này mà không cần phải có những lý do trọng đại”.

Bích Ngọc

Theo The Guardian