Phim “ngàn tập”- nỗi “ám ảnh” mới của phim truyền hình Việt?

(Dân trí) - Kể từ làn sóng Hàn Quốc, từ những phim dã sử dán mác Trung Quốc... Đến bây giờ, sức hút của phim ngoại nhập vẫn là nỗi “ám ảnh” của các nhà làm phim Việt?!

1.“Làn sóng” Hàn Quốc với sự đổ bộ rầm rộ trên khắp các kênh sóng ở Việt Nam từng là nỗi “ám ảnh” lớn của các nhà làm phim nội. Thời ấy, khán giả Việt “nghiện” phim Hàn. Ở bất cứ đâu, người ta cũng ngồi bàn tán về nội dung một bộ phim Hàn Quốc dài tập đang “nghiền ngẫm”. Ở bất cứ lứa tuổi nào, người ta cũng có thể “buôn” chuyện hàng giờ về Song Hye Kyo, Bae Yong Joon, Ahn Jae Wook, Jang Dong Gun, Kim Nam Joo…. Người ta đua nhau treo ảnh các diễn viên Hàn Quốc, “săn tìm” các DVD phim bộ mới của Hàn Quốc, thậm chí, để tóc theo kiểu diễn viên Hàn, dùng mỹ phẩm Hàn, ăn đồ ăn Hàn, mặc theo thời trang Hàn… Thực tế, Hàn Quốc đã có một cuộc “xâm lăng văn hóa” rầm rộ ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Làn sóng Hàn Quốc từng có thời làm mưa làm gió ở Việt Nam
"Làn sóng" Hàn Quốc từng có thời "làm mưa làm gió" ở Việt Nam

Cùng với Hàn Quốc, những bộ phim dã sử Trung Quốc cũng từng là một sự “ám ảnh”. Những cuộc đổ bộ “ồn ào” của Thủy hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Tây Thi, Võ Tắc Thiên… khiến người ta từng lo ngại, khán giả Việt thuộc sử Trung Quốc hơn cả sử Việt.

Đến Nhật Bản cũng từng mang đến cho khán giả Việt những… “làn sóng” với phim truyền hình dài tập như: Oshin hay Chuyện nữ tiếp viên hàng không…

Bây giờ, đến “Cô dâu 8 tuổi” và những dự án phim “ngàn tập” đến từ Ấn Độ đang có nguy cơ “báo động” một trào lưu phim ngoại mới, một làn sóng văn hóa mới đang “đổ bộ” truyền hình Việt. Nhiều khán giả Việt đang xôn xao bàn tán về những câu chuyện mới đến từ “Cô dâu 8 tuổi”, những câu chuyện đến từ Bollywood- nơi nổi tiếng với những dự án phim dài dằng dặc, những câu chuyện có đặc thù xã hội và văn hóa rất riêng, không kém Hàn Quốc hay Trung Quốc.

2. Chia sẻ về việc phim Việt bị phim ngoại “tấn công” trên các kênh sóng, bà Nguyễn Thị Thu Huệ- Phó trưởng ban Thư ký Đài truyền hình VN cho biết “Ta cần nhắc thêm về phim TVB, Đài Loan, Thái Lan nữa cũng được nhiều khán giả rất mê, đặc biệt là dòng phim Hình sự, tình cảm của TVB. Gần đây mọi người quan tâm đến phim Ấn độ, chắc do độ dài vài nghìn tập chứ không hẳn nhiều người thích phim này. Trước đây có Đời sống chợ đêm gần 1 nghìn tập, đã khiếp, nay có phim gần 2000 tập thì phải lao xao rồi".

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ- Phó trưởng ban Thư ký Đài truyền hình VN
Bà Nguyễn Thị Thu Huệ- Phó trưởng ban Thư ký Đài truyền hình VN

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huệ, "Mỗi một đất nước có nền chính trị và văn hóa phong tục tập quán khác nhau, và phim truyền hình cũng phần nào phản ánh khía cạnh đó. Hỏi chúng ta có làm được những phim hình sự gay cấn xã hội đen như TVB không, tôi nghĩ là làm được hết, nhưng đời sống xã hội và hoạt động của công an Việt Nam khác Hồng Kong nên mọi chuyện chúng ta chỉ khai thác có chừng mực, phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế kiểm duyệt phim của chính phủ Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định, “Tôi luôn tôn trọng ý thích của mỗi người nên việc các Kênh phim của các Đài TH chọn phim phát sóng càng phong phú càng tốt để người xem có thêm những chọn lựa. Và cũng không phải thế mà phim Việt mất khán giả đâu.

Về việc liệu phim Việt có bị tấn công hay không, tôi nghĩ là không, với thực tế là có rất nhiều khung phim Việt Nam mới trên sóng nhiều Đài lớn trên cả nước, điều đó chứng tỏ người Việt vẫn đón nhận phim Việt".

3. Với đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh khi trao đổi về phim truyền hình Việt trước sức ép của các dòng phim ngoại nhập, các “cơn sốt” màn ảnh đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Đạo diễn Trọng Trinh cho biết “Tất nhiên, khi các phim truyền hình ngoại nhập có được sức hút với khán giả Việt- những nhà làm phim như chúng tôi phải chịu những sức ép nhất định. Nhiều năm nay, phim truyền hình Việt đã rất nỗ lực, cố gắng để có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Hiện tại, phim truyền hình Việt cũng đã có giờ chiếu riêng để phục vụ khán giả. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực từng ngày để phim Việt trở thành món ăn tinh thần được yêu thích với khán giả Việt”.

Phim Việt và nỗ lực tìm hướng tiếp cận khán giả
Phim Việt và nỗ lực tìm hướng tiếp cận khán giả

Theo đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh, những năm qua, trước sự tấn công ồ ạt của các dòng phim ngoại nhập, các nhà làm phim Việt phải thực sự suy nghĩ để tìm ra hướng đi riêng, trong đó, có cả sự học hỏi về cách làm cũng như cách tiếp cận đề tài của các nhà làm phim ngoại- để phim truyền hình Việt có thể đến gần hơn với khán giả Việt.

“Đã đến lúc, phim truyền hình không phải là sự mô phỏng một cách hình thức, mô phạm, và khô cứng các đề tài xã hội nữa. Chúng tôi đã phải học hỏi từ các nhà làm phim Hàn Quốc cách tiếp cận đề tài, cách làm phim… để mỗi bộ phim trở thành một câu chuyện chân thực, gần gũi, như thể bước ra từ đời sống hàng ngày. Chỉ những câu chuyện chân thực như thế mới có được sức hút với khán giả”- đạo diễn Trọng Trinh cho biết.

Đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh 
Đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh 

Lấy đơn cử từ chính VFC- Trung tâm sản xuất phim truyền hình, nhiều năm nay đã tiếp cận cách làm phim của Hàn Quốc để có những dự án phim lãng mạn, mềm mại, gần gũi với khán giả. VFC cũng đã có những dự án phim hợp tác với Hàn Quốc, ví dụ như bộ phim“Tuổi thanh xuân” gần đây đã có được sức hút nhất định với khán giả trẻ.

Nói như đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh, “Chúng tôi tự biết rằng, trước sự phát triển không ngừng của phim truyền hình thế giới, chúng tôi không thể dậm chân tại chỗ”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huệ- Phó trưởng ban Thư ký Đài truyền hình Việt Nam “Không phải vì phim Ấn đang thế chỗ phim Hàn, và chiếm sóng dài miên man khiến các nhà làm phim Việt mới nghĩ đến những bước chuyển mình, đầu tư hay học hỏi, mà tự thân những người làm phim Việt luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua chính mình để đáp ứng như cầu càng cao của người xem, từ nội dung đến hình thức thể hiện, hình ảnh, âm thanh…

Khán giả đón nhận những bộ phim lên sóng thời gian qua trên VTV khai thác những đề tài đa dạng, chất lượng hình ảnh đẹp và bối cảnh bung ra khắp mọi miền của đất nước. Bên cạnh dòng phim chính luận là sở trường của VTV1 thì những bộ phim như Bí mật tam giác vàng, Dấu chân du mục, Sóng ngầm, Đam mê nghiệt ngã, ...luôn hút khán giả. Trong thời gian tới, một số bộ phim được đầu tư khá lớn sẽ lên sóng, hứa hẹn được khán giả đón nhận như: Người đứng trong gió ( tâm lý xã hội) Ánh sáng trước mặt ( Thời kỳ 1946 -1954) Nguyệt thực ( làm báo thời hiện đại) Quỷ Ám…”.

H.H