Sức hút của “Cây sáo thần”

(Dân trí) - Câu chuyện xoay quanh những mặt đối lập và thống nhất giữa cái thiện và cái ác, giữa thử thách khắc nghiệt của ý chí và sự hoang dại quyến rũ của đam mê. Có hơi hướng cổ tích nhưng “Cây sáo thần” ẩn chứa những thông điệp nhân bản, sâu sắc, không dành riêng cho dân tộc, cá nhân hay xã hội nào.

Mùa diễn nào cũng “cháy” vé

Tối 9 và 10/6, tại Nhà hát TP HCM khán giả nô nức đến với hai đêm diễn nhạc kịch “Cây sáo thần”. Bắt đầu được Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM (HBSO) dàn dựng đưa lên sân khấu từ 2013, năm nay đã là mùa diễn thứ 5 của nhạc kịch “Cây sáo thần”. Sức hút của vở diễn đã khiến khán phòng năm nào cũng chật kín khán giả, trong khi bản thân nhạc kịch của thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart không phải một tác phẩm dễ thưởng thức.

Nữ hoàng Đêm quyền lực.
Nữ hoàng Đêm quyền lực.

Vào cuối thế kỷ 18, “Hội Tam điểm” được xem là đại diện cho sự khai sáng và lý tưởng của tự do, công lý, bình đẳng, và tình huynh đệ nói chung. Và đây cũng là những tôn chỉ gốc rễ của Cách mạng Pháp. Trong sự ngầm định, “Hội Tam điểm” đã được xem với sự liên đới nhất định của các nhà chức trách trên khắp châu Âu. Nhạc kịch “Cây sáo thần” (tên gốc là Die zauberflote) được công diễn lần đầu tiên vào năm 1791, một nhà hát ở trung tâm Vienna, hai năm sau cuộc cách mạng Paris bùng nổ năm 1789.

Nghệ sĩ Đào Mác trong vai Papageno.
Nghệ sĩ Đào Mác trong vai Papageno.

Mang hơi hướng cổ tích, “Cây sáo thần” được thiên tài âm nhạc Mozart phát triển từ hài kịch cổ Đức, nói về câu chuyện tình yêu giữa chàng hoàng tử Tamino và nàng Tamina xinh đẹp. Kịch bản khai thác từ câu chuyện thần thoại với bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại vừa lãng mạn, vừa hoang dại, cổ kính. Hoàng tử Tamino trong một lần bị rắn thần săn đuổi đã được các thị nữ của Nữ hoàng Đêm tối cứu sống. Để trả ơn, chàng cùng với người săn chim Papageno tốt bụng đi cứu nàng Tamina - con gái của Nữ hoàng Đêm tối - đang bị bắt cóc bởi một thế lực đen tối ở vương quốc do Sarastro trị vì.

Câu chuyện xoay quanh những mặt đối lập và thống nhất giữa cái thiện và cái ác, giữa ngày và đêm, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đam mê và ý chí… Để đến được với Tình yêu, cả Tamino và Tamina đều phải trải qua rất nhiều những thử thách khắc nghiệt.

Tác phẩm quan trọng của thiên tài Mozart

“Cây sáo thần” là một trong các vở nhạc kịch được biểu diễn thường xuyên nhất trên thế giới ở rất nhiều quốc gia. Lần công diễn đầu tiên tại Việt Nam năm 2013, chương trình được dàn dựng và trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Na Uy Magnus Loddgard. Còn phiên bản các năm năm sau do đạo diễn người Đức David Hermann dàn dựng.

Hồi 2013, phân nửa số diễn viên của vở diễn là người Na-uy. Phiên bản 2018 được trình diễn hoàn toàn bởi các nghệ sĩ Việt Nam. Hai nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng với vai trò trợ lý của đạo diễn David Hermann đồng thời là biên đạo múa của vở diễn cho biết điều khó khăn nhất chính là ở chỗ Việt hóa cho vừa đủ. Toàn bộ phần hát bằng tiếng Đức được luyện tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện thanh nhạc –nghệ sĩ Askan Geisler; huấn luyện ngôn ngữ: Laura Lehnert Nguyen, Thanh - Nha Claudia; dàn dựng hợp xướng - nhạc trưởng Trần Nhật Minh.

Cảnh trong vở nhạc kịch Cây sáo thần.
Cảnh trong vở nhạc kịch Cây sáo thần.

Một nghệ sĩ khách mời đặc biệt đến từ Hongkong là Derek Anthony sẽ quay lại Sài Gòn và đảm nhận vai Sarastro. Ông đã luyện tập rất nhiều cho những đoạn thoại bằng tiếng Việt trong tác phẩm.

Nghệ sĩ Phạm Khánh Ngọc đảm nhận vai phản diện Nữ hoàng Đêm, một vai diễn vô cùng đặc biệt và cũng đã gắn với thành công của Phạm Khánh Ngọc mấy năm qua, góp phần giúp Khánh Ngọc tự tin khẳng định mình trên những “trường đua” quốc tế. Khán thính giả được gặp lại một trong số những nghệ sĩ giọng nam cao có chất lượng thuộc hàng đầu Việt Nam và hoàn toàn có thể sánh ngang với bạn bè quốc tế - nghệ sĩ Đào Mác trong vai Papageno, chàng trai làm nghề bẫy chim vô cùng hồn nhiên, đáng yêu.

Hoàng tử Tamino sẽ do nghệ sĩ Phạm Trang thể hiện và người yêu của chàng - Pamina sẽ do hai nghệ sĩ Phạm Duyên Huyền và Võ Thụy Ngọc Tuyền đảm nhận. Vở diễn lộng lẫy cố gắng hoàn thiện từ phục trang được nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà thiết kế Quỳnh Paris, động tác hình thể đến cả nhân tướng học của từng nhân vật phụ như ba thị nữ do Nguyễn Thị Thanh Nga, Lý Hoàng Kim, Phan Hồng Dịu thủ vai, hay ba thiên thần xinh đẹp được lột tả bởi Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Nguyễn Thị Duyên Quỳnh và Lâm Minh Ngọc.

Hoà Bình