1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Kiên quyết loại bỏ hành vi khơi dậy lòng tham trong lễ hội”

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc có những hành vi làm khơi gợi lòng tham tiền của mọi người là sai bản chất truyền thống của lễ hội.

Tại Hội nghị tổng kết ngành văn hóa, thể thao và du lịch 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra sáng ngày 11/1 tại Hà Nội; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Bộ VH, TT&DL) phải làm kiên quyết để không để xảy ra hành vi thương mại hóa trong lễ hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sáng ngày 11/1/2018.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sáng ngày 11/1/2018.

“Kiên quyết không để xảy ra những thứ thương mại hóa, những hành vi khơi dậy lòng tham tiền của mọi người trong các lễ hội. Nó làm sai bản chất truyền thống của lễ hội. Chúng ta đã lưu ý câu chuyện bạo lực, nhưng năm nay đặc biệt phải lưu ý tới tất cả các hành động khơi dậy lòng tham về vật chất, từ tổ chức đánh bài bạc đến chia lộc…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đối với công tác quản lý lễ hội, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ VH, TT&DL tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, ngay từ bây giờ phải tiến hành kiểm tra, rà soát những “điểm nóng” lễ hội ở các địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp quản lý cho mùa Lễ hội 2018, xử lý kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội.

“Lễ hội còn rất nhiều bức xúc, tới đây phải nhìn thẳng và năm tới phải làm bằng được việc chấn chỉnh lễ hội. Hôm trước tôi nới với Bộ trưởng rồi, ngay dịp đầu xuân mới năm 2018 phải làm bằng được, mà không phải lúc đó mới kiểm tra mà yêu cầu kiểm tra ngay một vòng các nơi thường xảy ra sự cố. Phải chấn chỉnh bằng được việc này”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cần loại bỏ hình ảnh bạo lực, phản cảm trong lễ hội.
Phó Thủ tướng chỉ đạo cần loại bỏ hình ảnh bạo lực, phản cảm trong lễ hội.

Trước đó, cũng tại Hội nghị, khi đánh giá về công tác quản lý lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhận định, công tác quản lý lễ hội năm 2017 dù có nhiều chuyển biến, một số lễ đã chú trọng hình thức đầu tư nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở việc vẫn để xảy ra những vấn đề nhức nhối trong lễ hội như: yếu tố bạo lực, phản cảm…

Điển hình nhất trong mùa lễ hội năm 2017 là vụ một sư thầy ở chùa Hương tổ chức phát lộc gây ra tình trạng chen lấn phản cảm; việc phát ấn ở Đền Trần tuy đã có biện pháp giảm tải nhưng vẫn chưa khắc phục được việc tranh cướp ấn; lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để xảy ra sự cố trâu húc chết chủ…

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, một phần nguyên nhân của những hạn chế này là việc phân cấp quản lý chưa thật sự hợp lý, còn chồng chéo.

Cục Văn hóa cơ sở đề xuất giải pháp cho công tác quản lý năm 2018 là thực hiện rõ ràng hơn nữa trong phân cấp quản lý. Theo đó, những lễ hội văn hóa mang tính chất ngành, nghề, địa phương sẽ do Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Những lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, tổ chức lần đầu phải đăng ký xin phép Bộ VH, TT&DL; lễ hội tổ chức định kỳ phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Bên cạnh đó, bà Thu Hương cũng cho rằng việc cần thiết phải ban hành nội quy, nếp sống văn minh trong lễ hội; xây dựng triển khai phương án đảm bảo an toàn; quản lý nguồn thu từ hoạt động lễ hội; đẩy mạnh trách nhiệm, quyền của người tham gia lễ hội…

Tiếp nhận ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ sẽ tổ chức riêng một hội nghị tổng kết lễ hội để đưa ra những biện pháp cần thực hiện trong mùa Lễ hội Mậu Tuất 2018.

Nguyễn Hằng