“Sóng gió” từ những chương trình truyền hình “bán sóng”

(Dân trí) - Có thể, đã là “luật bất thành văn”, trong những câu chuyện về scandal liên quan đến truyền hình, khán giả sẽ vẫn luôn là những người chịu tổn thương nhiều nhất?

Khi truyền hình bước vào xã hội hóa, những chương trình giải trí ồ ạt lên sóng dưới đủ mọi hình thức “thực tế” khác nhau, kéo theo “rating” (chỉ số người xem) và doanh thu quảng cáo tăng vọt. Vì những doanh thu quảng cáo “khủng” có được, nhiều “giờ vàng” trên các kênh sóng truyền hình đã được “bán” cho các doanh nghiệp. Những “ông trùm” như Cát Tiên Sa, BHD… đã “làm mưa làm gió” trên khắp các kênh sóng “xã hội hóa” suốt nhiều năm nay với hàng loạt các chương trình giải trí. Hệ lụy để lại đằng sau là những scandal, những tai tiếng, những nghi án ăn cắp bản quyền… mà không có bất kỳ ai đứng ra nhận trách nhiệm, đứng ra nói lời xin lỗi khán giả- khi những “lùm xùm” xảy ra.

Mới đây nhất, đối tác của VTV- doanh nghiệp đứng ra sản xuất các chương trình “Quà tặng cuộc sống”, “Danh ngôn cuộc sống”… đã bị một họa sĩ “tố” ăn cắp bản quyền. Trước đó, đơn vị này đã từng gây bức xúc dư luận với đoạn phim “Nhặt xương cho thầy” đăng đúng dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Điều đáng nói, khi bị “tố” ăn cắp bản quyền, đơn vị sản xuất “Quà tặng cuộc sống” đã tìm mọi cách “trốn tránh” dư luận, truyền thông. Không nghe điện thoại, từ chối mọi cáo buộc liên quan, đưa ra những bằng chứng thiếu xác thực… là cách mà đối tác VTV đang đối diện với truyền thông, dư luận.

Khán giả là những người chịu tổn thương nhiều nhất?
Chương trình "Quà tặng cuộc sống" một lần nữa lại gặp "sự cố" khi một họa sĩ tố cáo họ ăn cắp bản quyền

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những “lùm xùm” xung quanh những chương trình “hợp tác sản xuất” của VTV. Cũng không phải là lần đầu tiên, những bên liên quan tìm mọi cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm trước dư luận.

Tháng 9/2012, nghi án dàn dựng kết quả cuộc thi “Giọng hát Việt” (The Voice) từng gây chấn động dư luận. Một băng ghi âm với giọng nói của Giám đốc Âm nhạc Phương Uyên được đăng tải trên mạng với những lời lẽ “hồn nhiên” về việc cho thí sinh này “đi”, thí sinh kia “ở” đã làm rúng động cả giới showbiz. Vào thời điểm “nóng bỏng” nhất của scandal, cả phía đơn vị sản xuất (Cát Tiên Sa) và VTV đều im lặng. Sau nhiều lần trì hoãn, và trước sức ép của dư luận, truyền thông, phía Cát Tiên Sa đã tổ chức họp báo chỉ để tuyên bố… Phương Uyên sẽ vẫn là Giám đốc Âm nhạc của Giọng hát Việt 2012.

Đã có lời khẳng định, “không có scandal không phải là truyền hình thực tế”. Hàng loạt chương trình truyền hình “hợp tác sản xuất” đã “dính” scandal (thậm chí nhiều lần) trong quá trình phát sóng.

Scandal dàn xếp kết quả của chương trình Giọng hát Việt 2012 từng gây rúng động dư luận
Scandal dàn xếp kết quả của chương trình Giọng hát Việt 2012 từng gây rúng động dư luận

Bước nhảy hoàn vũ- một trong những chương trình có “rating” cao từng “dính” không ít scandal. Từ chuyện ca sĩ Minh Hằng “mượn giọng” của ca sĩ Lan Anh trong một tiết mục thi, đến chuyện ca sĩ Phương Thanh thẳng thắn “tố cáo” chương trình dàn xếp kết quả. Khi bị loại “ấm ức” tại Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) 2012, Phương Thanh ngay lập tức đã cho những chia sẻ trên báo chí về sự thiếu minh bạch trong kết quả của cuộc thi. Ca sĩ Phương Thanh cho rằng, “Theo tôi, sân chơi BNHV chỉ là ván cờ kéo rất dài giữa hai đại gia nhiều tiền: Ban tổ chức (BTC), nhà tài trợ và đại gia khán giả. Trong ván cờ này tôi chỉ là quân cờ thôi. (...) Có nên tồn tại những chương trình mà không rõ ràng trong việc công bố tin nhắn không? Cuối cùng khi công bố thì tin nhắn lại lệch hoàn toàn. Và khán giả có quyền đặt ra câu hỏi lần nữa. Không cần tôi phải tố thì mọi thứ cũng “lòi” hết ra rồi”.

Một số các chương trình truyền hình thực tế đều dính nghi án dàn xếp kết quả. Từ Chinh phục đỉnh cao, Viet Nam Next Top Model, Cuộc đua kỳ thú, Viet Nam Idol… đều song hành với những scandal với đủ các “hình thức” gây ồn ào khác nhau từ dàn xếp kết quả, phát ngôn của ban giám khảo, chuyện “chành chọe” giữa các thí sinh, giữa thí sinh và ban giám khảo…

Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về những ồn ào, những “lùm xùm” xung quanh những chương trình “bán sóng” của truyền hình? Đơn cử ngay chuyện “Quà tặng cuộc sống” đang dính nghi án ăn cắp bản quyền- ai sẽ là người trả lời cho khán giả về câu chuyện “Ba tôi” là sản phẩm sáng tác, hay ăn cắp?

Thường lệ, báo chí và dư luận sẽ mải miết, “vật vã” liên hệ với các bên liên quan để lấy ý kiến, nhưng chỉ nhận được sự im lặng, sự từ chối. Rồi sau scandal, chương trình sẽ vẫn chạy đều, thậm chí còn thu hút hơn, rating cao hơn, quảng cáo nhiều hơn…

Có thể, đã là “luật bất thành văn”, trong những câu chuyện về scandal, khán giả sẽ vẫn luôn là những người chịu tổn thương nhiều nhất?

H. Hoa

Email: Vanhoa@dantri.com.vn