Phan Thị Thanh Nhàn: Nỗi niềm ai tỏ?

Ngày tận thế 21-12-2012, tôi không được xem truyền hình. Em Quản Duy Ngân Hà, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ TT&TT nhắn tin cho tôi, chương trình biển đảo của VTV1 vừa phát, có đọc bài thơ Chị Võ Thị Sáu của tôi, nhưng lại giới thiệu tác giả là nhà thơ Tố Hữu !

Rất may là vừa qua, đi công tác miền Nam.Q.D.Ngân Hà có thăm nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu ở Bà Rịa Vũng Tàu và chụp bức ảnh bài thơ này của tôi, với tên tác giả Phan Thị Thanh Nhàn rõ ràng, treo long trọng trên tường của Nhà lưu niệm. Đây là lần thứ hai tôi bị một chương trình của đài truyền hình phát rộng rãi trong cả nước và rất có uy tín, là Đài Truyền hình Hà Nội, và lần này là VTV1 công bố sai tên bài thơ của tôi thành ra của nhà thơ Tố Hữu! Lần trước, trong chương trình “Chơi chữ”, T.H.HN đố người chơi mấy câu thơ: “Người con gái trẻ măng- Giặc đem ra bãi bắn- Đi giữa hai hàng lính -Vẫn ung dung mỉm cười” là của nhà thơ nào? Bạn chơi không trả lời được, đáp án của đài là: “Nhà thơ Tố Hữu”! Tôi cũng thích nhiều chương trình của đài THHN nên hôm đó có xem, và đã lập tức gọi điện thoại cho chương trình để nhắc họ đính chính giúp. Người phụ trách nói, phải xem lại điều tôi nói có đúng không rồi mới đính chính được, tôi phải đợi ít nhất là tới ngày mai.Ngày mai,em làm chương trình này lại gọi điện, mong tôi thông cảm và vui lòng tham gia vào ban cố vấn của chương trình “Chơi chữ”. Bạn ấy gửi cho tôi mấy câu hỏi và nói, có thể đài sẽ đính chính trong chương trình này tuần tới. Nhưng tuần ấy, rồi tuần nữa, và tuần nữa, không thấy đính chính, cũng thôi không mời tôi làm cố vấn nữa, hỏi thì bạn ấy bảo bạn ấy đã chuyển sang chương trình khác rồi! Tôi hỏi thêm, thì được trả lời là nếu đính chính thì mất uy tín quá, mong tôi thông cảm!

Vốn dễ thông cảm, tôi cũng bỏ qua, mặc dù đã dọa bạn đó là tôi sẽ viết một bài báo về chuyện này.Và tôi đã viết, song nghĩ cũng tội, bạn đó còn trẻ, mình làm to chuyện, chỉ khổ cô bé này thôi.( Mặc dù mời tôi làm.. cố vấn cho hai chương trình Chơi chữ, và có dùng các tài liệu của tôi cung cấp, mà đài THHN không hề gửi 1 xu nhuận bút nào!-Nhân thể, tôi nói cho vui!).
 
Phan Thị Thanh Nhàn: Nỗi niềm ai tỏ?


Phan Thị Thanh Nhàn: Nỗi niềm ai tỏ?

Bài thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được lưu giữ tại Bảo tàng tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu ở Bà Rịa- Vũng Tàu.
 
Lần này, VTV1- Đài truyền hình chính thức của cả nước, lại thản nhiên công bố bài thơ tôi viết năm 1976, khi lần đầu ra thăm Côn Đảo sau ngày giải phóng, đã viết bài thơ “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” hơi dài kể chuyện Chị Võ Thị Sáu đã anh dũng hy sinh và được bà con và cả lính Sài Gòn trên đảo yêu quí kính trọng ra sao. Nhà xuất bản giáo dục đã lấy đoạn đầu của bài thơ, với cái tít là “Chị Võ Thị Sáu" và đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học từ rất lâu rồi với tên tác giả là tôi- Phan Thị Thanh Nhàn.
Tôi cũng lại định bỏ qua, vì theo nhiều bạn cho biết, thì các bạn và con cái các bạn đã từ mấy chục năm nay thuộc lòng bài “Ngừơi con gái trẻ măng”.. trong sách giáo khoa với tên tác giả, là PTTN. Nhưng rồi, cũng có bạn khuyên tôi nên làm rõ, kẻo sau này, con cháu chúng ta, căn cứ vào các đài truyền hình tên tuổi trong cả nước, sẽ đổi lại tên tác giả bài thơ là TỐ HỮU thì oan cho ông, vì bài này khác hẳn giọng điệu thơ Tố Hữu.

Cách đây khoảng 1 tháng, tôi có bài trên facebook của mình, than phiền về việc Phó giáo sư –tiến sỹ Nguyễn Thị Ly Kha, trong một hội thảo, đã chính thức nêu tên tác giả bài thơ “Nàng tiên Ốc” là nhà thơ Xuân Quỳnh, mà trong sách giáo khoa bậc tiểu học, thì bài này rõ ràng là của tôi-PTTN. Và Dân Trí Online đã đưa ngay tin này lên mạng của báo khiến chị NTLK lập tức có thư xin lỗi tôi gửi đến mạng Vanvn.net của Hội nhà văn VN. Chị có hỏi tôi cách để gửi bài xin lỗi đến Dân Trí, nhưng tôi cũng không rõ nên nói chị tự tìm giúp! Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, mặc dù là mạng đầu tiên nêu sai sót của tiến sỹ NTLK nhưng vẫn chưa được chị công khai gửi thư xin lỗi. (Rất cảm ơn Dân Trí đã có lần giúp tôi đính chính lại tên tác giả bị làm sai, lần này, tôi hy vọng Dân Trí lại ra tay giúp đỡ một người làm thơ đã hơi nhiều lần bị mất thơ vào tay các nhà thơ khác, dù các nhà thơ ấy đều không biết và không muốn. Trân trọng cảm ơn)
 
Hà Nội 22-12-2012( Sau ngày tận thế).