Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes

(Dân trí) - Giàu có và nghèo khó đã đụng độ nhau trong bộ phim “Winter Sleep” (tạm dịch: Giấc ngủ mùa đông) của Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó, bản chất thật của con người bắt đầu bộc lộ. Bộ phim vừa đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2014.

Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes


Phim xoay quanh cuộc hôn nhân của người đàn ông giàu có Aydin. “Winter Sleep” lấy bối cảnh vùng núi Cappadocia - một thắng cảnh nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đạo diễn phim - Nuri Bilge Ceylan - đã khắc họa cuộc sống rất đặc trưng của người dân vùng núi Cappadocia: vừa mạnh mẽ vừa khắc nghiệt. Bộ phim được ví như “sự trầm tư của nhà văn Nga Chekhov”.

Nhân vật chính là Aydin (Haluk Bilginer), một người đàn ông giàu có, sở hữu nhiều đất đai, vừa từ giã sự nghiệp diễn xuất. Suốt cả sự nghiệp, Aydin đã ước mơ được hóa thân thành Chúa. Người đàn ông ấy có ngoại hình phù hợp nhưng nội tâm thì đầy khiếm khuyết, có lẽ vì vậy mà ông không có duyên với vai diễn này.

Khi từ giã sự nghiệp diễn xuất, Aydin mới có nhiều cơ hội để đối diện với chính mình và những khiếm khuyết của mình.

Aydin cho nông dân trong vùng thuê đất đai làm nông nghiệp, ông “cai trị” họ một cách nhẹ nhàng nhưng xa cách. Ông thể hiện đẳng cấp quý tộc, xa lánh tầng lớp lao động nghèo. Aydin coi mình như một “lãnh chúa nhân từ”, một nghệ sĩ ẩn dật.

Vì vậy, ông để quản gia, luật sư và chức sắc địa phương thực hiện những việc “thiếu nhân đức”, để mặc họ làm phận sự của mình, còn ông không nhúng tay vào.

Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes


Aydin không thuộc tuýp nhân vật phản diện. Ông giống với một nạn nhân hơn, một con người có phong thái quý tộc nhưng tâm hồn sai lạc, một con người tinh tế, học thức nhưng lại sống trong thế giới toàn những nông dân chân chất, ít học. Tuy vậy, người xem vẫn không dễ cảm thông với Aydin.

Người dân địa phương ghét Aydin. Vì vậy, khi thấy xe ông chạy qua, một cậu bé đã ném vụt hòn đá trúng cửa kính ô tô. Aydin suýt gặp tai nạn. Cha của đứa trẻ đã tự tay “giao nộp” con mình, cốt để Aydin nguôi giận và không bắt gia đình nghèo khó của anh phải trả tiền đền bù.

Người cha hay say xỉn, lại nghèo khó, đã vào tù nhiều lần. Anh ta dọa dẫm, quát nạt, buộc con phải xin lỗi, đồng thời nói nhiều lời bợ đỡ Aydin. Aydin thản nhiên, thích thú ngồi chứng kiến tất cả, cuối cùng, tỏ ra nhân từ khi đưa bàn tay mình ra cho đứa trẻ hôn.

Sau sự việc này, ông trở về nhà và cảm thấy khó chịu kỳ lạ. Nhưng không cho phép tâm trạng mình bị ảnh hưởng bởi những con người “tầm thường” như thế, Aydin trốn vào phòng riêng, tìm lại sự thư thái bằng công việc viết lách.

Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes


Sống trong gia đình, Aydin cũng không được mọi người yêu quý. Chị gái và vợ luôn lảng tránh ông. Vợ ông - Nihal (Melisa Sozen) - mải miết với các công việc từ thiện và đang có ý định ly hôn. Đối với vợ, Aydin là người đàn ông không thể chịu đựng được, “ích kỷ, hằn học, hay chế nhạo”.

Đáp lại tất cả mọi sự tấn công, chỉ trích của vợ, Aydin cười nhẹ nhàng đầy bao dung, độ lượng như một người cha đang kiên nhẫn trước cơn nóng giận của con.

Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes


Aydin thực tế là một người đàn ông luôn cáu bẳn và nghĩ mình ưu việt hơn người khác. Ông luôn đóng kịch, ngay cả với vợ, bằng cách tỏ ra ôn tồn, điềm đạm, quý tộc, nhân từ… Aydin luôn cư xử như thể mình là “hiện thân của Chúa”.

Trong khi Aydin luôn cố gắng tránh né, tách rời cuộc sống khá giả của mình với cuộc sống của những người nông dân nghèo khó, luôn lấm lem bụi đất, đang thiếu nợ tiền thuê đất, thì vợ ông - Nihal - lại âm thầm giúp đỡ người dân trong vùng. Khi phát hiện ra những gì Nihal đã làm, ông ép cô phải từ bỏ.

Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes


Aydin và Nihal xung đột bằng những trường đoạn đối thoại, qua đó, họ bộc lộ tính cách, nội tâm. Đây vừa là điểm mạnh cũng là điểm yếu của phim, vừa là đất để diễn viên thể hiện, nhưng cũng dễ khiến khán giả “buồn ngủ”.

Aydin và Nihal không cãi nhau to, họ chỉ… cãi nhau vặt, đay nghiến, chì triết lẫn nhau. Aydin từng là một diễn viên nên ngay trong chính cuộc sống của mình, ông ta cũng giỏi đóng kịch.

Là một ông chồng, một nhà văn, một nhà triết học, một địa chủ, một chủ khách sạn…, Aydin mang những bộ mặt khác nhau với những thái độ và cử chỉ khác nhau khi đảm nhiệm từng vai trò. Nhân vật này thay đổi qua từng cảnh.

Trong phim, khung cảnh thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải mạch cảm xúc, mạch vận động của phim. Những cảnh quay rộng ghi lại vẻ đẹp siêu thực của những dãy núi khổng lồ, những thảm cỏ trải dài, những ngôi nhà nằm trong lòng núi ở Capadocia… tựa như một xứ sở thần tiên cổ tích.

Phim về thói đạo đức giả của Thổ Nhĩ Kỳ được vinh danh tại Cannes


Khi phim mới bắt đầu, người ta thấy sương mù xuất hiện. Khi phim đi vào mạch chính, người ta thấy tuyết đổ. Chính khi tuyết đổ, các nhân vật chỉ còn cách trú ẩn trong nhà và bất đồng, xung đột bắt đầu nổ ra.

Lúc này, ngôi nhà không giúp họ ấm áp hơn, ngược lại nó như một chốn ngục tù người ta không thể chốn chạy.

Phim dài 196 phút đòi hỏi người xem phải là người yêu điện ảnh thực sự. Khi cảnh quay cuối cùng khép lại, khán giả sẽ cảm thấy “bõ công”.

Đạo diễn phim - Nuri Bilge Ceylan - là một đạo diễn kỳ lạ, ông bắt đầu làm phim từ năm 1995. Trong gần 2 thập kỷ, ông chỉ làm 8 phim, nhưng phim của ông được đánh giá rất cao, cả trong nước lẫn quốc tế.

Nhận xét về phim, tờ


Nhận xét về phim, tờ Hollywood Reporter (Mỹ) cho rằng “nếu Chekhov còn sống và ấp ủ thực hiện một bộ phim điện ảnh, Winter Sleep hẳn chính là bộ phim Chekhov muốn thực hiện”. Tờ Guardian (Anh) đánh giá bộ phim là một tác phẩm “tuyệt vời”, đã khai thác một cách nghiêm túc và tinh tế diễn biến tâm lý nhân vật.


Bích Ngọc
Tổng hợp