Sức chịu đựng không giới hạn của phái nữ khi... làm đẹp

(Dân trí) - Lịch sử đã cho thấy, vì sắc đẹp, phụ nữ đã sẵn sàng chịu đựng đau đớn, thậm chí, sẵn sàng "trả giá" ví dụ như nuôi.. sán trong cơ thể để giảm cân!

Phụ nữ đã bất chấp đau đớn để có vẻ đẹp mình mong muốn từ thời cổ đại. Người Ai Cập cổ sử dụng kẻ mắt có chứa đồng và chì để tạo nên đôi mắt có màu tối. Người Hi Lạp và La Mã cổ bôi phân cá sấu lên mặt và trộn với nước tắm. Cho tới nay các chất dưỡng da làm từ chất thải động vật vẫn rất còn phổ biến, nhất là ở Nhật Bản. Trong lịch sử, vì sắc đẹp mà những người phụ nữ sẵn sàng chịu đựng những mùi khó chịu, thậm chí là tổn hại sâu sắc đến cơ thể.

Đội tóc giả cồng kềnh
 
Sức chịu đựng không giới hạn của phái nữ khi... làm đẹp

Các bộ tóc giả cồng kềnh trở nên đặc biệt phổ biến vào thế kỷ 19. Bộ tóc càng cầu kỳ thì người sử dụng càng trở nên ấn tượng. Người trong hoàng gia thường phô trương đẳng cấp của mình với những bộ quần áo màu sắc và bộ tóc hợp thời trang. Có thời điểm mà những bộ tóc không thể tự đứng vững, họ phải dùng mỡ lợn để cố định tóc. Những bộ tóc giả như vậy được gắn liền với tóc thật và đội trong nhiều tuần liền. Mỡ lợn không được gột rửa và trở thành miếng mồi ngon cho loài gặm nhắm nguy hiểm. Một số phụ nữ ngủ với lồng sắt xung quanh bộ tóc để ngăn chặn lũ chuột. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một chiếc lồng dành riêng cho tóc của mình. Chuột thường đột nhập và làm tổ trong các bộ tóc giả như vậy. Ở Pháp, đầu thế kỷ 19, tóc giả của đàn ông trở nên phức tạp hơn phụ nữ rất nhiều. Tới cuối những năm 1800, phụ nữ có những bộ tóc cao hơn 30cm so với da đầu của họ. Độ cao này đôi khi gây sưng ở khu vực thái dương.

Nuôi giun sán trong bụng
 
Sức chịu đựng không giới hạn của phái nữ khi... làm đẹp

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người quảng cáo về loại thuốc có chứa trứng sán. Chúng sẽ tiêu hóa những gì vật chủ ăn vào và khiến vật chủ sụt cân. Sán có thể dài tới 10m và gây những vấn đề sức khỏe như đau đầu và rối loạn tâm thần. Tiêu chảy và nôn mửa cũng là những triệu chứng thường gặp. Một loại thuốc được sử dụng để tống sán ra ngoài, nhưng quá trình này phức tạp hơn tưởng tượng nhiều.Trên thực tế, cách giảm cân bằng sán là một bí ẩn và vẫn đang được tranh luận vào thời nay. Các quảng cáo khi đó là có thật, nhưng không ai có thể xác định chính xác thành phần của viên thuốc. Gần đây, có một số trang web đã khuyến khích sử dụng sán để giảm cân. Một con sán không thể làm nên sự khác biệt, nhưng bản thân nó có thể sinh sản trong cơ thể, dẫn tới việc giảm cân, đi kèm là các vấn đề sức khỏe.

Bôi kem nền làm từ chì
 
Sức chịu đựng không giới hạn của phái nữ khi... làm đẹp

Lịch sử của kem nền bắt đầu từ thời Hi Lạp và La Mã cổ đại. Chì được sử dụng trong các đồ vật như ống nước và chai lọ. Nhiễm độc chì là căn bệnh rất phổ biến và góp phần lớn vào tỉ lệ sinh rất thấp khi đó. Tới thế kỉ 16, phụ nữ ở Anh thường trộn chì với giấm để tạo ra một thứ kem dưỡng da. Kết quả là một loại hợp chất màu trắng và đó được coi là đỉnh cao của sắc đẹp. Họ còn cho thêm lòng trắng trứng để tăng độ sáng bóng. Tới đầu thế kỷ 20, nhiều trẻ em Nhật và Trung Quốc vẫn thiệt mạng vì nuốt phải chì trong mỹ phẩm của mẹ chúng. Chì được hấp thụ qua da. Quá trình nhiễm độc có thể gây rụng tóc, sụt cân, đau đớn, tổn thương não, các cơ quan nội tạng, liệt và nhiều hội chứng khác. Khi được dùng làm kem nền, chì có thể gây nhăn và sẹo da. Trong lịch sử, việc này được chữa bằng cách đắp thêm nhiều lớp kem độc hại nhằm che phủ những tổn thương ở da.

Chiết xuất cà độc dược
 
Sức chịu đựng không giới hạn của phái nữ khi... làm đẹp

Đúng như tên gọi, cà độc dược (Atropos belladonna) có độc tính rất cao. Trong thần thoại Hi Lạp, Atropos là một trong 3 chị em số mệnh - người cắt đứt sợi dây sinh mệnh. Cà độc dược được sử dụng như chất gây ảo giác và chất độc, đồng thời cũng là một loại thuốc. Nó  cũng được dùng làm thuốc nhỏ mắt nhờ hiệu ứng làm giãn đồng tử. Cà độc dược  chứa một chất gây giãn cơ tự nhiên khiến phụ nữ rất yêu thích. Cùng với đó cái tên "Belladonna" bắt nguồn từ những người phụ nữ thời Phục Hưng. Thời đó, đồng tử lớn được coi là rất cuốn hút, nhưng cái giá để có được đồng tử lớn là khá đắt. Cà độc dược làm tăng nhịp tim và gây mờ mắt. Người sử dụng quá nhiều sẽ bị mù. Nhiều mỹ phẩm thời đó cũng có tác dụng tương tự. Năm 1933, mi giả và màu mắt của Lash Lure gây ra 15 trường hợp mù vĩnh viễn. Sản phẩm này chứa lượng paraphenylenediamine cao gấp 30 lần cho phép.

Mặc áo nịt bóp eo
Sức chịu đựng không giới hạn của phái nữ khi... làm đẹp

Corset (coóc-xê, áo lót) là trang phục có thể được buộc chặt để tạo dáng cho lồng ngực phụ nữ. Đường eo 33cm chưa bao giờ là điều phổ biến, nhưng phụ nữ khi đó đã sử dụng corset để siết chặt cơ thể họ và gây ra những tác dụng không tốt đến cơ thể. Áp lực lớn quanh cơ thể gây ra chứng táo bón và tổn thương nội tạng. Hơi thở ngắn do lồng ngực không căng hết cỡ cũng gây  hiện tượng chóng mặt và ngất. Cơ bắp ở lưng người phụ nữ cũng bị yếu đi rất nhiều. Việc mặc corset vẫn diễn ra trong thời hiện đại. Việc bó eo được cho là sẽ giúp chỉnh sửa hình dáng cơ thể, làm bụng thon trong khi giữ đường các đường cong ở những khu vực khác. Một số người khuyên phụ nữ nên kết hợp bó eo với chế độ ăn kiêng  để có hiệu quả cao nhất. Một số loại corset hiện đại có  thể bó cơ thể chặt tới mức gây vấn đề về thần kinh, đau bụng và hàng loạt triệu chứng nguy hiểm khác.

Phan Hạnh

Theo Toptenz