Nuôi dạy con là vun đắp những ước mơ (kỳ 4)

(Dân trí) - Những đứa trẻ dám ước mơ sẽ đạt được ước mơ đó. Thực chất của việc nuôi dạy con thông minh chính là vun đắp những ước mơ. Những đứa trẻ có ước mơ lớn lao sẽ đạt được nhiều điều vĩ đại trong tương lai.

Tại sao chúng ta phải học?

Sẽ có lúc con đột nhiên hỏi bạn: “Tại sao con phải học?”. Nếu bạn trả lời: “Học hành tốt cho bản thân con. Con phải học để có thể vượt qua các kỳ thi tuyển và để xin được việc làm” thì con bạn chắc chắn sẽ không cảm thấy được thuyết phục. Vậy cha mẹ nên trả lời thế nào?

Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể trả lời như sau: “Khi đến tuổi trưởng thành, người ta phải tìm một công việc để trở nên có ích cho xã hội. Trẻ ngoan là trẻ biết cố gắng làm cho người khác hạnh phúc và sống có ích. Bây giờ con phải học để sau này trở thành người hữu ích và có thể cống hiến cho xã hội”.

Nuôi dạy con là vun đắp những ước mơ (kỳ 4) - 1

Một ví dụ thú vị trong việc giáo dục con trong cộng đồng Do Thái: Trong những lời cầu nguyện hàng ngày, một đứa trẻ Do Thái từ hai đến ba tuổi đã bắt đầu hứa rằng chúng sẽ cố gắng cải thiện bản thân và thế giới xung quanh. Điều này khiến trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc học hành chăm chỉ.

Khi lên bốn tuổi, trẻ con Do Thái đã được dạy về tinh thần trách nhiệm: “Con có nghĩa vụ phải dùng kiến thức của mình để cải thiện thế giới xung quanh”. Tinh thần trách nhiệm về việc cải thiện thế giới xung quanh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học chính là nguồn động lực giúp cho nền giáo dục Do Thái thành công. Điều này giải thích tại sao có nhiều người Do Thái giành được giải Nobel đến thế.

Cộng đồng Do Thái rất coi trọng giáo dục. Tuy nhiên, không giống với Nhật Bản, giáo dục đối với người Do Thái không chỉ nhằm giúp con vào được các ngôi trường danh tiếng, các công ty lớn hoặc các tổ chức chính phủ sau khi tốt nghiệp. Ở Nhật có một khuynh hướng khá mạnh mẽ cho rằng học chỉ đơn thuần là một công cụ để ổn định cuộc sống mà thôi. Khi nhìn vào các số liệu thống kê, chúng ta có thể thấy rõ người Nhật đang tạo nên một xã hội gồm những con người chỉ quan tâm đến việc sở hữu ngôi nhà của chính mình. Không mấy ai tỏ ra muốn cống hiến điều gì đó cho xã hội.

Khuynh hướng nỗ lực làm việc để có được một ngôi nhà của riêng mình, sống theo sở thích cá nhân và thụ hưởng những hoạt động giải trí bản thân yêu thích đã trở thành một điều hiển nhiên thông qua một loạt các số liệu thống kê. Rõ ràng điều này sẽ không làm cho xã hội Nhật Bản phát triển hơn và đây chính là sự thất bại của nền giáo dục Nhật Bản. Chúng ta cần phải dạy dỗ con ngay từ khi con vừa lên ba, lên bốn, dạy cho con hiểu ý nghĩa của việc học, không ngừng gợi mở, nhắc nhở để con nhận thức được vai trò của bản thân trong việc đóng góp và cống hiến cho xã hội.

Những công dân được nuôi dạy tốt là những người có khả năng cống hiến cho cộng đồng.

Bạn biết không, hình ảnh về những người có cống hiến cho cộng đồng được vẽ trên tường các lớp học ở Ru-mani. Mục tiêu của các lớp học này là giáo dục trẻ em thành những con người có thể đóng góp cho cộng đồng, giống như những người đã được vinh danh và vẽ lên tường lớp học. Các học sinh ở đây nhìn thấy những tấm gương này mỗi ngày và lớn lên để trở thành những người phục vụ mọi người. Đó là một trong những cách thúc đẩy động lực mong muốn trở nên có ích của trẻ.

Nuôi dạy con là vun đắp những ước mơ (kỳ 4) - 2

Trên thực tế, đáng tiếc là không có nhiều trường học ở Nhật Bản có lối tư duy này. Ở Nhật, cả cha và mẹ đều động viên con cái học hành chăm chỉ, nhưng họ lại không dành nhiều thời gian để giải thích cho con hiểu tại sao con cần phải học.

Trong quá trình học tập, rất nhiều trẻ em thường xuyên nghe cha mẹ nói những câu như: “Học hành đâu phải cho ai khác, mà là cho chính bản thân con, vì tương lai của con”. Đây chính là một trở ngại lớn trong việc nuôi dạy con.

Khi con còn nhỏ, chúng cảm thấy cha mẹ đang nghĩ cho tương lai của chúng khi nói những lời như vậy và con tiếp tục học tập. Tuy nhiên, khi vào trung học, chúng sẽ bắt đầu suy nghĩ tại sao chúng phải tiếp tục học hành chăm chỉ và việc học có liên quan gì đến mong muốn của chúng trong tương lai? Nhiều trẻ sẽ lý luận rằng nếu chỉ học cho bản thân mình thôi thì chúng không cần phải tiếp tục học hành siêng năng như thế. Khi điều này xảy ra, con sẽ mất động lực, không còn hứng thú học hành. Con sẽ không còn khả năng khám phá ra ý nghĩa sâu sắc của việc học nữa. Đây là cột mốc cho thấy con bạn bắt đầu mất phương hướng trong cuộc sống và bắt đầu hành xử lệch lạc.

Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn nên nuôi dạy con cái bằng cách thể hiện tình yêu thương của mình một cách thích hợp từ khi con còn nhỏ. Bạn cũng nên giúp con hình thành ý chí, dạy con biết quan tâm đến người khác và không sống ích kỷ. Đồng thời, hãy cố gắng giúp con cảm thấy có trách nhiệm. “Những gì hiện giờ các con đang học sẽ giúp con cống hiến cho xã hội khi con lớn lên”. Hãy nói với con như thế kể từ khi con được ba hoặc bốn tuổi. Hãy dạy cho con có khái niệm về mục đích và giá trị của việc học.

Cha mẹ chắp cánh cho những ước mơ lớn lao

Thực chất của việc nuôi dạy con thông minh chính là vun đắp những ước mơ. Những đứa trẻ có ước mơ lớn lao sẽ đạt được nhiều điều vĩ đại trong tương lai. Trước đây, Nhật Bản đã từng có một hệ thống giáo dục tương đương với hệ thống giáo dục Do Thái.

Xin đừng nhầm lẫn cho rằng giáo dục chỉ đơn thuần là nhồi nhét kiến thức cho con và cố gắng tạo nên một đứa trẻ đạt được điểm số xuất sắc ở trường. Các bậc cha mẹ cần phải lưu ý đến việc phát triển lòng quyết tâm ở con.

Hãy khuyến khích con bạn dám ước mơ về những điều lớn lao. Để làm được điều này, bạn cần phải kể cho con nghe câu chuyện về những bậc vĩ nhân ngay từ khi con còn nhỏ. Hãy đọc cho con nghe tiểu sử của các nhân vật lịch sử anh hùng. Hiện nay, trẻ em được giáo dục từ rất sớm nhưng không thể đạt được kết quả như mong đợi khi chúng lớn lên. Điều gì đã xảy ra với những đứa trẻ này? Nguyên do của hiện tượng này là vì trẻ được dạy để trở nên thông minh hơn mà không được dạy để có lòng quyết tâm mạnh mẽ.

Trích sách "Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida"

Sách do First News phát hành