Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh

(Dân trí) - Tranh tự họa của Vincent Van Gogh qua các thời kỳ đánh dấu những bước phát triển mới trong nghệ thuật của ông với nhiều thay đổi về cách vẽ và hé lộ phần nào tâm lý bất ổn của hoạ sĩ. Trong năm năm cuối đời mình ông vẽ hơn 30 bức tự hoạ.

Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh


Bức tự hoạ trên chứa đựng tất cả những yếu tố làm nên phong cách Van Gogh: cách phối mầu phản ánh tâm trạng, tốc độ đưa cọ nhanh, đầy năng lượng. Bức tranh được vẽ ngay sau khi ông rời khỏi bệnh viện tâm thần St. Remy tháng 7/1889, lúc này ông vẫn phải tiếp tục chiến đấu với bệnh tình dai dẳng. Đây là một trong những bức tự hoạ đặc tả nội tâm căng thẳng nhất trong nền mỹ thuật.

Bức tranh cho thấy sự khủng hoảng nội tâm của Van Gogh. Ánh nhìn nhọn sắc của ông khiến người xem ái ngại, nó không hướng ra bên ngoài mà xoáy vào bên trong. Năng lượng của bức tranh nằm ở đôi mắt được đặc tả đầy kịch tính. Nhịp đưa cọ bắt đầu từ khuôn mặt, lấy thêm năng lượng rồi đưa xuống phần áo khoác, vòng lên tóc, cuối cùng quét rộng ra nền xanh nhạt.

Màu xanh da trời và xanh lá cây là những tông màu lạnh, đặt bên cạnh màu hung đỏ của tóc và râu tạo ra sự đối chọi hoàn hảo, cho thấy nội tâm biến động dữ dội của tác giả. Người đàn ông này đang phải cố gắng kìm nén bản thân và vật lộn với những nỗi sợ vô hình. Bức tranh được vẽ trước khi Van Gogh chuyển tới Paris.

Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh


Bức tự họa này cũng được vẽ trước khi ông tới Paris với phong cách đậm chất truyền thống Hà Lan với các tông màu đất rất đặc trưng. Tác phẩm này mang nhiều ảnh hưởng của người thầy dạy vẽ Anton Mauve của Van Gogh với râu và tóc đặc biệt giống Mauve dù đây là một bức tự họa của Van Gogh.


Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh


Tới Paris, Van Gogh bị ảnh hưởng bởi hoạ sĩ Georges Seurat, người đã sáng tạo ra phong cách Pointillism. Seurat vẽ một bức tranh lớn từ những chấm nhỏ xíu, ông sử dụng các màu cơ bản chưa qua pha trộn, những chấm màu này sẽ hoà vào nhau, tạo nên tổng thể một bức tranh với các sắc màu huyền ảo. Tuy vậy, không có được sự kiên nhẫn và cách tính toán khoa học của Seurate nên thử nghiệm của Van Gogh với phong cách Pointillism tương đối vụng về, không thể hiện được tài năng thiên bẩm của ông - lột tả cảm xúc một cách tự nhiên bằng cách phối màu.


Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh



Bức tự hoạ này chịu ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng thể hiện qua cách sử dụng màu sắc và đưa cọ. Trường phái Ấn tượng luôn thể hiện màu sắc dưới ánh sáng tự nhiên bằng cách sử dụng những tông màu cơ bản mà ta vẫn thấy ở cầu vồng. Hoạ sĩ không dùng những màu pha như nâu, xám, hay đen trong tranh. Thay vào đó, họ tô nhiều lớp màu cơ bản lên nhau để tạo ra màu mong muốn trực tiếp trên vải vẽ. Ví dụ, chiếc áo của Van Gogh trong tranh được vẽ bởi hai lớp màu đỏ và xanh lá cây hoà trộn vào nhau. Một số mảng hoà trộn rất tự nhiên để tạo ra sắc nâu nhưng khi dùng các thiết bị hiển vi, người ta vẫn nhận ra được những nét cọ chồng lên nhau sử dụng các màu cơ bản để tạo ra màu pha. Sự hoà trộn này làm gia tăng sức sống cho bức tranh.

Sức sống trong phong cách vẽ của Van Gohh lại gia tăng sức biểu cảm của tranh. Cách đưa chổi của Van Gogh trong bức họa này giúp người xem cảm nhận được độ cứng của chiếc áo khoác và độ mềm của chiếc mũ.
Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh

Trong tác phẩm này, Van Gogh tạo được sự cân bằng giữa các gam màu và tiết chế năng lượng khi đưa cọ vẽ.

Cách phối màu đạt đến đỉnh cao. Màu ở phần mặt đặc trưng cho phong cách hiện thực thường thấy ở những bức chân dung. Cách đưa cọ tạo ra cảm giác bức tranh như một chùm pháo hoa đang nổ với các sắc đỏ, cam, vàng, trắng, tím, da trời và lá cây. Ông tiết chế năng lượng khi đưa cọ để kiểm soát nhịp điệu của các mảng màu, kích thước nét cọ và hướng đưa cọ. Chúng toả ra xung quanh với điểm khởi phát bắt đầu từ đôi mắt, lan dần ra và cuối cùng tạo thành một vầng xanh da trời và cam tỏa ra xung quanh đầu.

Tâm hồn bi thảm của Van Gogh qua những bức tranh



Bức tự hoạ với hình ảnh một bên tai bị băng kín này là một trong hai phiên bản rất nổi tiếng của Van Gogh.

Van Gogh từng mơ ước sẽ lập nên một xóm hoạ sĩ ở thành phố nơi ông sống – Arles, Pháp. Ông đã làm việc cùng một người bạn là họa sĩ Paul Gauguin để biến mơ ước đó thành hiện thực. Sau khi Gauguin chuyển tới Arles cùng Van Gogh, hai người dần nhận ra rằng tính cách của họ đối lập nhau và khó mà hoà hợp trong công việc. Họ thường cãi vã và sau mộ lần tranh luận nảy lửa, Van Gogh đã mất bình tĩnh rồi xông vào đánh Gauguin. Điều này dẫn tới sự hối hận và suy sụp sau này của Van Gogh, ông đã tự cắt một bên tai của mình.

Bức tranh này được vẽ trong hai tuần sau khi sự việc xảy ra, nó thể hiện sự bình thản sau một chấn động tâm lý mạnh. Ánh nhìn của ông trong tranh yên tĩnh và bình thản khi ông tự đối diện với chính mình. Đồng thời nó cũng cho thấy những hy vọng mới bắt đầu xuất hiện trong ông với những gam màu tươi sáng và cách vẽ, cách đưa chổi đơn giản hơn so với những bức trước đây. Một manh mối để ta hiểu được vì sao Van Gogh lại đến với phong cách vẽ trái ngược với những gì ông từng thể hiện trước đây chính là bức tranh khắc gỗ trên bức tường đằng sau ông.

Van Gogh phải vật lộn với chứng tâm thần khiến ông luôn ở những đỉnh cao cảm xúc không ngừng biến động. Dù bệnh tật khiến ông rơi vào những thời kỳ u tối, trầm cảm, và dẫn tới tự sát, nhưng nó cũng đem lại cho ông những giây phút thăng hoa của tột cùng cảm xúc, vẽ nên những tác phẩm độc đáo, dùng màu sắc để nói lên tâm trạng và cách lựa chọn phối màu để đạt tới độ tương phản, kịch tính nhất trong tranh. Người ta trân trọng tranh ông không chỉ vì tài năng của người vẽ ra chúng mà còn bởi sự trân trọng dành cho một con người đã phải trả giá bằng cả cuộc đời và sinh mạng để vẽ ra những tuyệt tác này.


Bức Starry Night truyền cảm hứng cho bài hát Starry Starry Night


Bức Starry Night truyền cảm hứng cho bài hát Starry Starry Night


Cuộc đời bi kịch của Van Gogh đã truyền cảm hứng cho bài hát nổi tiếng Starry Starry Night của Don McLean. Trong đó McLean đã kể lại những chương chính trong cuộc đời buồn của người họa sĩ bằng giai điệu nhẹ nhàng, thong thả nhưng buồn da diết.

Bài hát bắt đầu từ khung cửa sổ phòng riêng của Van Gogh trong bệnh viên tâm thần, ngồi trong phòng từ ngày này sang ngày khác, Van Gogh nhìn ra khoảng vườn nhỏ của bệnh viện, ra cánh đồng lúa phía xa và say sưa vẽ tranh.

Ông yêu cây cọ, yêu những bức tranh nhưng để thể hiện được tình yêu đó qua cây cọ, Van Gogh đã quá khổ sở. “Tôi yêu tranh, nhưng tranh không yêu tôi” và ông đành kết thúc cuộc đời bằng một cái chết đau đớn. Viên đạn xuyên qua ngực nhưng mãi hai ngày sau Van Gogh mới ra đi trong đau đớn tột cùng. Bài hát kết thúc bằng những lời da diết về cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của Van Gogh với chứng bệnh tâm thần tới những giây phút cuối trong cuộc đời.

 
Hồ Bích Ngọc
Theo Artyfactory