Hà Tĩnh:

Phát hiện sắc phong quý hiếm từ thời nhà Lê

(Dân trí) - Sáng 22/5, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan chức năng vừa phát hiện một đạo sắc phong bằng văn tự Hán Nôm còn nguyên vẹn tại dòng họ Phan Văn thuộc thôn Trẫm Bàng, xã Đức Lập (Đức Thọ) lưu giữ.

Đạo sắc phong bằng văn tự Hán Nôm quý hiếm thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1784).

Tấm sắc phong có kích thước dài 2.10m, rộng 0.50m, được viết bằng chữ Hán cổ trên giấy gió dày với nét chữ màu đen đậm, rõ và sắc nét, giấy màu vàng đậm, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng, chữ triện, chấm tròn màu trắng, xung quanh được viền bằng các họa tiết hình vạch kẻ song song liền nhau.

Đạo sắc phong vừa được phát hiện
Đạo sắc phong vừa được phát hiện

Mặt trước sắc phong, ghi niên hiệu vua ban có dấu triện đỏ hình vuông.

Phần còn lại ghi nội dung sắc phong bao gồm: Tên, chức vụ, công lao và địa danh của người được ban sắc. Mặt sau trang trí các họa tiết hoa văn hình rồng, phượng được điểm xuyến các hình mây cách điệu…

Qua tìm hiểu ban đầu, nội dung sắc phong cho một danh tướng người họ Phan là Phan Hằng, người ở xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), chỉ huy đội thủy binh trong lực lượng ưu binh bảo vệ phủ chúa, lập được công trạng nên được phong làm Thiên hộ phấn lực tướng quân dưới triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Sắc đề ngày 26/02/1784, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 14.


Sắc phong được bảo quản cẩn thận trong hòm sắc được sơn son thếp vàng có niên đại hơn 200 năm như là một báu vật của dòng họ Phan Văn.

Sắc phong được bảo quản cẩn thận trong hòm sắc được sơn son thếp vàng có niên đại hơn 200 năm như là một báu vật của dòng họ Phan Văn.

Việc phát hiện được đạo sắc phong cổ quý hiếm thời Lê nói trên giúp các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa tìm hiểu thêm về sự khác biệt các họa tiết hoa văn trang trí trên các đạo sắc phong cổ và sự thay đổi các địa danh hành chính làng xã, huyện, tỉnh...

Hà Phương