Sách rác đang làm bẩn môi trường văn hóa đọc?

(Dân trí) - Đó là một trong những vấn đề đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm với chủ đề “Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - Thực trạng và Giải pháp”, do Hội xuất bản Việt Nam tổ chức vào sáng nay 21/1 ở TPHCM.

Sách bẩn, sách rác đang “hoành hành”

Trong bối cảnh đa dạng hóa các đầu sách như hiện nay, hoạt động xuất bản cũng được nhận định ngày càng sôi động, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những quyển sách sạch, sách hay được cho ra đời bởi những người chân chính, tâm huyết thì một thực trạng khác mang tên “sách rác, sách bẩn” cũng đang trở thành vấn đề gây bức xúc thời gian gần đây.

Chỉ trong vài tháng, nhiều quyển sách làm ô nhiễm môi trường văn hóa đọc đã xuất hiện liên tục dưới dạng sách giáo dục lịch sử, đạo đức, khoa học, tự điển… với nội dung biên soạn một cách cẩu thả, nhảm nhí, kiến thức và ngôn từ lệch lạc thậm chí là… phản cảm. Đáng nói, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng gần đây công luận mới phát hiện và trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn đọc chân chính.

Bàn về đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất trong thực trạng nguy hiểm nói trên, các đại biểu cũng đã nhấn mạnh sự quan ngại cũng như nỗi lo lắng đối với những bạn đọc ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nổi cộm trong khoảng thời gian gần đây là những quyển sách giáo dục lịch sử dành cho thiếu nhi nhưng lại kèm theo nhiều hình ảnh kém văn hóa, bạo lực và không ít phản cảm.

Nói về tác hại của những loại sách được gọi là sách rác, sách bẩn này, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam chỉ rõ: “Đó là tác hại về lâu dài, âm ỉ, ngấm dần, làm tha hóa con người, đặc biệt rất xấu với trẻ con, học sinh; làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với ngành nghề xuất bản nước nhà, gây khó khăn kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản làm ăn nghiêm túc, đồng thời tác động làm giảm uy tín của những nhà xuất bản chân chính”.

Năm 2014, hàng loạt sách rác tràn lan trên thị trường 
Năm 2014, hàng loạt sách rác tràn lan trên thị trường 

Vì đâu nên nỗi…

Đứng trước thực trạng đáng quan ngại nêu trên, không ít đại biểu tham gia tọa đàm đã thể hiện sự trăn trở và chỉ ra những nguyên nhân để cùng nhau thảo luận và lý giải cho nguồn gốc của những quyển sách rác, sách bẩn ngày càng tràn lan trên các kệ sách.

Hầu hết, các ý kiến đưa ra đều nhấn mạnh về năng lực và trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà xuất bản, điển hình là các cán bộ quản lý, biên tập viên - những con người trực tiếp làm nên các quyển sách trước khi cho ra đời và đến tay bạn đọc.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng không phủ nhận tình trạng buông lỏng về mặt thực hiện quy trình xuất bản cũng như các thủ tục pháp lý chưa chặt chẽ, đã tạo điều kiện cho những quyển sách xấu được cấp phép xuất bản và phát hành ra xã hội.

Một trong những “mấu chốt” khác cũng đã được các đại biểu thẳng thắng nêu ra trong buổi tọa đàm chính là có hay không sự manh nha hợp tác giữa các nhà xuất bản và đối tác liên kết. Theo đó, một số nhà xuất bản chỉ biết bán giấy phép thu tiền rồi phó mặc cho đối tác liên kết thao túng mà không cần quan tâm đến công tác biên tập, quản lý quy trình xuất bản!?

Ngoài những nguyên nhân chính được đưa ra phân tích, yếu tố về thị hiếu đọc, văn hóa đọc cũng đã được các đại biểu quan tâm nhắc đến. “Thị hiếu đọc, văn hóa đọc của người Việt Nam còn chưa cao. Đặc biệt, hiện nay một số bạn trẻ đang có xu hướng “nghiện” truyện ngôn tình Trung Quốc, gây lệch lạc đến sự phát triển giới tính, nhận thức cũng như tâm hồn người đọc”, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng cục Xuất bản - In - Phát hành phát biểu.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm diễn ra tại TPHCM, ngày 21/1/2015 (Ảnh: T.Hòa)
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm diễn ra tại TPHCM, ngày 21/1/2015 (Ảnh: T.Hòa)

Làm gì để ngăn sách rác, sách bẩn?

Với nhiều nguyên nhân được đưa ra phân tích sôi nổi, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm và cho ý kiến trong việc xây dựng một số giải pháp ngăn chặn tình trạng sách rác, sách bẩn xuất hiện tràn lan. Đa số các đề tài tham luận đều tập trung vào việc kiểm điểm từng cá nhân của nhà xuất bản. Song song đó , các nhà xuất bản cũng cần chú trọng xây dựng quy chế hoạt động nghiêm túc; đội ngũ quản lý và biên tập có năng lực, đạo đức và trách nhiệm cao.

Về phía cơ quan chủ quản, Cục xuất bản cần tăng cường đội ngũ quản lý chặt chẽ, xem xét việc quy hoạch các nhà xuất bản cũng như bổ sung các hình thức phạt cao hơn đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các cuộc hội thảo thường xuyên của Hội xuất bản cũng được đề xuất nhiều hơn nhằm hạn chế những vi phạm cũng như định hướng cho bạn đọc có sự lựa chọn tích cực trong văn hóa đọc. Tất nhiên, vai trò của chính bạn đọc cũng không nhỏ trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa đọc sạch, đẹp và không có sách rác, sách bẩn.

Theo số liệu từ Cục Xuất bản - In - Phát hành, năm 2014 cả nước xuất bản 25.000 cuốn sách với 361 triệu bản; 859 loại văn hóa phẩm với 28 triệu bản; tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 2.465 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, năm 2014 cũng được xem là một năm đáng buồn của “làng sách” khi nhiều quyển sách rác, sách bẩn đã được “vạch trần” bởi chính bạn đọc và truyền thông. Trong đó, có 43 nhà xuất bản và 306 xuất bản phẩm vi phạm (tăng gấp đôi so với con số 124 của năm 2013).

T.Hòa