Quảng Trị: Vùng quê lưu giữ nhiều sắc phong cổ thời nhà Nguyễn

(Dân trí) - Trải qua bao biến cố lịch sử cùng với những tác động xấu của thiên tai nhưng các thệ hệ người dân làng Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong vẫn lưu giữ các bản sắc phong của các triều vua Nguyễn hết sức cẩn thận. Những sắc phong này được xem là “báu vật” vô giá của tiền nhân truyền lại.

“Người còn, sắc phong còn…”

Vùng đất Quảng Trị là địa danh ngày xưa chúa Nguyễn Hoàng dừng chân lập nghiệp, mở rộng đất nước về phía Nam. Nơi đây cũng khá gần với kinh thành Huế nên hiện còn lưu lại nhiều dấu ấn về văn hóa. Qua hoạt động khảo cổ, bảo tồn văn hóa, các nhà chuyên môn phát hiện nhiều dòng họ tại địa phương còn sở hữu các văn bản, sắc phong được ban bố từ thời các triều vua nhà Nguyễn trị vì, nhưng hiếm có nơi nào lưu giữ được số lượng nhiều sắc phong như tại làng Trung Yên, Triệu Độ, huyện Triệu Phong, với 19 bản sắc phong được bảo quản dường như khá nguyên vẹn.

Đình làng Trung Yên là nơi thờ các vị tiền nhân, thần hoàng làng
Đình làng Trung Yên là nơi thờ các vị tiền nhân, thần hoàng làng

Được xem là một loại văn bản pháp quy chính thống thể hiện quyền lực của nhà nước phong kiến, các bản sắc phong được xem như bằng chứng của lịch sử mà làng Trung Yên may mắn giữ được đến tận ngày nay. Không chỉ có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, những bản sắc phong còn thể hiện đời sống tâm linh và dấu ấn văn hóa làng xã đậm nét.

Nhắc đến các sắc phong làng còn lưu giữ, cụ Trương Văn Thỉ (77 tuổi, làng Trung Yên, xã Triệu Độ) tự hào nói: “Đây là những tài liệu, văn bản có giá trị lịch sử và ý nghĩa rất to lớn của các bậc tiền nhân để lại. Các bản sắc phong được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, dù thời chiến tranh mưa bom bão đạn ác liệt là vậy nhưng làng vẫn quyết tâm giữ gìn bảo vệ đến cùng với suy nghĩ “người ở đâu vật ở đó, người còn thì sắc phong còn”. Các thế hệ con cháu sau này cũng sẽ giữ gìn những giá trị do cha ông để lại”.

Cụ Trương Văn Thỉ khấn trình các ngài trước khi mở sắc phong
Cụ Trương Văn Thỉ khấn trình các ngài trước khi mở sắc phong

Trước khi cho chúng tôi chiêm ngưỡng những bản sắc phong này, đại diện hội đồng trưởng các dòng tộc, hội chủ (trưởng làng) làm lễ dâng hương tại nhà thờ của làng với sự uy nghiêm, tôn kính. Những bản sắc phong được cuộn tròn để ở trong hộp gỗ và vẫn còn nguyên vẹn. Trên những bản sắc phong, các họa tiết Rồng, nét chữ vẫn khá rõ ràng.

Hiện nay, tại làng Trung Yên còn lưu giữ được 19 bản sắc phong từ thời vua Minh Mạng cho đến thời Khải Định. Trong đó, sắc phong lâu nhất là từ thời Minh Mạng (đời thứ 7 năm 1826) đến bây giờ đã được 191 năm. Trong 19 sắc phong này, đặc biệt trong thời vua Khải Định có ban sắc “Tiền khai khẩn” theo truyền thuyết các cụ cao niên trong làng kể lại, sắc này xác định vị trí cũng như sở hữu đất đai với ranh giới cụ thể tại thời điểm này để người dân sống ổn định không tranh chấp với các làng lân cận.

Bản sắc phong thời vua Minh Mạng được đánh giá là lâu đời nhất
Bản sắc phong thời vua Minh Mạng được đánh giá là lâu đời nhất

Những sắc phong còn lại chủ yếu nói về công lao các vị tiền bối, “thần hoàng”. Nội dung chính của các bản sắc phong này truyền đạt công đức của những vị được nhà vua sắc phong, cũng như yêu cầu các thế con cháu sau này cần phải thờ phụng và biết đến quê hương, nguồn cội, bảo vệ đất nước với mục đích chính là những vị thần được thờ tại đình “hộ quốc an dân” bảo vệ nhân dân. Đồng thời, dặn dò con cháu phải sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…

Cụ Trương Văn Thỉ cho biết: “Bao thế hệ dân làng vẫn luôn tôn thờ những bản sắc phong này, bởi ngoài ý nghĩa về giá trị tâm linh thì giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Như một chứng tích của lịch sử, những bản sắc phong của làng còn lưu giữ được đã ghi lại đầy đủ công lao, sự đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập địa” mở mang bờ cõi quê hương cũng như bảo vệ bình yên cho mọi người. Đây được xem là tài sản vô giá của làng không có gì đánh đổi được”.

Hiếm có nơi nào lưu giữ được nhiều sắc phong cổ như tại làng Trung Yên, đây được xem là báu vật quý giá của làng
Hiếm có nơi nào lưu giữ được nhiều sắc phong cổ như tại làng Trung Yên, đây được xem là báu vật quý giá của làng

Hằng năm người dân trong làng đều trang trọng tổ chức ngày giỗ chung của các vị có công của làng vào ngày 14-15/6 âm lịch. Tiếp đó, lễ “khai sắc” được thực hiện để đem sắc truyền bá lại cho con cháu biết được rằng thời tổ tiên ông bà đã mở đất xây dựng quê hương như thế nào để con cháu phải biết được mà giữ gìn, góp phần xây dựng quê hương.

Sau lễ chính tế, tại đình làng trước sự chứng kiến của các vị thần làng cũng sẽ tổ chức tôn vinh những con em địa phương học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài. Đồng thời, tôn vinh công đức của các vị đi trước để thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết hơn về truyền thống tốt đẹp của quê hương để con cháu noi theo. Nhờ vậy nên con cháu trong làng đều đỗ đạt cao, trở thành những văn nhân, học sỹ nổi tiếng cũng như thành công trên con đường sự nghiệp…

Trăn trở việc bảo tồn sắc phong cổ

Các bản sắc phong làng Trung Yên còn lưu giữ được là đặc biệt quý giá, nhưng qua thời gian, dưới sự tác động của khí hậu cũng phần nào bị hư hại. Trong đó, có những bức sắc phong có niên đại hơn 100 năm, càng khó khăn cho công tác bảo tồn nguyên dạng để giáo dục các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, 19 sắc phong của làng đều viết bằng chữ Hán, rất nhiều vị cao niên trong làng đã trăn trở để dịch thế nhưng do vốn từ hạn chế nên không hiểu hết nghĩa chủ yếu mới dừng ở phiên âm để đọc và đoán nghĩa nên chưa thể hiểu được hết ý của các bản sắc phong.

Việc giữ gìn sắc phong xuất phát từ lòng tri ân đối với các thế hệ đi trước và nhằm giáo dục con cháu
Việc giữ gìn sắc phong xuất phát từ lòng tri ân đối với các thế hệ đi trước và nhằm giáo dục con cháu

Nói về việc bảo quản, phát huy ý nghĩa của những sắc phong này, ông Trương Văn Bảo (70 tuổi, làng Trung Yên, xã Triệu Độ) bày tỏ: “Nguyện vọng của chúng tôi và cả người dân trong làng là mong các cấp chính quyền, các đơn vị chuyên môn quan tâm giúp đỡ làng lưu giữ cũng như biết được ý nghĩa của những bức sắc phong này để bà con hiểu được tổ tiên ông bà ngày xưa căn dặn lại điều gì cho con cháu để mọi người thực hiện theo”.

Ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho biết: Làng Trung Yên trong những năm qua là đơn vị dẫn đầu trong các mô hình, phong trào, cuộc vận động của địa phương. Đây cũng là mảnh đất sản sinh những người con ưu tú trên các lĩnh vực khác nhau. Có được điều trên chính là bởi người dân nơi đây luôn tâm niệm thực hiện theo lời dạy bảo, khuyên răn của các thế hệ đi trước thông qua các bức sắc phong cổ mà làng còn giữ được. Truyền thống tốt đẹp này được lưu giữ và truyền đạt qua nhiều thế hệ khác nhau. Chính quyền địa phương đánh giá cao việc lưu giữ và bảo vệ những bản sắc phong có niên đại cổ quý báu của địa phương. Mong rằng các ngành chức năng quan tâm trùng tu và có biện pháp bảo vệ để có thể giữ gìn những bức sắc phong này lâu dài về sau cho các thế hệ con cháu.

Đăng Đức